Xóm chuồng ngựa
Entry for April 30, 2008
Xóm chuồng ngựa
Nguyễn Ðức Sơn
Khg Flying Home duoc nhu chim thi dat cai nay vo day de do nho nha.
Chuyen nay toi duoc doc hoi con nho lam.
Bay gio khg con ai viet nhu vay nua.
Tai sao?????????
Hai tay uể oải vịn hàng rào, bà cụ Tường nhìn lên giàn bầu của bà Bảy. Bà khoái lắm. Thấy tôi đứng lơ ngơ gần đó, bà nói :
"Cũng được hơn hai trăm bạc đó cậu ạ!"
"Thưa cụ cái gì hai trăm ạ?" Tôi vờ vĩnh hỏi lại.
"Thì cái lứa bàu của bà Bảy đó mà.”
"Thưa cụ, sao cụ không thả mấy dây để ăn có đỡ không? Tôi thật tình hỏi vậy.”
"Ối giời! Giồng mẹ cái gì cho mệt cậu!"
Bây giờ tôi mới sực nhớ là xung quanh ngôi nhà gỗ ván một nửa lợp ngói âm dương và một nửa lợp tranh của cụ Tường không có lấy một cái cây cỏ gì để ăn được. Đó là một điều trái hẳn với cái tính đáng khen của người miền Bắc, nhất là những người di cư, và nhất hơn nữa là đối với những người không được dư dả gì nhiều như cụ.
Nhà cụ có đất có sân. Đó là lý do vì sao tôi chịu thuê tạm một gian trong căn nhà gỗ của cụ (mà nền đất của nó trước kia vốn là nền của một cái chuồng ngựa) để sống những ngày tháng thất thế.
Cụ đi ra đi vô. Khi thấy tôi cầm một trái bầu non, mắt cụ sáng lên:
"Ối dào! Mình cậu ăn một trái à, sao hết hở cậu?"
"Dạ thưa bầu non cháu mua về, cháu mua về bằm thịt nạc dồi vào cả trái để ăn cả ngày.”
Tôi run run nên ấp úng rào trước như vậy. Và tôi đã nhấn mạnh mấy tiếng "bầm thịt nạc dồi vào cả trái" và "để ăn cả ngày" để cụ khỏi đòi chia một cách hết sức thiệt thòi cho tôi bằng cách vờ quên không bao giờ chịu trả tiền. Thế nhưng cụ cứ gián tiếp đòi chia và tôi đành chịu thua. Không phải tôi chịu thua thật sự đâu. Bởi tôi cũng đã tính toán trước. Đã "khôn đáo để" hay "khôn bỏ mẹ" như khi cụ nói lén về tôi cho từng người ở trong cái xóm này, cái xóm mà thật sự tôi đang tìm cách bỏ đi và rất ngại nói chuyện với nhiều ản mặt gặp gỡ hàng ngày. Như khi nói với ông Năm Khùng gánh nước thuê (người mà cụ biết có cảm tình với tôi) hay khi nói với bà Bảy (người mà cụ biết rất quý mến tôi) cụ Tường luôn luôn dùng cái phẩm từ tử tế "khôn đáo để”. Còn khi nói với tất cả những người khác trong xóm (những kẻ mà mới liếc sơ qua nửa cái tôi đã biết không có cách chi "chơi" được rồi), cụ Tường không ngần ngại dùng cái phẩm từ "khôn bỏ mẹ”. Tôi biết hết. Tôi đã tình cờ nghe tận tai hết chứ không cần phải nghe lại qua ông Năm Khùng và bà Bảy đâu. Nhưng tôi đã bỏ qua. Tôi đã bỏ qua thật sự vì tôi đã coi cụ Tường (một người đàn bà đáng tuổi mụ nội hay mụ ngoại tôi) là một phần tử trong cái đám đông ngọ ngọe lúc nhác kia. Nhớ làm cái đ… gì cho mệt cái thân tứ đại này. Vâng, tôi đã bằng lòng chịu chia một phần ba trái bầu cho cụ theo kiểu ma ní đó.
"Mà này, cậu đã mua bao nhiêu? Bà Bảy đã để cho cậu b… a… o nh... i... ê... u?"
