Entry for September 08, 2007 Ba Người Hai Chuyện TRÒ CHUYỆN VỚI EA SOLA THỦY Nguyễn Thị Minh Ngọc Một người gốc Vĩnh Long, Ea Sola Thủy, vừa tổng kết công việc 10 năm ở Việt Nam của mình với 5 tác phẩm đương đại: “Hạn hán và cơn mưa”, “Ngày xửa ngày xưa”, “Cánh đồng âm nhạc”, “Thế đấy, thế đấy” và “Khúc cầu nguyện”. Một người gốc Huế, đang cùng với 7 “đệ tử” của mình “chạy nước rút” cho việc làm đẹp một tờ báo Xuân của thành phố này. Họ có một cuộc nghỉ xã hơi đâu khoảng gần 100 phút ở một quán nước. Bên ngoài đang nhộn nhịp người sắm Tết, và họ có một trao đổi ngắn. Họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông (1) - Thủy là người ở đây hay về đây làm?. Biên đạo múa Nguyễn Thủy Ea Sola: - Là cả hai. Đã là người ở đây và cũng là người về đây. Trong lúc về đây làm cũng được là “người ở đây”. Đông (2): Khi nói “người ở đây” ý của Thủy là… Thủy: …được thực sự sống với văn hóa ở đây. Đất nước Việt Nam đặc biệt đề cao cái ĐẸP nên khi được sống ở Việt Nam, tôi tin mình cũng được cùng với và ý thức ra cái ĐẸP ấy một cách sâu sắc hơn. Văn hóa Việt Nam đẹp nhưng do mình sống với lý trí nhiều và tiếng nói của mình trông như hành động nhưng nó chỉ dừng lại ở lời. Còn hành động thì phải vào việc với cái mà mình thường hay nói ra, thì mới khỏe được. Theo tôi cảm, mình mong được thấy rõ hơn quan hệ giữa Dân và Nhà nước trong các chủ đề báo Tết. Sau 10 năm trở về quê hương làm việc, tôi thấy ở đây chúng ta cho tiến hành phê và tự phê liên tục. Có người phê và cứ phê cho đến hôm nay. Có người phê kiểu “đăng ký lập trường” và nhiều kiểu phê khác… Đông (3): Nghe nói Thủy cũng đang định viết?… Thủy: Có người xin tôi viết bài cho Tết. Tôi rất muốn viết nhưng rất tiếc không có thời gian. Tôi có 3 đề tài: - Vì sao áo dài Việt Nam bay bỗng đến thế?. - Vì sao kiến trúc do dân xây dựng cảm động đến thế?. - Vì sao Hà Nội đẹp thế?. Qua đó tôi xin ngã mũ cho công việc của Nhà nước Việt Nam đã làm trong mười năm qua. Tôi đã được đi nhiều nước và tôi được biết rằng các nơi đó có rất nhiều chuyện tùm lum tà la, rất nhiều scandal, rất nhiều chuyện còn che dấu… Với tôi, một người mà cách đây 10 năm, lúc mới về thấy nước mình còn thiếu nhiều thứ, không có được một cây tăm đứng đắn, không có một lon bia. Nay đang xây dựng cơ sở hạ tầng như vậy, lo cho nền giáo dục, nền y tế và hàng trăm thứ khác nữa, tôi xin nói được như vậy rất là giỏi. Đông (4): Những gì Thủy vừa nói có phải là “chính trị”?. Thủy: Tôi chỉ thấy mình phê nhau nhiều mà ít thấy nhau hay và được. Mặt khác, tôi không thích những chủ đề báo Xuân như chỉ có một chiều và một màu. Như thế có vẻ hơi trẻ con, chưa đúng tầm vóc, diện mạo thật sự của Việt Nam. Linh hồn thật sự của đất nước này, tôi tin là rất mạnh và đẹp. Đông (5): Đi nhiều, Thủy có được gặp nhiều con người Việt Nam đích thực?. Thủy: Ở đây có nhiều chứ, đâu độ 80 triệu người. Bởi vì, cả những người bệnh hoạn, trộm cắp, tật nguyền, học không giỏi không phải là Việt Nam sao? Theo tôi biết, có nhiều người nhúng tay vào chuyện xấu không phải vì lòng tham mà còn vì để sống còn và giúp đỡ người thân. Lại còn những người Việt Nam khi ra nước ngoài cứ đau đáu, lo lắng, suy nghĩ cho hai chữ Việt Nam bất chấp sự đố kỵ, phân biệt, ganh