Monday, July 13, 2009

“Người Hảo Tâm Thành Phố T.”

Entry for January 23, 2008
“Người Hảo Tâm Thành Phố T.”


(Mới nghe một người wen ngó blog của tui hô lên là cheap wá, chắc tại thấy tui liệng hình lên blog. Rẻ $ hay khg thì cũng sẽ lết tới 108 thôi. Có người đề nghị, khg viết nữa cũng được, nhg dể mở cửa cho bà con vô coi chơi. Cũng có một cách nữa là tui sẽ bớt bài cũ, thêm bài mới sao cho vừa 108, như cô gái đan áo cứ tháo len ra để kéo dài ngày hoàn tất chiếc áo cho người mà cô bị ép lấy để không có đêm tân hôn với hắn.

Tui cũng mới trúng vai chị của Lọ Lem trong một vở nhạc kịch cho thiếu nhi Mỹ ở thành phố hông thấy người Việt nầy. Nói chung là khá busy.)


Nguyên tựa của Bertolt Brecht là “The Good Person of Szechwan” hay “The Good Woman of Setzuan”

http://en.wikipedia.org/wiki/The_Good_Person_of_Sezuan


Khi học đạo diễn, tôi thích vở nầy đến độ dự định chọn vở nầy làm tốt nghiệp nhưng cô giáo Nguyễn Tường Trân của tôi không đồng ý.

Ðến năm 1999, sang Ðức, tình cờ gặp chị Thái Kim Lan, thấy tôi mê Bertolt Brecht, chị cho biết vừa dịch xong vở đó từ gốc tiếng Ðức, nếu thích thì chị sẽ kiếm tài trợ cho làm.

Có tiền rồi, kiếm một sân khấu cho mình dựng cũng không phải là chuyện dễ. Sân khấu nhỏ là nơi tôi đề nghị là đầu tiên, nhưng SK đó cẩn thận quá nên chuyện không thành, vài chỗ khác cũng không xong vì những năm đó vẫn e ngại lắm khi nghe nói tiền từ nước ngoài đưa về, dù chẳng có bao nhiêu.

Mãi mới thuyết phục được Tuấn cho làm. Trong kịch mục của Tuấn thỉnh thoảng vẫn có những vở không bán vé được và Tuấn cũng sợ vở nầy sẽ là một cái chết được báo trước về mặc doanh thu. Tôi phải ký với Tuấn là chỉ nhận 50% để dựng vở, 50% còn lại để đăng quảng cáo và bù lỗ nếu lỡ như dựng xong không ai xem.

Trước đó, tôi biết được ngoài Hà Nội, thầy Ðình Quang đã dựng vở nầy với một bản dịch khác. Hình như chỉ diễn được đôi xuất rồi thôi.

Tuấn cho tôi tám diễn viên và bốn tuần để tập. Ðổi có tới khoảng mươi bản thiết kế, chúng tôi mới chọn được chìa khóa để vào ngôi nhà nầy. Tôi đóng vai một đạo diễn đi thực tập, nhặt được một kịch bản thiếu bìa, thiếu trang, tìm đến một ngôi nhà mở để nhờ những người đang sống trong đó làm diễn viên cho mình. Hồi duyệt vở xin lấy tựa là “Người Hảo Tâm Thành Phố T.”( vì rách mất những chữ phía sau) nhưng bên kiểm duyện không cho, phải lấy lại tựa của Bertolt Brecht



Mới tập khai từ, nhân thầy Ðình Quang đang ở Sài Gòn, tôi rước ông đến xem, ông nói coi chừng các bạn “Sài Gòn hóa” nó quá. Vở nầy, giống như vở “Nàng Thúy trở về” của Durrenmatt, nếu Việt nam hóa chắc sẽ không được cấp phép, còn để y như nguyên tác chắc là không bán vé được. Ðúng là để khán giả Sài Gòn xem được, tôi đã tổng hợp hai bản dịch lại và làm liều “Sài Gòn hóa” nó.


Tinh thần của vở kịch chắc là còn nguyên.

