chén cơm với củ cải kho
Entry for April 27, 2008
Hè nầy có thể con Không về.
* Một nhà thơ mà tôi có quen qua đời. Quá nhiều bài báo viết về ông ta, và ông ta xứng đáng, (dù ông không còn cảm nhận được) với những lời ca ngợi ấy. Cách đây hơn mười năm tôi có đi Pháp chung với ông, ông được trân trọng vì những gì đã làm trong quá khứ. Ông cũng là cha của Ðào Phương Liên, cô bạn của Bích Thủy, đã giúp tôi trong một đợt ra Hà Nội.
* Một ông phó giám đốc cũ của tôi qua đời. Chỉ thoáng một chút trên NLD rồi biến mất. Bây giờ tôi muốn lục tìm bài báo đó cũng khó khăn. Ông là tác giả của ba cái kịch bản được giải Huy Chương Vàng toàn quốc.
Năm 1998, tôi biết kịch bản đứng tên mình sẽ không được dựng nên đành phải ký tên XXX dưới tác phẩm của mình. Ðạo diễn Ðoàn Bá lúc đó là giám đốc, lục được một vở muốn làm nhưng bị ông can: “XXX chính là con NTMinh Ngọc đó, con nầy “tiêu” rồi, đừng đụng vào những gì nó viết. “
* Giờ thì những người 70, 80 đã đi hết.
Năm ngoái, tôi thấy sức khỏe của má yếu quá có vái xin trời chuyển tuổi thọ của mình sang cho má.
Ðọc bài nầy trên blog của anh Khánh Ðỗ làm tôi nhớ má quá, xin mang về đây.
Má tôi cũng thứ Năm .và cũng ưa làm những chuyện giúp người tương tợ.
Tôi thấy mình là đứa con bất hiếu vì chưa giúp phổ biến được cuốn Hồi Ký của má tôi khi hai má con còn đang còn được sống.
Hiện tại tôi chỉ chưa biết nói sao cho má hiểu rằng có thể hè nầy tôi không về thăm má được. Ít ra tôi cũng làm được một chuyện tốt là không cho má biết tình trạng sức khỏe không ổn lắm của tôi nên bác sĩ chưa cho phép tôi di chuyển trong thời gian nầy. Muon dua hinh ma vo day, nhg khg biet cach nao.http://blog.360.yahoo.com/blog-pKt0d.Ywf6evOS4.hW3PZbA-?cq=1&p=904#comments
Bà mẹ xưa ...
Người ta hay nhắc đến những bà mẹ Việt Nam . Tôi cũng có một bà mẹ , mẹ ở đâu đâu chẳng dính dáng gì nhưng vẫn cứ nhớ mãi . Ngày 8-3 , tôi lại nhớ tới mẹ ấy .
Một ngày năm 198.... . Thời bao cấp .
Thời đó khổ lắm , thiếu thốn đủ thứ . Ngay cả cái cần thiết nhất cho sự sống còn là ... gạo .
Tôi thất nghiệp , phải lang thang đi bán kem dạo ở mãi những vùng tít xa , vùng thường được goi là đất thép thành đồng ( con nít dân thành phố ai mà thèm ăn kem ) để kiếm chút tiền về phụ cha mẹ nuôi em . Từ sáng sớm đến chiều tối cứ với chiếc xe đạp cà tàng , tay lắc leng keng cái chuông nhỏ ( lọai hay cột vào cổ con bò ) , dong duổi khắp ngõ ngách vùng quê , mời chào những em bé chắc có lẽ lần đầu tiên mới biết cây kem là như thế nào . Và bán cũng được , tiền lời cũng đủ để mua gạo sống qua ngày .
Chiều về , tranh thủ thùng kem đã hết , tôi ghé chợ mua vài lít gạo bỏ vào mang về vì gạo trên này rẻ hơn dưới Saigon , và cũng chỉ đủ tiền mua chừng dăm lít . Nghĩ tới ngày mai mẹ khỏi phải đi chợ mua gạo là lòng tự nhiên mừng vui . Hạnh phúc lúc ấy thật đơn sơ .
Thời ấy còn cái chuyện ngăn sông cấm chợ nên đem được lít gạo về cũng rất khó khăn . Vừa ra khỏi xã , ngay đầu cầu là một trạm kiểm sóat gắt gao . Họ xét từ cái thúng nhỏ của bà đi chợ cho đến cái rọ cá của những người đi câu . Rất kỹ , quyết tâm không để sót một hạt gạo nào mang về thành phố ( tới giờ vẫn chưa hiểu làm như thế để làm gì , qúai thật ) . Vì thế , tôi phải đi vòng qua những ngõ ngách thật xa , dắt xe qua những con đê , những cây cầu khỉ mỏng manh , trốn tránh như một thằng ăn trộm . Thường thì vẫn thóat , cho đến một hôm ...
Vừa dắt xe qua cây cầu cuối cùng thì từ bên đường , một chú du kích không biết từ đâu nhảy ra chặn lại . Chú ấy dở nắp thùng kem , lôi ra cái bịch gạo và bắt tôi đi theo . Tôi gần như muốn khóc , vừa sợ , vừa tiếc , vừa nghĩ đến ngày mai lại không có gạo ăn . Tủi quá . Đi lòng vòng một lúc thì về đến nhà , một căn nhà tranh cũng tuềnh tòang như bao căn khác ở cái xứ này . Chú ấy bảo tôi ngồi đợi , rồi cầm bịch gạo đi , nói là lên xã báo cáo . Tôi ra ngồi dựa vào gốc mít để tránh nắng , và chờ . Lâu thật lâu mà vẫn chưa thấy chú ấy trở lại .