ghét của môi trường chung quanh, họ càng phải là những người Việt Nam đích thực chứ?. Đông (6): Theo tôi, còn có một số giá trị để xem xét và hiểu nhau hơn. Liệu có cần phải đổi những giá trị theo thời cuộc? Và sự lai tạp trong mỗi con người?. Thủy: Với tôi thì sự thay đổi chẳng quan trọng bằng anh có dám sống hết mình cho điều anh yêu thích và có thành công trong vấn đề mình đang trăn trở không? Cạnh đó, mình có vui mừng được trước những thành công của người khác dù mình quen hay không quen biết hay không?. Nhân đây tôi cũng muốn xin được tỏ lòng biết ơn vô cùng với những bạn đồng ngành, những người quản lý, các cấp lãnh đạo đã giúp tôi trong 10 năm qua để tôi có thể vượt qua những điều tưởng chừng quá nhỏ bé như vậy. Đông (7): “Căn cước văn hóa” được Thủy hiểu ra sao?. Thủy: Vấn đề quốc tịch ở phương Tây thường mang tính cách thủ tục hành chính vì hôm nay có nhiều người mang nhiều căn cước khác nhau (về con người lẫn văn hóa) khi họ mang quốc tịch Pháp chẳng hạn. Tôi lại muốn đặt vấn đề ở chỗ căn cước hơn là quốc tịch. Trong xã hội phương Tây hiện nay, người thuộc văn hóa khác có thể mang quốc tịch Pháp, Đức, Anh, Ý v..v… nên căn cước là vấn đề quan trọng hơn đối với tôi. Do vấn đề căn cước được đặt vào lĩnh vực văn hóa, nhân đạo, sâu sắc nên căn cước là một vấn đề để cởi mở, để hiểu về mình và hiểu về người kế bên. Có những người bạn bi quan của tôi lo lắng cho một căn cước Việt Nam bị mai một, cho giáo dục Việt Nam phải báo động đỏ, cho một xã hội mới đang bị đồng tiền khuấy đảo… Nhưng tôi vẫn tin là căn cước của cá nhân hay đa số đều còn nguyên đó, không ai bị mất cả, chỉ có điều người ta không thể làm nhiều điều một lúc, với những người trẻ đang sống với tốc độ nhanh hơn nhưng chưa được tổ chức chu đáo hơn như nó phải là. Dĩ nhiên,cạnh những thứ mình có thể làm được cũng còn những thứ không thể. Điều chắc chắn là Việt Nam sẽ không là một Việt Nam như trước đây nhưng vẫn sẽ mãi mãi là Việt Nam. Nói cách khác, Việt Nam không thể mất căn cước, cũng như những nước khác không thể mất căn cước của mình nhờ một thiểu số trí thức là những người sẽ giữ gìn và nhắc lại điều ấy. Nhưng đa số ở đây đang phát triển. Một số nghệ thuật đang phân cực. Có loại cho số đông nhưng vẫn có một thiểu số vẫn theo hướng riêng tinh tế hơn cho mình. Đông (8): Ví dụ?. Thủy: Nghệ thuật sân khấu chẳng hạn, đáng lẽ ra thuộc về trí tuệ. Đông (9): Câu “đáng lẽ ra” có dùng trong một xã hội khác?. Thủy: Chắc là không nhiều nơi như ta. Đông (10): Có lúc nào Thủy là người nước ngoài của chính mình?. Thủy: Do mình thôi! Từ những va chạm thử thách, mình cũng phải làm quen với chính mình. Nhân đó, cũng nên soi rọi lại vị thế độc nhất vô nhị của Châu Âu trong việc liên tục đặt câu hỏi chất vấn chính mình khi muốn tiến hơn để nhìn thấy những cái mình không và chưa được. Nhờ đặt câu hỏi cho cá nhân và cho cá nhân đặt câu hỏi mà chính Châu Âu là nơi nổ ra cuộc cách mạng đầu tiên trên thế giới. Kiểu sống “ru ngủ”, “mê hoặc” nhau, “không biết mình là ai”, “biểu sao sống vậy” v..v… vô cùng nguy hiểm. Cái đẹp ở Châu Âu nằm ở chỗ dám nhìn thẳng vào vấn đề, không che đậy, giả dối… Đông (11): Nước Mỹ cũng có những cái đẹp này?. Thủy: Ở Mỹ cũng có nhiều điều thú vị. Cạnh