Trời lên cao sao đành
Entry for August 04, 2008
(hinh: con gai cua Lan Huong Nguyen va G. tai nha chi Minh Chau, New York, Dec 14, 07. Huong tham gia doan lam film" Ng My Tram Lang" , fu dich cho nhom dieu hanh . Khi ra den Ninh Binh roi HaNoi, chung kien nhieu dieu dau long gay ra boi dong huong, Huong tro thanh Nguoi Vet Tram Lang, va xin nghi luon. )
Truyện viết cách đây trên ba mươi năm, đã đăng trên tạp chí Văn khi còn tuổi teen. Tựa lấy từ một câu thơ của Huy Tưởng (bây giờ là chủ quá Hoài Phố).
Ðưa lên đây để tự mừng ngày 5 tháng Tám
Trời lên cao sao đành
Ông Ka, những đêm trở giấc mở toang mấy lớp cửa bước trên cỏ mềm đẩm sương, ngẩng mặt hóng một vết sao băng lăn trên má, thế là đã không còn nữa. Mùa mưa đã về, trong đêm qua, rất đổi không ngờ. Tôi vẫn ngỡ ai đó đùa nghịch nửa khuya vòng vòng đạp xe quấn nghiến sỏi đá kêu rào rào. Phòng bên bác quản gia không về, tha hồ trái tim bệnh hoạn làm tình làm tội tôi. Quấn mền ngồi tựa góc phòng thở dốc khó khăn nhìn chớp lóe sáng trưng ngoài cửa kính, ông không tưởng nổi tôi bây giờ xấu xí và tức cười đến thế nào đâu.
Mớ lời lẽ khô cộc dễ ghét như những viên đá dốc ra từ cái bầu tim lộc cộc cứng ngắc của tôi ném về ông được tôi thích thú nhắm cái đau đó. Nhưng mấy lần dụi mắt tôi thấy thấp thoáng ngoài kia khuôn mặt lặng lẽ của ông với những cái hốc tối tăm đọng quanh dốc mũi. Từ cái màu đen lạnh lẽo dửng dưng đó rần rần lệ ứa. Tôi vuốt đôi má khô. Tôi chống to đôi mắt. Ô! không, chỉ là mưa tràn chảy trên kính trong. Nếu tôi đứng dậy, mở tung cửa thì rớt trên mười ngón tay xòe chỉ là chất nước lạnh tanh lăng quăng trên đường chỉ rối, tặng phẩm duy nhất của bầu trời cho gã hành khất van nài hạnh phúc là tôi.
Mưa, mưa đó, ngoài kia ướt át, nhão nhầy. Trong đây vẫn một trái tim khô rốc. Làm sao tôi có thể trèo lên ngọn tháp sắt, nơi có treo lửng lơ đốm nhang đêm lòe lập như biểu hiện cho quả tim thoi thóp đập một cácn tự mãm của ông.
Ông Ka, hãy tưởng tượng tôi đang co chân loay hoay mài miệt với những ô vuông kẻ bằng que cây trên cát ẩm, sủi hòn chàm ghè vỡ từ một phiến đá đỏ nâu, một mình đóng hai vai, phe ta và phe nó. Không phải tôi đang, mà tôi đã... cách đây mười năm. Nhưng tôi e ông không tưởng tượng nổi một người đàn ông, có gia đình, vợ đẹp, con xinh nghĩa là có cái tổ để mê đắm trở về, một chức vụ để giữ gìn mọi thứ... lại ngồi bệt ở một cái chuồng bò, ngắm nghía một con nhỏ mười một tuổi là tôi một cách vui thú, say mê. Nói thế này chắc ông dễ hình dung hơn nè ông Ka, bà P’Luk bảo ông ta điên. Tôi biết mà, rồi cũng phải dùng đến cái ngôn ngữ của người khác ông mới hiểu được những điều tôi muốn diễn tả. Tôi thì không bao giờ nghĩ rằng ông bạn của tôi điên. Ðiên! họa có là lúc mà người ta biểu ông ta đã nhớ lại mọi sự. Và trong mọi sự đó, không có dính một xí bèo nào, cái gọi là tôi. Ông có nghe không ông Ka, không có một chút, dù chỉ bằng đầu ngón tay út của tôi.