"Thưa cụ, bả để cho người khác 5 đồng.”
Tôi chưa nói hết câu thì cụ đã nhanh mồm chận ngang:
"À, à ra thế. Bà Bảy để cho người ngoài mỗi trái bầu lớn hẳn hoi thì 5 đồng, riêng cho cậu và vì còn đang non nên chắc bà ấy lấy chừng 3 đồng, phải không n...à...o?"
Tôi chưa biết trả lời sao thì bà Bảy bồng thằng Cu – cháu mồ côi của bà – từ túp lều tranh bước ra nói thay:
"Tội nghiệp cụ Tường ạ! Cậu ấy đã đưa cho tôi 10 đồng. Tôi trả lại 5 đồng cho phải lẽ nhưng cậu không nhận, nói để mua quà cho thằng Cu.”
"Vậy cậu tính sao?" cụ Tường nhanh nhẩu quay sang hỏi tôi.
"Thôi cụ ạ, chia với sớt gì. Cháu ăn... không hết đâu. Cụ cứ lấy một phần trái mà ăn.”
Tôi biết cụ già trên bảy mươi tuổi người Bắc di cư đó khoái bỏ mẹ và sướng hết mình. Bởi tuy ở sát giàn bầu bà Bảy, cụ chưa bao giờ dám mua bất cứ trái bầu nào chứ đừng nói đến bầu non mà ăn. Và tôi đã bằng lòng chia theo cái kiểu quái gở đó cho cụ. Tôi cần nói lại là tôi không dại đâu, không thiệt đâu. Tôi biết tôi sẽ nhờ ở cụ một việc mà chắc chắn cụ thấy rõ chỉ có mình cụ mới giúp tôi được. Đó là việc nhờ cụ để một con mắt (hay nửa con cũng được – mà thực tế chắc một phần tư là cùng) ngó nhà cửa cho tôi trong những lúc tôi đi vắng. Tôi không có đồ đạc nhiều. Trừ một kệ sách, tôi chỉ còn làm chủ được mấy thứ lặt vặt nhưng thật cần thiết và thân yêu trong đời sống hàng ngày của tôi cho đến hết một đời này. Đó là một cái khạp đựng gạo lứt, một cái chum đựng đậu xanh, một hũ đựng tương đậu nành đặc, một cái việm đựng bột sắn, một cái thẩu đựng đường cát vàng, một cái thẩu khác đựng bơ Bretel tôi đã sang qua từ một cái lon thiếc, một chai đựng nước cơm rượu, một chai đựng mắm nêm cá cơm biển, một chai nước mắm nhĩ, một chai lít đựng dầu Olive, một chai ma ri, mấy cái chai nhỏ đựng tiêu, muối, mè, vị tinh, ngũ vị hương, v.v. và một cái rổ đựng tạp nhạp nào là trứng gà, khoai tây, cà rốt, củ dền đỏ, tỏi, hành tây, hành ta, boa rô, đậu săn, hà thủ ô... để gần bên một cái bếp lầm bằng ba cục gạch đơn sơ. (Tôi rất thù tất cả các loại bếp nấu dầu hôi hay đến cả bếp hơi hay điện). Đó, tất cả chỉ là những thứ vụn vặt nhưng vô cùng hữu ích đối với tôi. Vậy mà những cái thứ đó cứ đua nhau biến mất hoài. Nhiều khi hết nhẵn tiền, chạy về nhà lấy cái trả nấu đại một chén cơm, xong, tìm thẩu bơ thì thẩu bơ đã biến mất; tìm một hai cái trứng gà còn lại để đánh chả ăn thì trứng gà cũng đã lặn đi đâu biệt tích rồi. Có lần trong đêm khuya, không còn một đồng nào để mua bánh mì ở phố, bèn mò về hốt một nắm gạo và ít đậu xanh đem ra vo, đổ vào đủ nước, định đem vào bắt lên bếp nấu cháo, đến một cái bàn lấy cái diêm châm lửa thì diêm cũng đã bay đi đâu biệt dạng rồi. Tức hộc máu, bèn đi ngủ cho xong, mò đến cái ghế bố nhà binh cũ chắc chắn cả chục đời (mua lại của một tên lính mũ xanh mũ đỏ đánh thuê gì đó), đặt cái tấm lưng xuống thì ịn