thức ăn nhanh của Mac Donald, người Mỹ cũng có tri thức, văn hóa, kiến thức riêng của họ. Và điều sau đây thì chưa đâu qua Mỹ: “Khi anh có một cảm xúc, khát vọng trở thành số một trong một lãnh vực nào đó, anh sẽ được mọi nguòi hỗ trợ vì ai cũng thấy điều đó có lợi cho môi trường xung quanh. Đó không phải là một xã hội để ngăn cản”. Khi nước giàu, tốt… mình được hưởng theo nên thấy ai có khả năng cứ để cho người ấy làm. Các môi trường, giáo dục v..v… đều phải được tổ chức sao để cùng với những con người sống trong ấy tỏa ra năng lượng hỗ trợ nhau. Đông (12): Theo đó, còn có những năng lượng tiêu cực?. Thủy: Chắc chắc sẽ làm đau nhau. Tôi yêu da thịt những con người ở đây vì giống như tôi, họ được ba má ông bà nơi đây sinh ra nên tôi cố sức đóng góp loại năng lượng không làm những người đó đau. Như trẻ con đóng góp năng lượng tích cực bằng những nụ cười. Các cụ già đóng góp bằng cách thong thả, từ tốn hơn, không phải chứng tỏ. Như chúng ta trong năm tới không nên bàn về những người vắng mặt. Đông (13) Có hơn một nửa các nhân vật đoạt giải Nobel Hòa bình hiện sống ở Mỹ?. Thủy: Tôi không tin vào thống kê dù đôi lúc nó cũng giúp cho ta. Khi ai đó được giải (cả những người không được biết tới), tôi vẫn nhìn họ với tư cách cá nhân chứ không bị ảnh hưởng bởi vấn đề lãnh thổ. Dù từ nước nào, để có được giải đó, anh vẫn sẽ chứng minh. Và dư luận sẽ khác lắm nếu giải Nobel được trao cho một nước khác, ví dụ Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho tiếng Việt Nam mạnh hơn ở nước ngoài. Mình rất cần giới thiệu Việt Nam như một tổng thể đẹp chứ không phải chỉ cho thấy cái đẹp bên ngoài và làm ăn kinh tế. Rất cảm động khi tiếng Việt Nam ở Olympic dù có giải hay không. Làm sao để ở nước ngoài, càng nghe được tiếng Việt Nam như vậy càng nhiều càng tốt; mà hiện nay thì quá ít. Đông (14) Được biết Thủy đã từng giới thiệu tiếng cười của Việt Nam trong vở “Thế đấy, thế đấy”?. Thủy: Cũng như tiếng khóc, sự đói nghèo…, vấn đề là sức sống nào chứa trong tiếng cười. Trong vở ấy, những dân làng đã thật sự cười với tất cả sự êm đềm và tế nhị mang tính thi ca của họ. Loại tiếng cười giúp người ta thong thả hơn và bớt căng thẳng, ấy là một ngôn ngữ mạnh và đầy văn chương. Lẽ ra cái tiếng cười trên các sân khấu đều như vậy khi các đạo diễn thật sự làm việc. Đông (15) Công việc của Thủy đòi hỏi lý hay cảm tính?. Thủy: Cả hai, nếu không muốn nói là cả ba, cả bốn hay cả năm. Trong buổi nói chuyện với những sinh viên của Trường Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh TP.HCM vừa rồi, tôi có đề nghị nếu không yêu thì đừng sờ vào, bởi đã yêu thì mọi thứ sẽ đến. Khi yêu, ta chăm lo, mong đợi, suy nghĩ, bảo vệ, thay đổi, chọn lọc, xếp đặt để mọi thứ từ thiết kế đến phục trang, ánh sáng sao cho khắc họa được điều mình đang yêu. Đông (16) Còn tình bạn, với Thủy?. Thủy: Có người cho là phải mười năm mới đủ khẳng định một tình bạn. Phần tôi, đã được gặp những người bạn thật sự dù có khi chỉ trong mươi phút hay vài giờ. Cần chi phải sở hữu bạn mình. Mười năm qua nếu không có những tình bạn đẹp làm sao tôi thấy được cuộc sống đẹp đẽ quanh tôi để cùng với những cộng sự làm ra 5 tác phẩm. Nghe kìa, câu hát của Carmen: “Tình yêu, không có