Truyện là gì ?”.
Entry for August 26, 2008
Truyện nầy dựa theo một chuyến đi có thật.
Cũng có gần hai mươi năm trước, anh CHÓE (Nguyễn Hải Chí- thân phụ của Hải Ðông) cùng Lý Lan và tôi có gom truyện ngắn in chung. Không nhớ sách bán được không nhưng nhân anh Chí mới có xe bốn bánh là chuyện rất bảnh thời đó,chúng tôi rũ nhau lên thăm nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Cùng đi có nhà văn Sơn Nam.
Nhân vật Vân Mộng trong truyện thì dựa theo hình ảnh một phụ nữ khác.Giờ hai người đàn ông trên chuyến xe ấy đã qua đời. Lan và tôi kết hôn muộn và đều lọt vào hoàn cảnh “Một Kiểng Hai Huê” (Wê?), chị Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn còn ở Lộc Ninh.Nhân vật Vân Mộng cũng đã rời Hà Nội, Việt Nam.
Giờ thì tôi rất muốn được tự hỏi mình như câu cuối trong truyện: “Truyện là gì ?”.
Ði thăm
1. Trên xe gồm có bốn người : anh Huê, chủ xe kiêm tài xế, kiêm người tổ chức chuyến đi, ông Sâm, một soạn giả cải lương đã từ lâu không viết được, cô Vân Mộng và Thà. Bốn người này không thân với nhau lắm. Ba người, ông Sâm, cô Mộng và Thà lần đầu tiên mới được gặp nhau. Họ ngồi cùng xe vì có một mục đích chung: lên vùng đất tên L. để thăm chị Kiêu.
Qua khỏi Bình Triệu, anh Huê kiếm một quán Ba Bê: Bánh Bèo Bì. để cho cả xe ăn sáng. Trước 1975, thỉnh thoảng anh có sáng tác nhạc. Sau 1975, do một sự hiểu lầm, anh bị ở tù, chung phòng với những người bạn của chị Kiêu. Khi đã định cư ở nước ngoài, họ có nhờ anh khi nào thu xếp được, nhớ lên L. thăm chị Kiêu coi sống ra sao rồi viết thư cho họ rõ.
Cũng chính mấy người đó, khi được gặp cô Mộng ở một ngày hội về sách ở nước ngoài đã nhờ cô cầm một số tiền về cho đưa anh Huê gởi tặng chị Kiêu. Nghe nói anh Huê đích thân lái xe lên thăm chị Kiêu, cô Mộng dời chuyến về Hà Nội để được đi theo. Là một người viết văn, cô tò mò muốn ngó tận mặt một phụ nữ viết văn lừng lẫy trước đây, mà cuộc đời đã gắn ít nhiều với một số huyền thoại.
2. Thà đi không phải vì tò mò. Cô đang có một số việc làm ăn chung với vợ anh Huê. Xe trống một chỗ, anh Huê rủ Thà đi. Hơn nữa, cô là bạn thân của Tuyến, em trai của chị Kiêu. Nghe nói bây giờ ở Mỹ, Tuyến đã đi giải phẩu để chuyển làm phụ nữ.
Ông Sâm có mặt trong chuyến đi với một nỗi hào hứng riêng. Thời vàng son của ông cũng là thời vàng son của mẹ chị Kiêu. Bà không thích để cho khán giả thấy giai đoạn suy tàn của mình nên khi không còn lãnh những vai chánh trẻ đẹp bà chuyển nghề bán thức ăn chay, rảnh ra thì viết sáu câu cho bè bạn ca chơi. Khi tên tuổi chị Kiêu tạo được tiếng vang trên văn đàn, ai cũng cho là người mẹ sân khấu này có phần nào ảnh hưởng tới chị. Suốt dọc đường đi, ông Sâm ca ngợi chị Kiêu không tiếc lời:
- “ Nhờ dạy tiếng Anh cho các cô ‘me Mỹ’ nên nó rành chuyện đổi máu lấy cơm. Ðọc truyện nó nhiều người tưởng nó là gái bán ba. Những lớp tả cảnh trên giường của nó làm cho người ta khóc hơn là gợi dục. Thằng Minh Xồm, chủ bút tờ ‘Phụ Nữ Thời Ðàm’ thấy nó đang ăn khách, mời đến, đặt viết một feilleton trong đó có một cặp làm tình từ phòng khách lăn vô phòng ngủ, lết tới phòng ăn, rồi lôi tuột ra vườn. Kiêu không thèm trả lời, về thẳng. Chả tung chuyện nói xấu nó. Chờ Văn Bút nhóm họp có mặt đầy đủ văn giới, nó ngoắc Minh Xồm lại, tát cho một cái như trời giáng. Tụi tao ‘đã’ gì đâu!”.