một cái chất gì mềm mềm nhão nhão và tức thì một cái mùi thúi kinh khủng nhất trần gian này bay lên: cứt mèo! Ôi thôi, cái con mèo khốn kiếp của cụ Tường và của hai đứa cháu gái (ăn ở luôn trong nhà của cụ) đã chui qua làm bậy vào cái chỗ quan trọng bậc nhất của tôi trong căn nhà mướn này rồi. Cái con mèo hết sức Việt Nam. Lông nó xám. Nó có bốn chân. Đuôi ná dài và tận cùng bằng một khúc ngoặt cụt và bất ngờ như bị bẻ gãy. Nó kêu "meo!" meo!" như tất cả những con mèo khác. Và bà cụ Tường không biết đặt tên cho nó là gì bèn kêu đại cho nó là con Meo Meo luôn cho tiện. Con Meo Meo đó mê không nổi rồi. Vì nó có cái bộ mặt như ăn trộm chứ không phải vì nó làm bậy trên ghế bố của tôi đâu. Không biết nó làm gì suốt ngày trong xóm nghèo xơ và buồn nản này. Nó đi đi về về im lặng như suốt một thời hiện tại tiếp theo bao nhiêu tiền kiếp rồi. Thú thật nhiều lúc tôi phát lạnh khắp người khi thoáng trông thấy nó. Tôi cảm rợn người tưởng như gặp bóng dáng một cổ nhân ẩn hiện đâu đây trong thời đại cơ khí này. Cho đến tối khi hai cô cháu gái của cụ Tường (làm thợ dệt ở cách đó không xa) trở về ăn qua loa cho xong bữa chui vào giường ngủ thì con Meo Meo cũng rúc vào ngủ luôn. Nó là con đực nên có một vài địch thủ sống chết. Có hôm nó bị một con mèo đen ở cùng xóm chạy đến vừa tấn công tới tấp vừa kêu oán thất thanh và rầu rĩ như ma tru quỷ hờn khi sắp sửa rúc vào chỗ đặt hai cái tấm thân não nuột và đầy mộng tình của hai đứa con gái chưa chồng đó. Con Meo Meo vốn nhát như cáy nên bị tát tơi bời. Hai cô cháu thợ dệt vùng dậy lấy thanh cửa và cán chổi hè nhau tìm đập cái con vật vô cớ xâm phạm gia cư và cố ý đả thương kia. Nhưng cái con meo meo xa lạ đó đã cao bay xa chạy rồi. Hai cô cháu chỉ còn biết ấm ức và tranh nhau ôm con Meo Meo bị thương của mình và giường nắn bóp, cái con Meo Meo suốt này đi qua không biết bao nhiêu chỗ sình thối có băng vải đỏ tím gì đó trong xóm.
Vâng, tôi đã chịu chia bầu cho cụ Tường. Để cụ coi sóc nhà cửa cho tôi. Để tôi khỏi bị mất và thiệt hại một cách lặt vặt, kỳ cục, nhưng không kém phần đau thương trong những ngày thất thế, hẩm hiu.
Tôi mướn nhà nhưng rất ít ở nhà. Bởi đầu tiên đó không phải thật là một cái nhà. Nó chỉ là một phần tư một cái chuồng dựng bằng gỗ tạp ẩm mục hở hang với cái mái chỗ thì lợp ngói âm dương (nhặt nơi một ngôi nhà xưa nào đó cất cả trăm năm trước), chỗ thì lợp tranh và lá dừa tùm lum. Những phòng thì ngăn cách nhau bằng những tấm phên thưa cao không quá một thước sáu (chỉ bằng chiều cao của tôi, tôi đã đo kỹ rồi mà). Bên này có thể trèo qua bên kia mà không cần phải bắc ghế. Và mặc dù có dán thêm một lớp giấy trắng, tôi cũng có thể trông thấy rõ ràng hai cô cháu thợ dệt tuổi vào khoảng hăm ba hăm bốn đang làm cái gì bên kia, nhiều lúc trông hết sức quyết liệt và bi ai. Sao không lấy chồng quách đi, để khổ sở vật?