luật… Nhưng hãy coi chừng, nếu tôi yêu anh, hãy cẩn thận…”. Nhân đây, tôi cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã không thích tôi và đã làm mọi cách để cho tôi biết lẫn không biết điều đó. Đông (17) Thủy có đang định làm cái gì mới? Và có khó khăn?. Thủy: Khi làm, không nghĩ rằng đó là cái gì mới mà chỉ có chủ đề nằm trong lòng mình. Nó nằm sâu sắc đến mức nào để tự nó sẽ đưa ra ngôn ngữ của nó. Đông (18) Ngôn ngữ, đó là cách lập ngôn, hay ngôn ngữ nghề nghiệp?. Thủy: Phải là cả hai. Muốn làm mới, phải có ngôn ngữ với tất cả ý thức, bề dày và sự sâu sắc. Như thế mới rõ nét và có tầm được. Việt Nam liên tục có những cái mới. Từ hoàn cảnh riêng của Việt Nam, có nhiều cái mạnh và cá biệt không để cho mình ngồi yên. Ví dụ trong giai đoạn khó khăn, từng cá nhân và gia đình đã sáng tạo ra được biết bao cách kiếm tiền để tồn tại và trong đó đầy tính nghệ thuật. Có thể nói ở Việt Nam, ngày nào cũng có nhiều cái mới, bởi các hoàn cảnh đều khác nên mỗi người, mỗi nơi đều có những câu chuyện riêng, những cách xử lý riêng và cái mới nằm trong đó. Đông (19) Thủy còn muốn nói điều gì chăng?. Thủy: Anh có thấy Hà Nội đẹp không?. Đông (20) Có người có riêng Sài Gòn trong lòng, Huế trong lòng nhưng hình như người Việt nào cũng có Hà Nội trong lòng. Gần như ai cũng cố tìm cách ít ra một lần hành hương về Hà Nội, cho dù nơi đó có được hòa quyện tinh tế vào nhau bao điều thanh thoát và lam lũ… Thủy: Mình còn có vài phút, nhân học được hai chữ rất hay là “tranh thủ” (có lẽ có được nhờ tính tiết kiệm với ý thức đang không có tiền lẫn thời gian), xin phép được cất dành những điều chưa nói vào mùa báo Tết năm sau, mặc dù không biết lúc đó còn không những câu hỏi như: - Vì sao kiến trúc do dân xây dựng cảm động đến thế?. - Vì sao áo dài Việt Nam bay bỗng đến thế?. - Và vì sao Hà Nội đẹp thế?. Trò Chuyện Giữa Ea Sola Và Hoa Hạ Buổi tập sáng 23/8/1997 trước khi biên đạo múa Ea Sola đưa đoàn sang Thụy Sĩ và Đức biểu diễn, tôi có xin cho đạo diễn Hoa Hạ dự khán. Ea Sola mời thêm Thành Lộc vì theo cô: “... Vừa đọc được những lời phát biểu của Lộc sau các chuyến đi Tây. Tôi luôn muốn thế giới thấy cái thật của người Việt Nam: đẹp, bao la và sâu sắc. Vì điều này cũng là danh dự của tôi”. Xem xong, Lộc phải đi tập ngay, sau khi nói qua vở này thấy Sola cô đơn quá. Và sau đó là cuộc trò chuyện giữa Hoa Hạ và Ea Sola. Hoa Haï: Sao chị can đảm quá vậy? Ea Sola (Im lặng khá lâu) Hoa Haï: Cảm giác thú vị đầu tiên là được nghe ca đúng chữ đàn. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng bây giờ không chịu hoặc mất hẳn khả năng đó. Gần đây tôi thường mang cảm giác tuyệt vọng của dã tràng khi làm với cải lương. Gia sản ông bà để lại cứ bị hao mòn và bị tiêu xài một cách hoang phí. Ở đây, Sola đã nhìn ra được và đem tới cho nhạc tài tử một sức sống xứng đáng, đã chọn đúng hướng để đi. Ea Sola: Tôi luôn nhớ ơn những giai điệu tài tử mà ông bà mình bằng óc, tim đã sáng tạo ra, để lại và tôi bày tỏ lòng tôn trọng đi sản này bằng cách xin mọi người đàn hát đúng chữ, đúng bài, tuyệt đối không đàn điện, khuyếch âm. Hoa Haï: Trước đây, nhạc tài tử chỉ có hát đơn và chưa phối hợp với hiệu quả sân khấu. Đôi khi chúng tôi đã địnhï thiết kế đồng ca cho