Ðể cho ông thấu, chắc tôi phải kể lại từ đầu. Ông vẫn thỉnh thoảng kêu lên: “Tôi vẫn không biết gì về cô hết”. Và vẫn lắng nghe, những mẫu chuyện kể của tôi với cái vẻ diễu cợt cố hữu rất kẻ cả như muốn nói bịa đặt là một vấn đề rất dễ dàng đối với tôi (nếu không muốn nói đó là bản tính). Những điều tôi sắp kể đây, nếu ông không tin, cũng không sao mà.
Ông Ka, của một thuở mới lớn, đối với tôi vừa là địa ngục vừa là địa đàng. Căn phòng phía Tây trên lầu của một biệt thự mà một ông Tây nào đó đã nhượng lại cho ba tôi cùng với khoảng đồn điền cà-phê với trùng trùng lá rợp. Ở đó là ngày tháng co ro thèm thuồng trông ra vùng cây cối rậm rì lan man không biết đâu là Miên, Lào, Việt. Ở đó là những đường roi với tiếng vút lạnh cả tủy xương của bà vú già người Thượng có khuôn mặt rúm khô như vỏ quả chà là chín. Bà nói tiếng Pháp sỏi hơn cả tiếng Việt. Hình như người chủ cũ đã nhượng luôn bà cho ba tôi với một lưu ý đặc biệt như cái thể thức người ta vẫn bàn giao cho nhau những vật dụng tiện ích mà quý hiếm. Ở đó cũng là nước mắt tủi thân chạy ngược lối vào khi cái bóng dáng ngất nghểnh lạnh lùng của ba cả tháng mới gặp lại đang dập dềnh trên lưng ngựa vừa chí chân đèo.
Ấu thời của tôi vừa buồn tẻ từ màu sắc đến âm hưởng của tình thương. Những khối xanh xám chì đục đầm đìa chụp xuống một cuộc đời mới khởi vẫn chưa thê thảm bằng những buổi gặp lại của hai cha con. Trước mặt ba tôi, môi tôi như bị khằn bởi một lớp nhựa dẻo đã cứng đặc. Một đôi lúc mấp máy lắp bắp những lời không rõ ràng đến nổi ba chán nản xoay sang hỏi bà P’Luk về tôi. Thiệt ra lúc bấy giờ trong tôi đang dội vọng một tiếng kêu thương rền lớn đến muốn toát đi từng phế bào li ti: “Ba ở nhà chơi với con đi mà, sao ba cứ đi hoài hủy vậy?”. Ðến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ cái mùi đất thật rừng rú bốc ra từ cái áo da nai của ba và cái cảm giác buồn tẻ khi những sợi râu cứng cọ vào trán tôi thương xót: “Ở miết trong hốc rừng này với bọn nhân công người Thượng, con bé hóa khờ mất, bà P’Luk à”. Ông thấy không, cũng chỉ là một thương yêu được bày tỏ qua trung gian của một người thứ ba.
Từ đồn điền đi về hướng Ðông Nam, qua ba chặng đèo là đến thung lủng M.Y. Nhà cửa thiệt đìu hiu tựa trúc tre xơ xác. Ðầu làng là một ngôi chợ lèo tèo đôi ba chỏng gỗ. Cuối làng, đứng thật ngậm ngùi, trường nhỏ của tôi. Mỗi sáng, mỗi trưa. P’Luk cỡi trên lưng Huyền Hãn với tôi ngồi phía trước để đưa con bé đi về. Sau những đêm mưa nguồn còn có thêm một sợi dây vải choàng lấy ngực tôi và buộc treo thắt gút sau lưng để tôi khỏi rời khi Huyền Hãn phóng qua những cây đổ và hố xoáy dọc đường. Rải rác theo lối đi có những đứa trẻ người Thượng trạc tuổi tôi cũng cắp sách đến trường. Bọn nó là con của những nhân công trong đồn điền ba tôi và những sở trà kế cận. Chúng chẳng có ngựa nên phải thức dậy đi học từ mờ sáng.