Tôi đói . Từ sáng đến giờ đạp không biết là bao nhiêu cây số mà trong bụng chỉ có vài đũa mì sợi mẹ nấu cho từ sớm . Đói cồn cào . Mắt hoa lên , trong đầu cứ hiện ra hình ảnh chén cơm bốc khói . Lấy chai nước mang theo ra uống sạch mà vẫn cứ đói . Mà trong xóm heo hút này thì làm gì có ai bán đồ ăn . Thế là đành nhịn .
Trong bếp có một dì đang lục tục nấu cơm , chắc là mẹ của anh chàng du kích kia . Khói nghi ngút , mùi gạo chín bay ra thơm nức mũi . Trời ạ , giống như bị tra tấn , cái bụng cứ sôi lên sùng sục . Tôi ngồi nhìn không chớp mắt . Bà cụ còn nấu thêm cái gì trong cái nồi nhỏ xíu , chắc là đồ ăn . Thèm quá đi thôi . Huhu .
Chú du kích vẫn chưa thấy đâu , trời thì đã về chiều . Nắng vàng vọt lại làm cho tôi có cảm giác thê thảm hơn . Bà mẹ nấu cơm xong , ra chỗ tôi ngồi , hỏi : " Con ở đâu " . Giọng miền Nam ngọt ngào . " Dạ . Con ở thành phố " . " Úy trời ! Xa dzữ zậy . Đi xa vậy cực quá hén " . Và bà ngồi nói chuyện với tôi , hỏi tôi đã từng làm gì , học tới lớp mấy , có nhiêu anh em , cha mẹ thế nào . Rất chân tình . Chắc cái dáng thư sinh của tôi cũng dễ mến . Tôi quên mất phần nào cái đói đang hành hạ , ngồi nói chuyện với bà khá lâu . Lúc sau , bà đứng dậy , buột miệng " Cái thằng này đi đâu lâu ghê" , rồi bỏ đi vào bếp . Trời đã nhập nhọang tối . Lại đói ngấu nghiến , cái bao tử kêu sùng sục .
Một lát sau , bà trở ra . Trời đất ơi , tôi không dám tin vào mắt mình . Trên tay bà cầm một chén cơm trắng nóng hổi và một cái dĩa nhỏ đồ ăn . " Ăn đỡ miếng cơm đi con , chắc đói lắm rồi á " . Giọng mộc mạc , như mẹ nói với con . Tôi cảm động quá sức , không nói nổi lời cám ơn . Thời buổi gạo như vàng thế này mà sao vẫn có người tốt như thế .
Đồ ăn là gì các bạn biết không . Vài lát củ cải kho với nước muối , thêm chút nước màu vàng vàng . Thế mà tôi ăn ngon lành , vừa ăn vừa ứa nước mắt . Một bữa ăn ngon chưa từng thấy , hơn cả những món sơn hào hải vị từ trước đến giờ . Tình người như thấm vào từng hạt cơm kia .
Một lát sau thì chú du kích về tới , chìa cho tôi một mảnh giấy báo là số gạo kia đã bị xã tịch thu . Tôi cũng chả thèm buồn nữa , đi vào nhà , nắm thật chặt bàn tay già nua của bà mẹ , cúi đầu chào cảm ơn . Tôi thấy trong mắt bà cũng ánh lên một niềm vui . Và rồi tôi dắt xe ra về . Lòng nhẹ nhàng như chưa hề bị mất gì , trong đầu cứ nghĩ mãi về chén cơm với củ cải kho . Và ánh mắt của bà mẹ . À quên , tôi vẫn kịp hỏi tên của mẹ : " Bà Năm " .
Khỏang 6 năm sau , khi cuộc sống đã khá hơn , tôi tìm quay trở lại chốn xưa . Bỏ cả ngày trời dọ hỏi từ đầu trên xóm dưới với quyết tâm tìm bằng được người ơn năm nọ để biếu cho bà ít quà , gọi là có chút tình đền đáp . Tưởng tượng ra lúc gặp lại tôi , chắc là bà sẽ ngạc nhiên lắm .
Thế mà , khi tìm tới được xóm cũ , thì hàng xóm báo cho biết một tin làm tôi thắt cả ruột gan . Bà đã mất . Đứa con trai giờ cũng đã lưu lạc tận đâu rồi . Tôi hỏi đường ra mộ , ghé mua một nén nhang , và quỳ đó , trước mộ , giữa trời nắng gắt ... và khóc . Tự nhiên tôi thương bà mẹ quá . Dù chỉ là một chén cơm ngày xưa .
Bây giờ , cứ mỗi lần trên đài hay TV nhắc tới cụm từ " Bà mẹ VN ..." là tôi nhớ ngay đến bà mẹ này ... và chén cơm với củ cải kho . Đối với tôi , bà thật sự đúng là một bà mẹ Việt Nam .
Labels: mom
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home