Vâng, tôi thuê căn nhà đó không phải để ở. Tôi ở lung tung. Tôi nhảy lung tung. Như tâm trí tôi dưới bầu trời này vậy. Nhưng tôi làm việc hết sức đàng hoàng. Một mình và hoàn toàn cô độc. Như những giờ phút sung sướng nhất đời tôi, một mình nhìn vào khoảng không tuyệt đối. Ngoài những giờ học lưu động ở gần tất cả chỗ nào còn một chút cây cỏ, bóng mát và nhất là yên lặng ở Sài Gòn, tôi còn làm việc ban đêm ở nhà và làm một cách thật dữ dội lúc tất cả chương trình tao đàn tao điếc hay thi nhạc giao du không còn phóng uế ra từ một vài chiếc radio của những bản mặt có tiền của kha khá trong xóm. Thỉnh thoảng tôi cũng về nhà nấu cơm ăn liên tục hàng tháng trời. Chợ nhỏ trong xóm nhiều khi cũng có cá biển khá tươi, thịt bê thui thật tuyệt, thịt gà làm sẵn bán từng nửa con thật ngon và rau cỏ cùng trái cây tươi tốt. Rất nhiều buổi sớm hay nửa khuya thức dậy một mình, dụi mắt xong, ngáp ba cái cho đã đời (đôi khi bốn cái vì lỡ trớn), tôi lò mò đi nhúm lửa pha cà phê lấy, hút thuốc lấy, không mượn ai làm giúp, ngẫm cái đời dị tặc và khổ não này dù sao cũng còn ít nhiều thi vị để sống.
Tôi sống cũng dễ thở đó chứ tuy phải nói thật rằng tôi đang thất thế. Thành ra không một đứa bạn nào – tôi chỉ nói đến bạn sơ giao vì tôi đã, đang và sẽ không đời nào có bạn thân thiết để giết hại cái khoảng trống âu yếm của đời tôi – biết chỗ tôi ở. Nhiều lúc đau nặng, nằm chèo queo và ngáp gió một mình, tôi cố rút hết ruột ra nhờ cụ Tường mua cho tôi ít chai nước suối Vĩnh Hảo. Cụ đi mua liền vì cụ biết sau đó tôi sẽ biếu cụ một cái chai không có ghi giá 7 đồng nội chai không. Tôi cần cụ mà cụ cũng cần tôi. Huề. Không ai xấu ai hết. Tôi muốn thế. Tôi muốn xã hội chỉ có công bằng và đếch cần bác ái. Chỉ cần công bằng mà thôi. Vì nghĩ cho cùng công bằng là đức tính cốt cán và quá đủ của bất cứ xã hội tốt đẹp nào trên thế gian này. Chỉ cần công bằng mà thôi, và công bằng thật sự dù không bao giờ có một thứ công bằng tuyệt đối trong bất cứ tương giao nào trong xã hội loài người (kể cả những xã hội trong những nước theo xã hội chủ nghĩa và cấp tiến nhất, than ôi). Như những liên lạc giữa tôi và cụ Tường, cụ chủ nhà rất thích tiền và rất lười này. À, tôi phải nói thêm về bà cụ Tường. Cụ suốt ngày cầm nón ra chợ hay đi lơ ngơ đâu đó rồi lại về nhà, giở nón ra, nằm, rồi đứng dậy dọn cơm, rồi lại nằm, rồi lại cầm nón đi lơ ngơ đâu đó, rồi lại về... Thỉnh thoảng cụ cũng bày đặt cúng vía quỷ thần hay cầu khẩn ông bà ông vải chi đó để mong một đấng vô hình nào phù hộ . Phù hộ cái mẹ gì? Để sống lâu thành tinh? Để có nhiều tiền chăng? Để làm gì hở cụ Tường? Với những khoản chi tiêu tằn tiện của cụ mà mỗi tháng thu vào hơn 700 đồng giá cho thuê ba cái ngăn nhà nhỏ to với tiền lời nấu ăn cho hai cô cháu chắc phải được trên 500 đồng, cái thân già không trầu cau hay thuốc lá của cụ làm gì cho hết? Cụ sống buồn bã và keo kiệt quá làm tôi phát sợ. Nhiều lúc tôi chỉ mong lửa đạn ùa về xóm này để chấm dứt cái đời khổ hận của người đàn bà đua đòi di cư gần đất xa trời này cho rồi.