3. Từ chuyện chị Kiêu, ông Sâm phác họa thêm vài nét về những nhân vật viết văn cùng thời với chị. Ông Hải Hà thích thắt cravate chống batone đi tới đi lui đọc cho một cô gái xinh đẹp đánh máy trong phòng có vách kính trong suốt để bên ngoài chiêm ngưỡng. Cô Y Minh thì thích dấu đôi mắt đẹp của mình đằng sau một cặp kính đen to bản. Họa hoằn lắm cô mới mở mắt kính ra thì bên trong cô luôn tô màu nước đen đậm kịt quanh mắt như một cặp kính thứ hai. Bà Sơn Nhã lại có cách chứng tỏ gia đình mình là một gia đình đạo đức bằng cách kéo các cô gái ra mắng la trước mặt các nam văn sĩ đến chơi nhà. Ðặc biệt ông Linh Vỹ nổi tiếng chẻ sợi tóc ra làm tám, ngó mặt mày nhăn nheo như khỉ già vậy mà bà vợ thứ tư ghen can không nổi.
Cách kể chuyện của ông Sâm dí dỏm, sôi động. Cùng ngồi ờ phía trên kể vọng xuống nhưng cái giọng rì rầm, chậm rãi, tiếng được tiếng mất của anh Huê làm Thà chỉ muốn thiếp ngủ mỗi khi anh xen vào. Anh đang kể về những năm tháng khó khăn của chị Kiêu :
- “Mặt chị Kiêu lúc đó choắt lại chỉ bằng hai ngón tay gác chéo. Bạn bè chị bỏ đi gần hết. Ai rủ đi chị cũng lắc đầu. Nói ở lại chưa viết được mà đi rồi chắc gì sẽ viết được đâu. Khó mà tưởng nổi chị Kiêu buông bút. Không phải chỉ vì mưu sinh mà ai cũng thấy chị cần viết như cần thở. Chị nói với tôi dù có thế nào chị cũng sẽ tìm cách viết, cho dù sẽ rất khó in, cho dù sẽ có rất ít người chịu đọc nếu may ra người ta cho phổ biến...
Gia đình chị lúc đó đã hiến nhà, bỏ quê kéo rốc lên L. lập nghiệp, trừ Tuyến đã xuống tàu. Chị vẫn gắng bám lấy vùng ngoại ô Saigon cho các con đi học, hằng tháng phải đi ký giấy tạm trú trên ngôi nhà của chính mình. Cho đến ngày người ta không chịu ký nữa chị đành phải bán rẻ căn nhà cho anh Trưởng Công an xã rồi đi.
Sau này anh ta treo cổ tự tử chết trong ngày cưới của con gái chính trong ngôi nhà đó. Bạn bè chị Kiêu bên kia nghe được chuyện này có lời bình phẩm : “Văn phong Kiêu độc quá nên ngôi nhà cũ của nó cũng độc khí tràn đầy...”.