Trong đôi tay cứng như đá đen của P’Luk tôi vẫn ao ước được đi bộ chung với tụi nó hơn. Ừ, chẳng thà mõi chân, dậy sớm co ro trong mù sa vẫn còn thích hơn ngồi trên lưng với một ác thần hung hãn. Tại bà mà tôi không có bạn, tụi nó kêu sợ lắm con roi vung vẫy luôn trong tay bà. P’Luk sử dụng ngọn roi cũng thần sầu như tài phi ngựa vậy. Có khi lý do thiệt là vu vơ: “Vú ơi! Mấy bà Thượng dưới kia hỏi sao má mày đi đâu mất?”. - “Rồi em trả lời sao?”. - “Em nói đại, P’Luk là má em đó”. Ngọn roi hoa lên: “Vú cấm em không được nói chuyện với tụi nó từ lâu rồi mà”.
Kết quả là tôi không còn hứng khởi nói chuyện với ai hết. Người cấm cản người đến với người, tôi xoay sang chơi với cỏ cây muôn thú. Buổi chiều không phải tới trường tôi thường lúc thúc với những hạt giống, cây non và con dao rỉ sét phế thải. Ðất đỏ nâu thơm dẻo nồng nàn cùng hương lá cây ngọt ngào tê lưỡi đã dệt trong tôi một tấm thảm nhung êm ả nào đó, xoa dịu phần nào giấc ngủ đầy dẫy mộng dữ.
Sau trường, một bên vách núi rũ rượi dây leo, một bên là dốc xuống, một con suối lẩn khuất sau những chòm lá trúc tre loáng thoáng xanh hệt như lối lên thiên đàng hiểm trở và đường xuống địa ngục nên thơ. Giờ chơi tuị bạn thường tách hai phe đi “thám hiểm”. Bao giờ tôi cũng chọn địa ngục xanh non để xoay lưng lại thiên đường xám xịt. Ngọn suối chảy đến sau trường thì cạn đường, những ngọn nguồn của nó thì lập lờ quanh co tít ở đâu xa lắm. Tôi vẫn thường đứng thẩn thờ bên suối để phóng mắt tìm hoài cái nguồn không bao giờ thấy được đó nà nghe quyện lại trong óc một khối mơ không bao giờ tan. Lại có những tảng đá bị soi mòn phẳng lì nằm chơ vơ giữa dòng gợi thèm một giấc ngủ trên đó với từng khóm tre La Ngà cong mình che mát. Những quà tặng quyến rũ còn có những bụi táo xe, những lùm hoa dại quấn quíu chân đi.
Năm đó, đột nhiên bỗng thấy ba chăm sóc tôi nhiều lắm. Cụ thể là cặp thỏ cho ngày năm tháng tám. Ông đừng có cười, ông Ka, ấy cũng là ngày Nhân Dân Tự Vệ, ngày Marilyn Monroe tự tử, một ngày sau đó Hiroshima lãnh bom nguyên tử, ngày đầu tiên tôi thấy ông. Và dĩ nhiên, đó là ngày tôi khóc tiếng khóc đầu tiên trên tay người đàn bà nào đó chưa hề nghe ba nhắc. Lờ mờ cảm thấy rằng sắp có một cái gì thay đổi, xáo trộn đến cuộc sống quá giản dị của mình khi nơi đã đã hết lớp cho tôi học. Ba đã về với tôi nhiều hơn nhưng vẫn lầm lì ít nói, không đả động chi đến việc học hành của con. Tôi thì vẫn sợ sệt không dám hỏi. Có thể sẽ dời xuống phố chợ học tiếp trường trung học của thị trấn. Có thể suốt kiếp khép đời ở đây. Hết một mùa hạ. Hết một mùa thu. Tôi ngao du trong cây cỏ sa mù. Những vòng roi của P’Luk đã lỏng hơn. “Em đã lớn, đã biết, vú không muốn dùng roi nữa”.
Mùa đông rồi đến. Chị thỏ vợ è ạch mang thêm những thỏ con trong bụng. Tôi quấn quít quanh chồng bò suốt ngày. Bỗng một trưa, người đàn ông tóc nậu rậm rịt như cỏ hoang áo quần lếch thếch bỗng xuất hiện đằng sau những chuồng gia súc. P’Luk cho biết ba “nhặt” ông ta ở rừng mang về. Hai vợ chồng thỏ xem chứng quyến luyến ông hơn cả tôi. Và như thế, chúng tôi quen nhau.
