THEO CHỒNG KHÔNG BỎ CUỘC CHƠI
Nguyễn Thị Minh Ngọc, lấy chồng, nhưng không bỏ cuộc chơi với sân khấu... Ngọc vẫn thoăn thoắt, đi đi về về giữa nước Mỹ và Việt Nam, giữa chồng và bao dự định cần phải thành hiện thực tại quê nhà... Gặp được Minh Ngọc trên mạng, và chat với người đàn bà không tuổi 12 giờ trưa và bên bán cầu kia cũng vừa chẵn 0h đêm...
Giờ này, chị còn online sao?
Tôi vừa mới thoát chết trở về. Đang ngồi sau tay lái, chạy trên xa lộ với tốc độ cao thì xe đâm qua lề, bánh nổ và cứ thế trôi sang dòng xe ngược chiều. Những dòng xe đối diện mình cứ dừng lại hoặc tránh ra như có phép lạ. Ông xã ngồi bên cạnh sau phen hút hồn cho rằng may mắn có lẽ nhờ hai vợ chồng đều đeo hai tượng phật trong người (điều này khi còn ở Việt Nam, tôi chưa hề làm). Tôi cũng đang ăn chay một tháng sau cái chết bất đắc kỳ tử của người em trai. Để cầu cho cậu được siêu thoát, tôi cũng vừa hoàn tất cuốn tiểu thuyết Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ bắt đầu viết từ 1985 và bỏ dở dang khi nghe tin gia đình anh Lưu Quang Vũ mất. Hy vọng trong đợt tới về nước tôi sẽ in được cuốn này.
Chia sẻ với chị nỗi buồn mất người thân, nhưng cũng mừng cùng chị vừa qua cơn hiểm nguy tính mạng. Minh Ngọc, ở Mỹ, vẫn làm việc như điên chứ?
Tôi vừa hoàn thành 46 tập phim truyền hình cho hãng Phim Việt và Hồn hoang cùng với Song Chi (nữ đạo diễn – PV), kịch bản Tết cho Idecaf theo đơn đặt hàng của đạo diễn Vũ Minh: Thằng Bờm đổii Cái Dù To (hay Thằng Bờm đỗ được bằng cao... Rồi lại sắp lãnh 16 tập truyền hình và một kịch bản film nữa viết chung với Đinh Anh Dũng. Mong là năm tới sẽ bắt tay vô cuốn tiểu thuyết thứ hai. Luôn tự nhủ mình, cố gắng làm ra nhiều sản phẩm hơn là nói vì thời giờ sống và viết, thời giờ để xem và đọc, để học hỏi còn ngắn lắm.
Qua đó chị thấy đời sống văn nghệ của anh chị em nghê sỹ người Việt như thế nào... Những nghệ sỹ sân khấu như Hồng Đào có đất diễn không hay chỉ đi tấu hài và làm người dẫn chương trình?
Câu hỏi này nên dành cho những người định cư ở vùng quận Cam và những anh chị em nghệ sĩ sang Mỹ diễn nhiều. Nơi tôi ở gần như vùng Đắc Nông của VN. Thỉnh thoảng, học trò hay bạn bè mua cho cái vé rủ qua những vùng đông người Việt ở, giúp cho vài việc, rồi thôi, nên cũng chỉ biết những điều bạn hỏi qua người khác kể lại. Mà thế dễ bị lọt vào tâm thế kẻ mù sờ voi. Tương tự, tôi có đọc một vài bài nghiên cứu về tình hình sân khấu trong nước do những người bên đây lướt mạng và tiếp xúc vài anh chị em sang đây diễn, cũng dễ bị phiến diện như thế. Khi tôi còn ở Việt Nam, thỉnh thoảng Hồng Đào và Quang Minh có gọi về nhờ viết cho vài kịch bản hài và khi sang đây cũng vậy. (Ví dụ như vở Hàng độc...) Nghe nói các bạn ấy cũng đang mai phục một sân khấu nhỏ để diễn chính kịch, không đặt nặng doanh thu mà chỉ làm nghề đúng nghĩa. Dự định này đang được rất nhiều bạn diễn yêu nghề ủng hộ.
Sắp tới chị lại về nước để thực hiện một số chương trình mới, với những “đối tác” thật mới?