Tôi lập lại vì thất thế lắm tôi mới về ở đây sống tạm, rất tạm. Trong cái xóm mệnh danh là xóm Chuồng Ngựa thuộc Ấp Tây III Phú Nhuận này, chưa có cái gì gọi là mới, là văn minh dù nó ở kè ngang hông Sài Gòn. Đó là một khu đất lồi lõm có chút đỉnh gò đống, mồ mả và kinh lạch trông cũng được lắm. Nó nằm sau đường Chi Lăng và không xa Lăng Ông Bà Chiểu lắm. Đa số gồm nhà lá. Có một ít nhà ngói thô lợ quê mùa còn hơn nhà lá và bán khai còn hơn chòi tranh. Đó là nhà của những tay có máu mặt bằng nửa con tép riu mới nở, như chủ một nhà dệt chẳng hạn. Đời sống của họ còn quá tối tăm mặc dầu họ cũng tậu được xe hơi và dĩ nhiên những chiếc xe hơi này đã hơn một lần chạy qua trung tâm Sài Gòn, thành phố đông dân cư nhất và thật sự náo loạn nhất của thế giới hôm nay, thành phố duy nhất trên thế giới này đang làm một cuộc tổng hợp đầy máu xương bao nhiêu nền văn hóa Đông Tây lớn nhất từ ngàn xưa. Như đã nói, xóm này mang cái tục danh là xóm Chuồng Ngựa. Chắc trước kia, không xa lắm đâu, ở đây phải có nuôi nhiều ngựa lớn nhỏ đủ cỡ trong những chuồng ngựa to nhỏ nằm rải rác đâu đây và phần lớn trai tráng đều là những tay nài tài tử hay đánh xe thổ mộ truyền tử lưu tôn. Nhiều buổi trưa thanh vắng tôi cảm thấy rợn người khi nghe đâu đây trong hơi gió những bầy ngựa thiên cổ lũ lượt kéo nhau trở về hí lộng vang lừng. Xóm này ngày xưa có nuôi nhiều ngựa thật mà. Bằng chứng là hiện nay vẫn còn có ba bốn ông già đánh xe thổ mộ sau khi đi qua những con đường gập ghềnh, khúc khuỷu vẫn thường về đậu nghỉ đêm ở đây như quyến luyến cái mùi cố hương còn lẩn quất đâu đây trong những đêm trăng tà. Bằng chứng chắc chắn nhất là cái mùi đất, cái mùi nhà cửa ở đây vẫn còn phảng phất chút đỉnh cái mùi ngựa thời xưa hay cái mùi của những cục gì đó của những con ngựa, của những thế hệ ngựa đã đi qua, và cái thời phồn thịnh của nó chấm dứt ở đây không xa như đã nói. Bằng chứng hùng hồn nữa là tất cả những đàn ông cố cựu trong xóm vẫn còn mang dáng dấp gì xa xôi nhưng chắc chắn thuộc về nghề cắt cỏ nuôi ngựa và đánh xe thổ mộ. Đó là cái bộ điệu, cái dáng đi, cái cách ăn nói, cái tiếng cười bất ngờ ngẩng cổ lên và nhăn răng sít rịt (như ngựa hí khi động cỡn hoặc khi tự nhiên thấy khoái chí). Tôi đã có dịp quan sát họ trong những quán cơm nước bình dân (mà phẩm tính đồ ăn thật ra vẫn còn ở dưới mức bình dân xa lắm). Tôi cũng thường quan sát họ ở một vài nơi công cộng như cái chợ nhỏ họp buổi sáng và nơi bán công cộng như cái cầu cá tra thường được dân xóm chiếu cố gọi tắt là cầu cá.