Ông Bạn có một nụ cười và ánh mắt ngác ngơ khờ khạo tương phản hẳn với những râu ria thậm thượt dữ dằn. Mỗi một lời nói đều được điểm theo một nụ cười. Tôi thích thú vô cùng với người bạn mới. Ông ta nói chuyện hay ghê. Có những lời ngớ ngẩn sao mà ngộ nghĩnh dễ thương quá thế. P’Luk vẫn cấm không cho tôi chơi với Ông Bạn cùng lời đe dọa: “Không khéo em hóa điên khùng luôn như ông ấy bây giờ”.
Khùng là vậy sao? Ðiên là vậy sao? Có những buổi chiều, những buổi sớm mai, sau khung cửa trên lầu trông xuống, rõ ràng tôi nghe Ông Bạn hát trong lúc say mê bổ củi. Âm hưởng thật u hoài ray rả đó đã lập đi lập lại bài hát này hoài tôi đến thuộc: “Nàng công chúa chờ. Ðầm đầm bóng tối dâng. Nàng công chúa sầu. Ðàn bung dây phím long. Nàng công chúa ngồi. Quạnh hiu đá vỡ toang. Nàng công chúa cười. Lệ trào tim nát tan. Nàng công chúa lòa. Thầm thầm nuôi nấng hoa. Vườn hoa cũng tàn. Sờ soạng trong bóng đợi. Ðợi bóng, rêu khằn quanh quanh núi biếc. Ngàn năm trên đỉnh vọng tha nhân. Trăng tươm cát đổ ngàn sao chiếu. Sóng vữa tuôn ràn rụa đá xanh. Nàng công chúa nằm. Lạnh lùng năm tháng qua. Mùa thu úa dần. Trùng trùng lá lấp thân. Chim uyên túa về. Rộn ràng tiếng vó khua. Chàng quanh suối đàn. Vườn trầm gọi khản hơi. Ðẫm lên tóc nàng. Mà chàng nào có hay. Ðường gươm cuối cùng. Lạnh mờ ánh thép loang...”.
Từng giọt não nùng gõ vào hồn tôi nghe mênh mang hiu hắt thêm cái không gian kẻo cọt lá trúc tre khô như lời than vãn của những hồn thiêng tụ trên đỉnh núi.
Một ngày được nói chuyện với nhau hai lần trong lúc cho thỏ ăn bỗng nghe thân thiết với Ông Bạn hơn ba của mình. Một tháng P’Luk vắng nhà vài lần để mua thêm thực phẩm tươi, tôi sung sướng thoát lồng đi theo Ông Bạn đi đốn củi ở ven chân núi Chu Prong. Ðược thấy thêm những tác phẩm tuyệt diệu của hóa công, những ngọn suối rừng lửng lơ như từng giải lụa vắt dọc theo sườn đá đổ xuống những khối thạch dưới đáy thung lủng. Bọt nước long lanh rây như kim cương đọng trên khối lá bóng mướt của những cụm mai rừng quanh đó. Nghiêng nghiêng theo sườn từng chùm dây leo đong đưa sắc tím, đỏ, vàng. Có khi là nước xanh lơ lơ lều bều đá trắng trong vùng lủng sâu hình lòng chảo. Hình như đó là miệng của những núi lửa đã qua một thời tuổi trẻ cuồng nhiệt nhả lửa. Vẻ oai thống rừng rú quanh đó đã dâng tràn ngập lụt con người. Và đã ám ảnh tôi hoài trong những giấc mộng sau này.
P’Luk một hôm đứng chờ tôi ở chân cầu thang với con roi luôn dính liền nơi tay. Tôi biết thế nào cũng có một ngày P’Luk gặp trắc trở trên đường đi mà về sớm. Tôi chờ, và ngày đó đến. Ông Ka à, có lẽ một trận đòn thật sự đau khi người nhận còn đủ bình tĩnh để gom dồn mọi sức lực của mình ra chống đỡ bằng sự im lặng. Ngậm miệng là khuất phục đầu hàng hay thách thức khinh bỉ... Rắc rối thay là những danh từ, lúc ấy tôi chỉ biết dặn mình hãy lì lợm đừng kêu la khóc lóc. Và tôi thành công, P’Luk chùn tay quất trước đôi mắt mở lớn ứa nước của tôi lúc ngọn roi chạm phải. Ông Bạn bỗng từ đâu áo đến, vừa giựt roi bẻ gẫy vừa cười hiền hòa. Nếu không có nụ cười đó chắc tôi đã giận ông ta lắm. Tôi không ưa những người chứng kiến rồi bất bình can thiệp vào những khổ nạn của tôi. Nhưng nụ cười ngây ngô của một kẻ thất lạc quá khứ dễ thương quá. Nó hóa giải tất cả.