Cũng là một ngẫu nhiên, vài người bạn như NSƯT Lan Hương, NSƯT Hoàng Dũng, Trung Hiếu có rũ tôi làm chung những chương trình mà tôi tin sẽ thú vị. Vở cho Nhà hát kịch Hà Nội, tôi đã viết xong với tên Biển rộng hai vai (nghe rất Trịnh Công Sơn). Lẽ ra vở được làm vào cuối năm nay nhưng đạo diễn còn bận nên có thể bắt đầu sau Tết. Nếu không có gì thay đổi NSƯT Thành Lộc sẽ đảm nhiệm vai trò đạo diễn. Còn vở cho Đoàn Kịch hình thể cũng áp dụng nhiều loại hình như xiếc, rối, nghệ thuật xắp đặt và múa đương đại...
Thêm nữa, có một chương trình cho thiếu nhi kết hợp nhiều nước dọc sông Mékong cũng đã được chuẩn bị nhiều năm nay. Hy vọng sẽ thành hiện thực trong những ngày sắp tới với một sân khấu phía Nam.
Thực lòng chị có hụt hẫng không khi bị trượt khỏi danh sách được Bộ Văn hóa Thông tin đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT?
Khi tôi dấn thân vào chốn giang hồ gió tanh mưa máu này, có những câu mẹ tôi dặn KHÔNG nên trả lời. Tôi đã cãi lời bà và đã lãnh nhiều hậu quả không hay. Đây cũng là một trong những câu thuộc loại lời mẹ dặn. Tôi thật sự vui khi trong danh sách có tên những người tâm huyết với nghề xứng đáng như Hoa Hạ, Đàm Loan..., hay hai học trò của tôi là Hữu Quốc, Tấn Giao... Bên tác giả thì có ông bạn già của tôi là chú Ngọc Linh được giải thưởng Nhà nước.
Thiếu sót lớn của đợt này, với tôi, là khi tôi xin làm hồ sơ cho cô giáo đã mất của tôi là đạo diễn Nguyễn Tường Trân - người đã đào tạo bao nhiêu người giỏi cho sân khấu Việt Nam thì bị từ chối.
Nếu bạn đã đọc một bài báo viết về tôi với tựa Tôi cám ơn những kẻ ghét mình thì bạn sẽ thấy kỳ này danh sách có tên tôi mới là Chuyện Lạ... Nhưng tôi thấy quá tiếc khi danh sách này thiếu quá nhiều những kỳ nữ, anh tài của Sân khấu phía Nam. Những người mà không có họ, khán giả không có cái để xem, những viên chức của nhà nước không có cái để báo cáo, những nghệ sĩ quanh họ không biết lối mà sống cho trọn cái nghiệp mà họ đã lỡ theo...
Người ta nói Nguyễn Thị Minh Ngọc ở Mỹ thì gặp một số người quá khích tẩy chay vì bị (được) coi là cộng sản. Nhưng ở trong nước cũng không được giới chính thống công nhận vì định kiến là quá tự do, thân với nước ngoài.
Một số người quá khích đó đa số là bạn cũ của tôi, nên chỉ có ba trường hợp xảy ra: Một là họ đã quá yêu tôi và muốn tôi sống như họ muốn (y chang như những người mà bạn cho là giới chính thống trong nước), hai là do họ ghen với chuyện tôi còn sống được sau khi - và vẫn còn - trôi qua giữa hai lằn đạn. Thử tưởng tượng coi bấy nhiêu năm tôi đã đi dự những liên hoan, hội thảo, trại sáng tác qua khoảng mười ba nước mà gần như vì công việc viết kịch bản và đào tạo diễn viên của mình chứ chưa hề do nhà nước cử đi. Ở ngoài thì nghi rằng tôi là dân VIP. Còn trong nước nhiều người tự thắc mắc sao không mời họ mà cứ mời Minh Ngọc đi hoài?. Cũng có những những người không quen hiểu chưa đúng về tôi thường thì do họ căn cứ vào những thông tin không chính xác trên mạng.
Sự thật, trong gia tài nghề nghiệp của mình, chị đã viết và dựng rát nhiều vở có đề tài lịch sử?
Trong lúc cố ôn Sử Việt cùng kết hợp với môn Kỹ thuật biểu diễn ở trường, học kỳ đó chúng tôi không làm độc thoại từ những kịch bản nước ngoài mà tôi đã cùng các bạn sinh viên làm một đêm toàn những độc thoại của một số nhân vật nổi tiếng Việt Nam như Nguyễn An Ninh, Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Thái, Ngọc Hân, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly.. Riêng hai bài về Dương Vân Nga và Nguyễn Bỉnh Khiêm thì tôi được nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh viết tặng. Trong đó, pho tượng Dương Vân Nga đã nói: “Những người đánh ta là ai? Là những người muốn lịch sử như các ngươi muốn chứ không phải như nó có. Thờ rồi đánh, đánh rồi thờ, các ngươi bất kính nhưng không dám phủ nhận..