cải lương nhưng chưa dám làm. Những bài Tứ đại, Giang nam trong vở này đã được thiết kế khá đắt. Nhất là những lúc tiếng ca bị tước đi nhạc đệm hoặc nén chặt lại như tiếng vọng dưới lòng đất, đó là lúc ý tưởng của tác giả được bộc phát mãnh liệt nhất. Tôi cũng rất thích cách xếp đặt bài Giang nam song song với âm hò. Ea Sola: Mỗi lần “thai nghén” là mỗi đau đớn khác. “Hạn hán và cơn mưa” đã được chuẩn bị ba năm. Còn vở này, tháng giêng 1997 khởi làm, tháng năm lên đường để tháng sáu trở về, mới biết rằng “con” sống được. Chỉ có vài tháng để vừa đi tìm người, vừa cấu trúc ý tưởng trong đầu, vừa lo thủ tục, vừa đi xin đồng phục cho đoàn, vừa dựng, vừa chống đỡ các bất trắc hữu hình lẫn vô hình. Có những lúc phải tự phá bung, bố cục lại hết trước những quay lưng, từ chối. Cuối cùng đoàn cũng trở về đầy đủ và khỏe mạnh. Hoa Haï: Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ Tho: cái nôi của cải lương và nhạc tài tử. Khi lên thành phố học đạo diễn kịch vẫn chui sang học lóm hát bội và cải lương. Gần đây có cơ hội sống và làm với cải lương sáu năm, đã có lúc tập chuyển thể, viết và thiết kế bài ca, thử nghiệm nhiều cách nhưng chưa bao giờ đạt tới điều mình muốn nói như Sola. Nguyên nhân là tôi và chúng tôi đã hiểu những bài bản này theo nghĩa hẹp của nó. Và Sola đã hiểu được chúng trên bình diện rộng hơn, đã đẩy được thân phận con người ra đối mặt với vũ trụ. Ea Sola: Có người nói với tôi rằng: “Cô chỉ may mắn hơn chúng tôi là cô có một thời gian sống và học ở xứ người thôi, chứ thật ra tài năng của cô còn giới hạn. Cô còn thiếu và yếu nhiều mặt lắm...” (Hoa Hạ nhắc lại với tôi những đêm thức trắng ở Ninh Bình, đợt Liên hoan Sân Khấu Nhỏ Toàn quốc Lần 2, chúng tôi đã bàng hoàng trước một điệu hát bị coi thường đến độ bỏ bê trong Nam nhưng đêm ấy nó đã trở nên lóng lánh diệu kỳ qua giọng ca trút hồn của một nữ diễn viên Nhà Hát Cải Lương Trung Ương. Đó là điệu Lý Chiều chiều. Riêng tôi, lại nhớ một câu hát vừa được nghe trong “Ngày xửa, ngày xưa”: “Quanh co đường trường, dấu chân còn in vết máu”). Ea Sola: Đôi khi tôi tự hỏi không biết mình có khắc nghiệt quá không? Tôi đã yêu cầu những người tham gia vở này tuyệt đối không được phấn son và trang sức. Tuy nhiên tôi biết có những đồng nghiệp của tôi ở nước ngoài còn khắc nghiệt hơn tôi nhiều. Có người đã nhốt tập thể diễn viên lại cả tuần để tìm cách lôi cho ra được những điều diễn viên vẫn có sẵn trong người nhưng chưa ai nhận biết. Hoa Haï: Tôi tin tôi hiểu vì đã trãi qua kinh nghiệm này. Ea Sola: Vở này, có một phần nào đó trong mình khiến cho mình không thể tránh mặt nó được. Đứng trước thời gian chung của nhân loại, thời gian sống của con người quá nhỏ. Tuy nhiên điều này vẫn không ngăn mình phải làm một cái gì đó để đề cao CON NGƯỜI. Khi trôi theo những chuyến tàu, tôi cứ nghĩ tại sao lại có hạng một, hạng hai mà lý ra chỉ nên có một hạng nhất mà thôi. Có cần không, phải phân biệt, khi đứng ở cái mốc này, bước tới vài bước là miền Trung, bước lùi vài bước là miền Nam. Tại sao lại bó buộc rằng phải sinh đẻ lớn lên tại vùng đó mới được quyền khai thác những đặc thù của nơi này. Ví dụ ngoài cái cải lương của những người đã sống thời mới khai phá mie2n Nam, còn có cải lương