Riêng vẻ sững sờ, thất thế của P’Luk khiến tôi tội bà. Tôi háo thắng nhưng tôi ghét những tia hào quang hắt ra từ cái gọi là sự chiến thắng. Nên lấy đất nhớp, bùn thô che mờ cái ánh vàng bẩn thỉu ấy đi, cũng như những người lính thường bôi đen những mảng kim khí tượng trưng cấp bậc đó, ông Ka. Bà P’Luk quay lưng lại bỏ đi, tay buông thỏng, mỏi rả vì quất tôi và hồn bà ngó bộ cũng mỏi mệt sau khi điểm mặt Ông Bạn của tôi: “Cút ngay! Cút ngay trước khi ông chủ về. Ðồ phản trắc!”.
Ðêm hôm đó, ông ta bỏ đi thật. Ðứng trên lầu thấy ông ta lui hui nơi chuồng thỏ, tôi biết ông ta giả từ chúng nó. Ðó đâu phải là giờ ăn. Tôi quờ quạng xuống cầu thang tối ám, mắt nhức nhối và tôi lúc ấy cứ nghĩ mình sẽ mù, sẽ mù. Ông Bạn già của tôi vỗ đầu tôi: “Tôi phải đi, em à, tôi phải đi”. Tôi níu chặt bàn tay nóng ấm ấy: “Cho tôi đi theo ông”. Hai con thỏ thì không biết nói nhưng tôi biết chúng sẽ chết nếu ở lại trơ trấc không có chúng tôi. Chiếc áo khoát dầy cộm của ông ta có bốn cái túi to nên thỏ vợ nằm trong túi dưới, bên phải, thỏ chồng bên trái. Trời ơi, tỷ như tôi cũng bé nhỏ tựa chuột nhắt để Ông Bạn bỏ gọn vào túi áo trên thì hay biết mấy. Ðằng này tôi cứ láng nháng làm mất thì giờ của ông ta.
Chúng tôi có súng, có giầy cổ cao, có quần áo ấm khi ra đi. Nhưng càng tiến sâu vào những nẻo tắt quanh co, gai góc càng khô càng cào xướt chúng tôi. Mắt tôi sưng to, hẳn là đỏ lắm. Tôi nhìn thấy trong lòng suối hai cái cục đen gắn trên mặt tôi. Sương giá ban đem cắt những phần thịt hở dù Ông Bạn thức từ nửa đêm đổi phiên canh cho tôi ngủ tới lúc tờ mờ. Nhưng mà ông Ka, tôi sung sướng tê ngất trong nỗi nhức nhối, đau xé ấy. Chúng tôi ăn bằng cách nướng trui những con thú chạy lẻ tẻ trong tầm đạn của Ông Bạn và một vài thứ trái quen. Nước suối có chỗ đục, chỗ trong, có chỗ chát đắng mùi lá mục. Tôi mười một tuổi khi tôi có một cuộc đi chơi xa dễ thương tuy đầy cam khổ kinh hoàng với một người đàn ông tuyệt vời. Ông Ka, ông có thấy đó là một hạnh phúc?
Những ngày ấy tôi thấy dài ơi là dài, bây giờ mới tiếc tại sao lại chóng thế. Ngày cuối, trán tôi nóng, tôi trở đau đến nỗi qua suối Ông Bạn phải cõng tôi. Tôi phải làm phiền lụy ông ta quá sức. Càng gần một buôn Thượng càng khó kiếm thịt tươi. Thú phải lãng xa người để sống chớ. Chúng tôi cùng nhịn đói một ngày. Có lẽ vì cái mặt bí xị dễ ghét của tôi mà vợ chồng thỏ bị giết.