Gọi là cầu cá, cái cầu tiêu vĩ đại nhất trong xóm do một người không tốt cũng không xấu lập ra. Ông đó có một cái ao nuôi cá tra khá lớn. Và trên ao ông cho làm một cái chuồng hẹp và dài phân cách nhau bằng một tấm phên cà tăng. Một bên cho đàn ông và một bên cho đàn bà. Mỗi bên lại được chia ra nhiều ngăn so le sút lít bằng một miếng ván gỗ thùng thấp chụt (cao tay lắm cũng lên đến bốn tấc là cùng), nhưng cùng một giống với nhau, thấy qua thấy lại cũng đâu có sao, mặc dù thật kinh tởm. Và ở mỗi dãy thuộc giống đực và giống cái đều có lối đi riêng. Đó là hai tấm ván mảnh, hẹp bắt từ dưới đất lên. Khi cần, nghĩa là khi thấy cá đã khá no, ông chủ cầu tự động rút bớt mỗi lần một hay cả hai tấm ván bắt lên cầu tiêu sợ nồng độ của phân và nước tiểu của bên âm và bên dương kia có thể giết chết bầy cá sản nghiệp của ông. Gặp trường hợp này tôi chỉ còn biết chửi thề trong bụng, xách quần về nhà tìm kế giải quyết khác. (Tôi thường lấy báo cũ che khắp tứ bề như hát bội và lót nhiều lớp dưới đất đường hoàng để khỏi thấm nước... Xong, gói dụt). Vâng, ông chủ cầu cá cần người ta nên ông mới bỏ chút công của ra làm cầu. Và già trẻ bé lớn cũng rất cần cái cầu của ông ta nên mới ra đó... chơi. Đến khi ông chủ thấy sự có mặt của họ không cần nữa thì ông có quyền rút đi, dĩ nhiên, vì phương hại nặng nề cho ông. Ông không xấu cũng không tốt, ông không tốt cũng không xấu. Ông công bình và đáng yêu. Ông đúng là một trung bình... nhân, ông xử lý rất ư là... trung dung chi đạo!
Ở xóm này tôi muốn tránh gặp bất cứ ai. Nên hễ mỗi lần thấy có một tên nào rề rà muốn làm quen (chẳng hạn như một chú giáo viên, một chú học trò lớn tuổi – trí thức của xóm làng, một chú thư ký xã ấp gì đó, v.v.), tôi liền khôn khéo lẩn tránh.
Thế nhưng đối với gia đình cụ Tường chủ nhà, đối với mấy gia đình lao động cùng thuê san sẻ ngôi nhà ọp ẹp với tôi, đối với mụ liên gia trưởng phách lối xuẩn động ở trước mặt, và đối với bà Bảy khổ cực ở gần đó nuôi một đứa cháu (mà cha nó đã mất xác oan uổng và rất có lỗi với đạo đức một trong hàng vạn chiến trận vô danh nào đó ở Miền Nam để lại một người vợ khổ lụy không bao giờ nhận được chút tiền tử tuất của chồng mang trọng bệnh chết theo luôn), tôi không thể làm ngơ như thế được. Tôi học được một trong những bài học khốn nạn và chó đẻ năm còn đầu tiên trong đời tôi: ngoại giao. Bởi họ nói chuyện liên tu bất tận bên tai tôi kia mà. Và câu chuyện của họ thường thường rất giản dị và rất cù nhầy. Họ bàn chuyện làm ăn cho khá hơn. Xong, họ nói chuyện tục tĩu. Xong, họ lại bàn chuyện làm ăn. Xong, đến chiều tối họ nghe vọng cổ, tân nhạc ba xu thì nhạc giao du. Và đến sáng họ ra cầu cá.