của những người mới lớn lên. Và đừng quên còn có cải lương của những người ở khắp nơi khác đã cảm thụ được nó. Nhờ vậy mà những đứa con lai, xa gốc gác nguồn cội ông bà, sống ở Nam Mỹ, Trung Phi, Bắc Âu, Tây Á... mới có thể chia xẻ được kho tàng văn hóa thế giới rồi từ đó đưa thêm những cái xa hơn. Tôi chỉ là một đứa con lai, mười mấy năm hoạt động trong ngành múa, nhức nhối nổi chưa bao giờ được thấy tác phẩm múa Việt Nam trên sân khấu chuyên nghiệp thật sự của thế giới nên vài năm qua đã cặm cụi và tích cực làm để điều đó phải xãy ra. Quê nội ở Vĩnh Long, sinh ra và lớn lên mười bốn năm ở núi rừng cao nguyên Trung Việt. Khi còn bập bẹ, luôn hãi sợ Việt Cộng và người Bắc là những người nghe đồn có tới sáu ngón tay. Một sáng thức dậy, thấy Việt Cộng đầy nhà, hóa ra cha mình chính là Việt Cộng. Chuyện đầu tiên là lật tay các chú các bác xem bàn tay có sáu ngón hay không? Từ sợ chuyển sang YÊU rất nhanh... “Thương nhau trái ấu cũng tròn” mà! (Lại dội bên tai tôi, người ghi bài này, những câu hát vừa nghe được: Nghe suối reo nhớ đấng sinh thành Chim kêu vượn hót nhớ bầy Gót chân chai mòn, nhớ đèo dốc cao... ... Nhớ nhau sỏi đá cũng sầu). Ea Sola: Cái giọng lai của tôi, vào trong này, người ta bảo nhau, giọng Bắc đó, phải cảnh giác. Còn ra Bắc, lại được khen, êm ái quá giọng Nam. Ngôn ngữ dễ gây ngộ nhận. Tôi chỉ cố gắng học và nghiên cứu để có thể truyền đạt dễ dàng hơn đến tập thể đàn hát đang cùng thể hiện ý tưởng của mình một cách chuyên nghiệp. Gần một năm nay, từ ngày 5/9/1996, gần như tôi không tiếp xúc báo chí và trả lời phỏng vấn ở đây, chỉ trừ lần nhà văn Ngô thị Kim Cúc đến lấy tin sau chuyến biểu diễn đầu của vở Ngày xửa ngày xưa... Cũng trong chuyến ấy, giáo sư Trần văn Khê có nói với tôi: “Chú ngạc nhiên nhưng mừng vì đã có người kế tục”. Đó là lý do ngay sau đó, chú cùng tôi và người trưởng đoàn thuộc Bộ Văn Hóa V.N. tổ chức một đêm nhạc tài tử miễn phí cho bà con mình ở Nhà Việt Nam-Paris. Và rồi thì... Hoa Haï: Số phận của những người nói thật thường hiếm khi được vui. Xin chúc mừng những thành công và xin được chia xẻ những nẻo đời đã và sẽ không trơn tru... Câu chuyện tạm ngưng ở đây. Sau đó Hạ và tôi tạt vào nhà Phương Hồng Thủy. Gặp Vũ Linh, Hoa Hạ cứ bần thần: - Phải chi sáng nay các bạn được cùng coi, tôi tin rằng các bạn sẽ nghĩ và làm khác đi, chắc chắn là sẽ đàng hoàng hơn cái đang làm. Vũ Linh nghe Hạ kể cũng nôn nao, thôi thúc chúng tôi tiến hành đi một dự định cách đây vài năm Hạ đã tính làm nhưng nản lòng bỏ dở. Người nhen lửa cho chúng tôi tình cờ lại là một cô gái nhỏ mà trong một lần trao đổi với tôi cô đã tư nhận mình là một con trâu, một con trâu biết thiết kế cái cày, cái bừa cho mình, và đã biết nhúng toàn thân vào bùn đất, ao hồ Việt nam, để có thế cất lên lời hoan ca thống thiết: Khát vọng nhân sanh đất lành Lòng không thù oán. gươm giáo thôi giao tranh Sao Hôm đêm đêm thức đợi sao Mai Lời thề ai dám đơn sai Xin chớ nhạt phai, gừng cay, muối mặn Dù cho đất lở, núi đổi, non dời... Nguyễn thị Minh Ngọc Tags: friends Edit Tags Saturday September 8, 2007 - 09:30pm (ICT) Edit Delete Permanent Link 0 Comments |
Labels: Ngoc, Thuy va Dong
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home