4. Nhắc tới một số tên tuổi ở nước ngoài là khơi trúng mạch nói của Vân Mộng. Cô kể cà kê về những người bạn của chị Kiêu mà cô vừa được gặp bên kia. Cuối cùng rồi cũng quẹo về chị Kiêu :
- “Họ năn nỉ lắm tôi mới cầm tiền về chuyển cho chị Kiêu. Mấy cái vụ tiền bạc này làm ơn dễ mắc oán lắm. Tôi chưa đọc sách chị Kiêu nhưng thấy bên kia quý chị lắm. Có lẽ người ta ưa dồn tình thương cho những người bất hạnh hơn mình? Về nước tôi có ý tìm sách chị Kiêu đọc nhưng không kiếm ra. Anh Cân, một đầu nậu sách cho hay mấy năm trước Thông tin Văn hóa ở quê chị có cho in lại một số sách của chị. Và chính điều này gây rắc rối cho chị Kiêu. Một bài báo, rồi tiếp theo rất nhiều bài báo nổi lên phê bình khuynh hướng văn chương khiêu dâm của Ngân Kiêu. Sách chị bán chợ đen đắt như tôm tươi nhưng kể như chị ‘tiêu’, anh Cân nói vậy”
Ông Sâm ra vẻ hiểu biết, sôi sục quay xuống kể:
- “Ðứa châm lửa đầu tiên là thằng Bốn Hải đó mà. Hồi xưa ba con Kiêu nuôi cho nó ăn học thành tài. Bỏ đi thời gian, khi giải phóng về người ta giao toàn bộ rạp hát trong tỉnh cho nó coi. Nó cho phá đền thờ ông Ðịnh Quốc Công để làm Nhà Văn hóa chiếu phim. Chính nó xúi ba con Kiêu đem nhà tự hiến cho Nhà Nước làm Hợp Tác Xã đan chiếu cói. Chưa hết, lấy tư cách em nuôi, nó lên Saigon, xin con Kiêu ủy quyền cho nó in lại toàn bộ sách của Trần thị Ngân Kiêu. Kiêu nói đã hứa giao cho bên Sở Văn Hóa in rồi. Nó tức, viết bài phá đám chơi. Ðám a dua nghe lời chửi có lý bèn chửi hùa. Trong đám đó có nhiều đứa chưa đọc con Kiêu một chữ...”.
Bởi hồi đó má con Kiêu cứ than với tao hoài. Bả nói vì quá thương nhớ bạn bè nên viết đôi ba câu vọng cổ ca chơi. Ai dè nẩy nòi ra con Kiêu này viết lách ngang tàng, không khéo cả nhà bị luỵ như thằng Tiết Cương làm cả nhà họ Tiết lãnh án tru di trong truyện Thuyết Ðường, Tàn Ðường gì đó”.
Chuyện cái gia tự của gia tộc chị Kiêu bị hiến, Thà có biết. Cô quen Hồng, một người bà con xa với chị Kiêu. Mẹ Hồng than cha chị Kiêu nổi hứng bất tử làm liều chớ nhà gì của riêng ổng mà ổng hiến, để bây giờ cả nhà họ muốn bán chia nhau cứu đói thì không có cách chi đòi lại được. Có lần trong họ phái chị Hồng lên L. kéo chị Kiêu về quê làm đơn xin lại nhà. Người ta vẫn nhận đơn nhưng biểu chờ, lại không cho Hồng và chị Kiêu vào thăm nhà xưa, viện cớ Hợp Tác Xã đang nghỉ chờ hàng, không dám cho người lạ vô cơ quan, sợ thất thoát tài sản chung của tập thể.
5. Xe đi ngang những phố chợ đông đúc. Núi chập chùng trước mặt. Anh Huê nói điệu này mình lên kéo chị Kiêu ra quán ăn bữa trưa rồi về ngay. Ðường không còn tốt nữa, cô Vân Mộng bị dằn xốc, đòi ói luôn miệng. Ông Sâm galant đòi đổi chỗ cho cô. Cửa xe mở ra, bụi mù mịt đỏ lòm. Cho xe lăn bánh tiếp, anh Huê chuyển câu chuyện sang đời sống hiện tại của chị Kiêu:
- “Ngó bộ sống nghèo. Vậy mà bữa hôm công an, thuế vụ, kiểm lâm ghé thăm bà già, trầm trồ khen mấy câu đối sơn son thiếp vàng của ông già chị tha từ dưới quê lên, có người nài nỉ mua, ‘nàng’ cương quyết không bán. Ở trên đây ngoài bà già, chỉ còn phải lo cho đứa con bị bại. Cũng may mà hai đứa ở dưới Saigon học giỏi, đứa đầu đã vào Ðại học, đứa thứ hai sắp thi vô”.
Có bữa Thà đi với Hồng gặp đứa con thứ hai của chị Kiêu, hỏi chuyện về ba nó. Nó nói: “Cut him! Cắt ông ta đi cho rồi!..”.