Về ở cái xóm Chuồng Ngựa này, tôi chỉ mang theo những đồ vật nào xét ra nếu bất thình lình mất trộm vì lý do nào, tôi cũng sẽ không tiếc lắm. Giả dụ như một đêm khuya âm thầm nào mò về nhà biết quân bất lương đã "tịch biên" trọn cái gia tài lục cục lòn hòn yêu dấu của tôi, tôi cũng chỉ thở phào ra một cái, mượn đỡ một tấm chăn, tấm màn (hay tấm quần cũng được – và càng tốt) của hai cô cháu thợ dệt trải xuống nền đất, nằm ngủ đại một đêm chờ sáng mai, không dại gì đi khai báo rầy rà mệt xác , bình tĩnh vác cái thân chưa đời nào chịu lên quá 40 ký của tôi chuồn ra khỏi xóm. Như một mai tôi cũng sẽ không cần thu xếp chi cả bình thản chuồn khỏi cuộc đời này. Hay một buổi trưa nào đó trở về thấy khu xóm đã tiêu ra ma trong một trận hỏa hoạn vì rủi ro hay do một âm mưu cực kỳ bất nhân được cả bàn tay pháp luật che chở nào, tôi cũng đứng đó u hoài nhìn ngắm cảnh vật dâu biển một tí rồi lại cũng tà tà bỏ đi không một lời ta thán. Không luyến tiếc, hay cố gắng như thế, bởi coi đó chỉ là một biến thiên tất hữu như tản mây tan tan tụ tụ trên biển trời vậy.
Cụ Tường đã mang trả lại cho tôi hai phần ba trái bầu non. Cụ đã nhân nhượng cắt mất đi cái phần nhỏ nhất nhưng ngon nhất rồi. Tôi thản nhiên coi như đó là một sự tất hữu trong cõi đời kỳ cục, đau thương và lạ lùng này.
"Cám ơn cụ", tôi nói.
"Ơn với nghĩa mẹ gì cậu! Mai tôi giả mấy đồng bạc nhé.”
Tôi gật đầu đồng ý, coi như mất đứt đuôi thằng cuội rồi. Tôi nói sang chuyện khác cho vui:
"À này cụ, cụ trồng một ít bầu, bí, mướp hay ổ qua trước nhà cháu cho nó mát một tí đi.”
Tôi yêu cầu điều đó vì tôi biết tôi còn ở lại đây khoảng ba bốn tháng nữa. Và như vậy thì tôi sẽ hưởng kịp ít nhiều cái bóng mát, hơi thở cùng với màu xanh của cây cối, niềm an ủi lớn nhất và cuối cùng của tôi trên trái đất này cùng với trời biển, tịch mặc và hư không.
Nhưng cụ lại thở than đột ngột:
"Giồng mẹ gì cậu! Biết sống chết ngày nào. Tôi tính bán nhà đây. Cậu có mua không?"
"Cụ bán nhà à?" Tôi hơi ngạc nhiên nhìn cái dáng điệu khấp khểnh chán chường mỗi ngày như mỗi khòm thêm xuống mặt đất một cách trông thấy của cụ.
"Vâng tôi định bán. Sáng nay tôi nhờ dán giấy trước nhà cậu. Cậu ăn học viết chữ đẹp để mấy chữ cho tôi đi. 20 ngàn đồng. Với cậu 15 ngàn thôi. Mua rồi rủ chúng bạn về mà ở. Cậu thích yên tĩnh, sống ở đây hợp lắm mà.”
Tôi mua làm quái gì cái đống gỗ mục, ngói vữa và tranh vụn đó hở cụ? Mà tôi có chịu ở chỗ nào nhất định đâu, nhất là trong cái thời buổi chiến tranh thắc thỏm này. Giấy hoãn dịch của tôi cũng đã gần hết hạn rồi. Mai mốt nếu không khéo xoay thì chỉ còn có nước đút đầu vào con đường độc đạo dẫn vô trường Bộ Binh Thủ Đức. Mai mốt rất có thể tôi chết trận, chết ho lao, chết đau tim, chết đau cật, chết đau đầu, chết đau óc, chết đau lậu, chết đau cu, chết đau mu, hay chết đói nhăn răng giữa Sài Gòn hoa lệ này. Sao cụ hỏi ngu vậy? Vả lại làm gì tôi có sẵn 15 ngàn đồng trong tay cùng một lúc. Vì nếu được vậy tôi đã có cách phục hưng sơ sơ cái đời chó đẻ của tôi rồi.
Tôi chú ý đến hai cái túi vải nâu phồng lên trên thân áo cụ mà thèm. Chắc phải có khoảng vài ngàn bạc trong đó, số tiền mà tôi rất ít khi có trong mình chừng lâu lâu.
"Thưa, cụ định đi đâu và hai cô cháu cũng sẽ đi đâu?"