Cũng ba ông tiên xuống trần tìm người tốt nhưng tìm mãi không ra, ngay cả ông Vương nghèo khổ gánh nước thuê cũng phải làm chiếc thùng hai đáy. Chỉ có cô gái điếm Thiện Tâm là chịu từ chối “đi khách” để có chỗ cho ba ông tá túc. Cô là người chưa bao giờ biết lắc đầu với bất cứ ai nhờ đến mình, nên đã chấp nhận chuyện sáng hôm sau bị đuổi khỏi nhà thue vì không còn một xu dính túi. Cảm động trước nghĩa cử đó, ba ông tặng số tiền công tác phí cho cô. Ngửi hơi tiền cô đang cầm trong tay, biết tánh cô chưa bao giờ biết lắc đầu, bao nhiêu người nghèo khổ túm lấy cô xin được chia tiền và chui đầy vào nhà trọ của cô ở ké. Tranh nhau phần tiền bé mọn đó, họ còn xui cô từ chối những người khác bằng các bịa ra là tiền của một ông chú khó tánh nào đó bên Mỹ chưa về.

Ðêm ấy, trong ngôi nhà của mình, Thiện Tâm không ngủ được vì nghĩ đến một ngày mai không thể có đủ tiền để chu cấp cho toàn bộ những chúng sinh cơ hàn quanh mình. Rồi một ý tưởng lóe ra trong đầu cô, cô giả trang đại làm một ông anh họ có tên là Thúy Ðại. Anh chàng nầy tương phản hẳn với cô, chỉ biết có lắc đầu. Chuyện đầu tiên là anh đuổi sạch mọi người ra khỏi nhà. Muốn có tiền à? Làm ra mà sống!

Rồi Thiện Tâm yêu. Cô yêu chàng phi công tài ba toan tự tử mà cô cứu. Anh thèm được làm nghề nhưng không tiền đút lót để được chọn bay. Cảnh đám cưới của cô là một trong những cảnh mà tôi thích nhất. Mẹ con chú rể chỉ đợi ông Thúy Ðại đến đưa tiền cho họ đi hối lộ để chú rể được hành nghề. Nhưng làm sao Thúy Ðại đến được vì anh ta còn phải .. làm cô dâu. Chờ mãi không được, khách dự tiệc mang quà về, chú rể gần như muốn bóp cổ cô dâu.

(Quốc Thảo đã trèo trên những chiếc thùng cũ nát, hát một bài tuyệt vời của Tuấn Khanh sáng tác nói về ước mơ được bay của mình, trong lúc Thanh Thủy ngồi bệt xuống đất, cổ nghẹo qua một bên như con búp bê gãy cổ.)

Rồi cô mang bầu. Cô che dấu nó bằng cách phải tiếp tục đóng vai Thúy Ðại. Hắn mở nhà máy, tuyển những người đói khát về làm với đồng lương chết đói. Chàng phi công xin vào làm trợ lý cho hắn, góp tay ra sức bóc lột nhân công.

Cái bụng bầu ngày càng lớn của Thiện Tâm mà Thúy Ðại phải mang càng khiến hắn có dáng vẻ của một tên tư bản bụng phệ đáng ghét. Sống với cái ác mãi, ông Vương mới thấy qúy thương và nhớ nhung cô điếm tốt lòng lâu quá không về. Tìm được manh áo dấu kín của cô trong nhà Thúy Ðại ông hô hoán lên là Thúy Ðại đã giết chết Thiện Tâm. Mọi người ùn ùn đòi kiện Thúy Ðại ra toà.

Tình cờ mà ba toà quan lớn cũng chính là ba ông tiên. Cuối cùng Thúy Ðại xin được gặp riêng ba ông. Hắn xỏa tóc ra, nói thiệt mình chính là Thiện Tâm và kể cho ba ông biết món tiền của ba ông đã gây bao nhiêu phiền toái cho đời mình như thế nào: mình đã phải biến thành một con người khác, tương phản với mình, thì mới tồn tại được.

Giờ con phải sống như thế nào đây? Là Thiện Tâm hay Thúy Ðại?

Ba ông tiên .. bí, không trả lời được câu đó nên quyết định bay về trời và nhường câu trả lời cho khán giả.


Theo tài liệu tôi có, khá nhiều xuất diễn đưa đến kết cục khán giả ào ra đường .. biểu tình vì thông điệp của vở khá rõ:

“Bạn không thể làm người tốt được trong một xã hội còn đầy những cái xấu”

Cùng với nhóm bạn của mình, chúng tôi không chọn việc nhấn vào thông điệp ấy. Bởi tôi thích một thông điệp khác, nhân bản hơn, tích cực hơn và khả thi hơn:

“Dù hoàn cảnh chung quanh có tồi tệ đến đâu chúng ta cũng phải tích cực tìm cách cứu những đứa trẻ, để có một thế hệ tương lai bớt cực nhục hơn cha mẹ chúng.”