Xe bị lộn lên lạc xuống mấy lần mới tìm ra nhà của chị Kiêu. Hồi giỗ đầu của cha chị, Hồng có kéo Thà lên đây. Nhưng ở phố núi này, chỗ thì xây cất nhiều, chỗ lại hoang sơ thêm, nhìn không ra chốn cũ. Hỏi tên chị không ai biết, nhưng nói tên bà già, mấy người ở Hạt Kiểm Lâm kêu a biết rồi, nhà bà Hai bán giấm có con gái dạy Anh văn.
6. Khoảng sân rộng nhà chị trước đây nay đã lau sậy um tùm. Cây cổ thụ đốn ngang. Ðóng trên thân cây là miếng carton ghi chữ “TẠI ÐÂY CÓ BÁN GIẤM NUÔI”. Bước vào trong thấy có che một cái chái. Lèo tèo một hai dãy bàn ghế với tấm bảng đen và mấy dòng phấn trắng “Is he a teacher? I’m a student. You’re a farmer”
Chị Kiêu đang làm cỏ ngoài vườn. Ðòi rửa tay vô nấu cơm đãi khách nhưng anh Huê gạt ngang, mời cả nhà ra quán dùng cơm. Chị Kiêu ra dấu nhờ mẹ ở nhà ngó chừng đứa con út. Bà cụ ngồi trên chiếc tràng kỷ nâu chạm trỗ công phu, trên đầu là hoành phi thiếp vàng lốm đốm khờn mẻ, trước mặt là những hủ giấm nuôi... Mỗi người tới chào được bà phát cho ít cục kẹo dừa dù tai đã hết nghe, miệng luôn mỉm cười trên một khuôn mặt chữ điền, mắt nhìn sâu hút bao dong như mắt Phật.
Thà ra sau vườn xin mấy trái ớt chỉ thiên mang ra quán ăn. Chị Kiêu ngồi ngó mọi người, thỉnh thoảng huơ đũa nhẩn nha, dường như vui quá không muốn ăn. Ông Sâm nói hay sẵn xe mày về Saigon chơi. Chị Kiêu lắc đầu, đất đai nhà cửa còn có thể nhờ người trông ngó, nhưng má mình, con mình ai săn sóc thay được mà bỏ đi chơi.
Người nói nhiều nhất bây giờ là cô Vân Mộng. Mộng nói tình hình văn đàn thế giới bên ngoài đang cần những người như Mộng. như Kiêu. Chị Kiêu ghé vào tai Thà hỏi nhỏ :
-”Con nhỏ đó là ai ?”.
Ớt cay xé lưỡi khiến Thà nghe lùng bùng. Mà cũng chẳng biết nói về cô Vân Mộng thế nào cho chị Kiêu rõ. Gần đây ai từ nước ngoài về cũng kiếm sách Vân Mộng mua, cùng với lời trách móc, sao mọi người ở đây hèn thế, không ai binh Vân Mộng lấy một lời. Chị Kiêu kể lâu lâu có một tờ báo tình cờ lọt vào tay, chị đọc cho chí những dòng quảng cáo. Chỉ tiếc những bài báo có nhắc tới Vân Mộng không lên được tới đây. Ông Sâm ngồi nghe cô Mộng nói huyên thuyên bổng, trầm, đôi khi đanh thép... với một vẻ ngoài thán phục. Anh Huê vẫn cười cười, chậm rãi, ba lơn đế vào những khi cô Mộng nghỉ, thở:
- “Này, cô có vẻ là một dũng sĩ hơn là một văn sĩ”.
7. Bữa ăn tàn, cô Mộng ngó đồng hồ, tô lại cánh môi, rồi hỏi xin chị Kiêu một cái truyện để gởi ra ngoài nước. Chị Kiêu ngẩn người, như vừa xong một cơn mộng nhỏ, rồi hỏi nhẹ, hệt một thiền sư bất chợt cảm được một công án lướt qua:
- “Truyện là gì ?”.
Tags: “truyệnlàgì?”. | Edit Tags
Tuesday August 26, 2008 - 03:56am (ICT) Edit | Delete
Next Post: Entry for August 27, 2008
Comments(1 total) Post a CommentFiamm… Offline Em thích truyện này! Mà, truyện là gì cô nhỉ!? Cô kể, và người nghe thích là thành truyện cô ạ!
Wednesday August 27, 2008 - 10:54am (ICT) Remove Comment
Labels: shortstory
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home