"Chúng sắp có chồng hết cả rồi và nay mai đi ở riêng. Đã làm giấy gia đình rồi. Mai tôi ra trưởng ấp ký để lên xã và quận.”
"Thay đổi mau nhỉ. Cụ có buồn chăng?"
"Buồn mẹ gì cậu!"
"Còn cụ lấy số tiền bán nhà làm gì?"
"À, tôi ấy à, tôi cũng đang tính đây. Cậu có kế gì bày cho tôi đi.”
"Dạ thưa năm nay cụ bao nhiêu tuổi rồi?"
"Bảy mươi lăm cậu ạ!"
"Thế cụ định sống thêm bao nhiêu năm nữa?"
"Ối dào, giời cho bao nhiêu thì cho.”
"Thế cụ vẫn còn thích sống lắm.”
"Ối dào, sống chết với tôi còn sung sướng mẹ gì cậu. Giời cho bao nhiêu thì mình cứ nhận đấy thôi.”
"À, mà bao giờ cháu dời nhà đi?"
"Này, phải hơn ba tháng nữa. Ai mua tôi cũng báo trước thế. Họ có mua thì mua không mua thì thôi. Vì còn phải để cho cậu ở nữa chứ? Phải để cho cậu sống với chúng tôi một thời gian nữa cho vui chứ, phải không nào?" Cậu mà đi thì tôi và hai con nhỏ nhớ lắm.”
Tôi mỉm cười một mình. Tôi có ý định bóp cổ cái mụ già lắt léo đó trước khi rời khỏi xóm Chuồng Ngựa và sau khi cụ đã nhận trước một số tiền bán nhà cho ai đó nhưng chưa giao.
NGUYễN ÐứC SơN
Tags: | Edit Tags
Wednesday April 30, 2008 - 02:07am (ICT) Edit | Delete
Next Post: Entry for May 02, 2008
Comments(1 total) Post a Comment8Fieu Offline Luc nay cu doc nhieu bai bao dua ra nhg nhan vat khg giong voi nhg gi toi da duoc tiep xuc.
Anh X noi ve minh nhu 1 nguoi gap nhieu kho khan khi vao nghe, nhg thuc te thi hien anh la mot trong nhg nguoi gay kho cho lop hau sanh.
Con day la 1 nguoi van duoc nhieu bai bao ca ngoi.
Trng hop anh X, toi co truc tiep lam viec, con chi nay thi chung toi chua co dip nen khg dam lam ban, chi ghi lai de nho.
Giám đốc nông trường Sông Hậu tẩu tán tài liệu?
Thứ ba, 29/4/2008, 22:49 GMT+7
Ngày 28/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nhà ông Đặng Văn Khang và đã thu giữ được 15 bao tài liệu quan trọng liên quan đến vụ án cố ý làm trái ở nông trường Sông Hậu.
Theo lời khai của người liên quan, trước đó ngày 10/4, nguyên Giám đốc nông trường Sông Hậu - bà Trần Ngọc Sương - đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Nhơn (SN 1971 nhân viên văn thư nông trường) đem 15 bao tải tài liệu tại văn phòng Giám đốc tới gửi ở nhà Đặng Văn Khang ấp 4, xã Thới Hưng huyện Cờ Đỏ nhằm tẩu tán để che mắt cơ quan điều tra.
Tại cơ quan điều tra, ông Khang khai nhận số tài liệu trên do Nhơn mang đến gửi. Nguyễn Quang Nhơn cũng khai nhận đã làm theo lệnh của giám đốc.
Được biết trong 15 bao tải đó có một số tài liệu là đơn khiếu kiện của bà con nông trường viên; biên bản giải trình của nông trường với đoàn Thanh tra Nhà nước…
Dư luận công chúng thì nêu câu hỏi tại sao Giám đốc Trần Ngọc Sương từ trước tới nay luôn tự khẳng định mình là trong sáng minh bạch lại có hành vi chỉ đạo cấp dưới tẩu tán tài liệu để phi tang!
Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ sự việc.
Wednesday April 30, 2008 - 03:07am (ICT) Remove Comment
Labels: Nguyễn Ðức Sơn
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home