Tôi còn nhiều điều muốn viết về vở diễn nầy. Giờ chỉ ghi lại vài dòng để cám ơn tám diễn viên đã cùng thể hiện với tôi thông điệp đó: Thanh Thủy, Quốc Thảo, Thành Lộc, Hương Giang, Trung Dân, Hương Giang, Tuấn Khôi, Diệu Ðức. Cùng với họa sĩ Lê Văn Ðịnh, nhạc sĩ Tuấn Khanh, thiết kế phục trang Lê Minh Khoa, giám đốc sản xuất Huỳnh Anh Tuấn, dịch giả và người xin tài trợ từ hội Ðức A:Thái Kim Lan.

Ngoài cảnh cô dâu ngồi xẹp như con búp bê bị gãy cổ kia, tôi còn yêu một cảnh diễn không có trong kịch bản. Sau khi vai chánh vẽ hình đứa bé lên tường. Mỗi diễn viên ôm một chiếc gối như ôm những đứa con, đến vẽ thêm những ước mơ cho trẻ em như vẽ thêm mẹ, thêm cha, thêm trường học, cặp sách, hoa, chim và mây trắng; con phải được sống trong môi trường thiên nhiên trong lành quanh mình cùng khát vọng tự do.

Bài ca của Tuấn Khanh đã giúp tôi thể hiện ý tưởng trên với ca từ:

“… mong con không ốm đau,

ngày hai buổi được cắp sách đến trường

và không moi rác ven sông.”

Vở diễn được kéo đến gấp mười thời gian sống so với số xuất diễn của thầy Quang ngoài bắc. Tôi chưa đọc được một lời nào chê bản dựng nầy. Có người nói nhạc của Tuấn Khanh ở đây có vẻ “nhà thờ” quá; nhưng với tôi thì quá hay vì chưa có nhạc sĩ nào cảm được những ý tưởng của tôi như Khanh.

Chị Thái Kim Lan còn nói:

“Nếu Bertolt Brecht còn sống, chắc ông cũng sẽ đồng ý với Minh Ngọc.”

Phải nói thêm là hai chị em đều không nhận tiền trong dự án nầy mà chuyển hết tặng trẻ mồ côi. Chị Lan cũng tặng tiền bán cuốn sách dịch vở kịch nầy. Chỉ tiếc là chẳng ai mua, chỉ toàn là tặng như truyền thống sách về kịch và thơ ở Việt Nam

Khi sang Mỹ, nghe anh Trương Vũ (Trương Hùng Sơn) ở D.C.nói với nhiều người:

“Về thấy Sài Gòn chộn rộn và nhiều biến đổi. Tình cờ xem được vở diễn đó, cảm động vì thấy vẫn còn có những người giữ lửa cho Sài Gòn”

Ðó là những câu mà với tôi lớn hơn nhiều những huy chương, vinh danh và phong tặng.

Tôi nói với nhiều người tôi giống cô điếm tên Thiện Tâm trong vở nầy, chẳng biết lắc đầu, dù biết gật mãi thì sẽ có ngày ..banh xác.

Vậy mà đã tám năm rồi.

(Hình xin về từ blog Xuân Bình)




Tags: nguoitottcity | Edit Tags



Wednesday January 23, 2008 - 12:46am (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for January 26, 2008

Comments(3 total) Post a CommentCat n… Offline IM Vở này em cũng đã được xem. Lúc đó em mới học năm thứ 2 ở trường. Em làm bài tiểu luận thi học kỳ về nghệ thuật diễn xuất diễn viên và chọn chị Thanh Thủy. Lần đó anh Tuấn cho em vé đi xem vở này. Nhân vật Thiện Tâm vé Nhân vật nữ Thiện Tâm làm cho em khóc.
Tính ra anh Tuấn coi vậy rất tốt. Lúc đó em chỉ là thằng sinh viên nghèo, vậy mà em muốn xem vở nào anh cũng tặng vé và tặng chổ ngồi tốt đàng hoàng.

Wednesday January 23, 2008 - 04:09am (EST) Remove Comment
nghi … Offline IM sao em chưa bao giờ nghe vở này, chắc lâu rồi hở chị?

Thursday January 24, 2008 - 09:54am (EST) Remove Comment
8Fieu Offline @ Ng da khuat. BB la nguoi cung fe nha nuoc trong thoi war, nhg sang thoi binh, ai cung ne ong het, vi ong luon lat nguoc van de.
@ Dong Ngi: Vo dien nam 2001. Hoi bo kho xem nen vua het tai tro la fai ngung. nhg do la Dau An khg fai voi minh va nhieu ban be, khan gia

Thursday January 24, 2008 - 11:39pm (ICT) Remove Comment

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home