Còn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người cộng tác với cả ba triều Mạc, Trịnh, Nguyễn thì câu cuối cùng trước khi về trí sĩ đã thở ra: Đời này không dùng thì đời sau dùng; đời này không dùng người thì đời sau dùng lời..
Điều quan trọng là tôi đã không phản bội lại chính mình và những khán giả con sâu cái kiến của mình. Vậy thôi!
Cũng phải nói thêm, một quan chức văn hóa thấy tôi muốn dựng vở Hai Bà Trưng của Nguyễn An Ninh đã phán: “Cô đã không được chính chuyên về mặt chính trị thì không nên dính vào tác giả ấy”. Cho đến hôm nay, vở Nguyễn An Ninh, người lãng mạn đầu thế kỷ của tôi vẫn chưa tiến hành được, có lẽ vì Đài Truyền hình vẫn chưa tìm ra đạo diễn nào coi ông Ninh là thần tượng như tôi.
Mỗi lần từ VN qua Mỹ, từ Mỹ về VN chị có hẫng hụt, thất vọng về điều gì không?
Ở đâu, trái tim tôi ngoài ngăn cho mẹ, cho gia đình vẫn dành cho những khán giả, độc giả vô danh còn yêu mến mình, cho những kiếp người gặp những oan khiên ngút trời, chết không nhắm mắt. Để có thể nói giúp một phần nhỏ nào đó cho họ, tôi vẫn tụng thầm câu kinh của Minh giáo trong Cô gái Đồ long của Kim Dung: “Sống đã chẳng lấy gì làm vui, chết chẳng lấy gì làm khổ, người đời thương ta, lo âu, hoạn nạn, quả thực quá nhiều. Ước gì ngọn lửa thiêng này thiêu tấm thân tàn của ta...” Và dặn lòng đừng quên câu thoại đạo đức mới trong thời đại này là: “Không ngạc nhiên, Không kêu ca và Không sợ hãi”. Dĩ nhiên, để sau đó có những hành động tích cực chứ không phải để trở thành vô cảm trước bao điều ác đang xảy ra.
Chị có mách nước gì cho xu thế xã hội hóa sân khấu đang được các nhà quản lý coi là thời thượng hiện nay?
Đợt Liên hoan sân khấu xã hội hóa này có thể tôi là người có nhiều vở được dựng nhất. Hai vở của Idecaf đều là có tôi đứng tên tác giả. Còn vở Sắc Xuân gửi lại của nhóm Thắp sáng niềm tin thì tôi vừa viết vừa dựng với Hữu Quốc và Hoàng Song Việt. Khi đi nói chuyên về Lịch sử sân khấu VN cho những bạn trẻ và khuyến khích các bạn ấy viết kịch tôi có tâm sự một điều có vẻ như rất nghịch lý: Nếu cứ chăm chăm vô hai chữ Danh và Lợi, bạn sẽ không theo nghề này lâu dài được.
Câu đó càng đúng cho lãnh vực gọi là xã hội hóa sân khấu. Chuyện đó của các bầu lo. Đã có lúc tôi phải xóa tên mình ở chỗ tác giả khi gởi kịch bản tới những nơi úy kỵ tên mình, chỉ cho tên lại khi sắp công diễn hay sắp phát sóng khi người ta thấy chuyện để tên Minh Ngọc chỉ có lợi chứ không hại như họ tưởng.
Tôi đã từng lãnh 200.000 đồng là thù lao đạo diễn cho cả vở trong lúc diễn viên chính lãnh 500.000 đồng một đêm. Hoàng Dũng mới gọi qua, nói bao giờ chị về mình sẽ ký hợp đồng mà giữa hai chúng tôi chưa hề nói giá cả bao nhiêu. Thường thì ai đưa bao nhiêu, tôi nhận bấy nhiêu. Học trò bên đây hỏi tôi có thích đứng tên không? Tôi thấy chuyện đó không cần thiết.
Chuyện xã hội hóa sân khấu thật ra vô cùng đơn giản là chúng tôi muốn được làm cái nghề và cũng là cái nghiệp của chính mình. Tôi không sao quên được những giây phút đứng trong cánh gà hay cuối khán phòng cùng với Ái Như, Vũ Minh, Hùng Lâm theo dõi khán giả khóc cười với các vở Hãy khóc đi em, Trái tim nhảy múa, Hãy yêu nhau đi... mà mình muốn khóc cười theo. Những lúc đó không lợi danh nào sánh được.
Trân trọng cảm ơn chị chúc chị ngon giấc, mặc dù lúc này ở VN mới bắt đầu buổi chiều...
Khánh Bằng (Thực hiện)
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home