Tôi đâu hay chi. Ngủ dậy thấy có thịt tươi, tôi chộp lấy ăn ngấu. Aằn xong tôi khỏe hẳn người ra như dứt hẳn bịnh, như mắt sáng trở lại tới nơi, như ngón chân út không còn toét móng, sưng tấy mủ. Hai cái túi áo vẫn to phồng nhưng mãi đến chiều không nghe tiếng kêu tưởng tụi nó bệnh, sờ vào tôi mới thấy lổn nhổn bên trong đá là đá. Ba xạo như thế, ai dám bảo là điên. Có thể ông ta giả vờ. Có thể ông ta chỉ bị lạc mất trí nhớ, đánh rơi dĩ vãng trong một thời gian ngắn. Nhưng này ông Ka, tại sao người ta không thể chứa cùng một lúc nhiều lớp dĩ vãng. Tại sao khi tìm được cái này người phải tẩy xóa cái kia. Nhưng tôi kinh hoàng thật tình trước cái vẻ dửng dưng xa lạ của một người đã từng sống với mình những ngày như thế.
Vâng, cuối cùng rồi chúng tôi được những người Thượng tiếp đón. Sau bữa cơm vắt, thịt khô, tôi mệt lả nên ngủ vùi. Và tôi thức dậy trong cảnh tượng vui vẻ náo nhiệt của một phòng tạm giam. Chiếc áo da nai của tôi được một thằng nhãi con loắt choắt độ 5, 6 tuổi nhưng mặt mày già khằn nhưng đã năm sáu chục tuổi đoạt. Nó hút lén một điếu thuốc moi từ cạp quần rồi cười hì hì với tôi, xưng hô mày tao ngọt xớt như quen nhau từ thuở nào: “Thằng khứa bế mày vào đây bị mang đi nhà thương rồi. Còn mày thì người ta bảo mày chẳng có bịnh gì hết. Mày giả bộ”. Bỗng nhiên tôi thấy nó dễ thương và đẹp đẽ trong chiếc áo da nai của tôi. Tôi thì thào: “Cho mày luôn cái áo. Tao không đòi đâu”. Nó cười lớn: “Ðúng là đồ làm bộ. Muốn đòi cũng không được đâu con ơi”. Tôi quay mặt chỗ khác, ứa nước mắt. Nhưng tôi không giận nó nổi. Những người đàn ông, đàn bà chung phòng quay nhìn hai đứa bé nhất là chúng tôi với cặp mắt tò mò chế giễu.
Bấy giờ tôi đã biết nhớ cây cối, nhớ núi rừng, nhớ cỏ lá, nhớ suối khe, đồng thời khám phá ra chúng nó dễ thương là nhờ chúng may mắn chẳng được gắn vào mình những cặp mắt tai quái như thế. Nền xi-măng trong phòng tạm giam thì lạnh nhưng không lạnh bằng cặp mắt của ba tôi lúc đến lãnh tôi về. Tôi chịu đựng sự lạnh nhạt của ông thêm vài tháng nữa cho đến lúc sắp dứt mùa đông đó thì ba quyết định gởi tôi về sống với má để học tiếp ở N. Má tôi, cái người đàn bà lạ lùng mà tôi kể hoài không hết cho ông nghe ấy. Những năm hòa nhập vào cái thế giới kỳ cục của má và bạn hữu của bà, tôi khôn ra, biết thêm những điều không nên biết và ngu đi, phải bớt những điều lẽ ra phải cẩn trọng giữ gìn. Ðó là cái chất RỪNG trong tôi mà ông đã nhận xét. Tôi lì lợm, kỳ quái, điên khùng, lãng mạn, tàn nhẩn, ác độc, ngu xuẩn, mất dạy, du côn... hay chi chi nữa, thì ông cũng không nói chi sai lắm đâu. Ba tôi giải thích thế nào về người mẹ, cố gắng dửng dưng ra sao khi tôi ra đi và má tôi đón nhận tôi vào đời sống của bà bằng lối nào và tôi thích ứng với hoàn cảnh mới được đến đâu... chẳng phải là những điều tôi muốn cà kê cho ông nghe. Nếu rãnh rỗi, tôi sẽ vẽ lại bằng những bệt xám trong cuốn tự điển chưa bao giờ viết mà ông vẫn ngạo tôi hoài bằng cách bao giờ gặp cũng hỏi thăm cô có khởi đầu chưa.
Nhưng đêm nay tôi chỉ muốn kể lại cho ông nghe chút đỉnh về Ông Bạn tàng tàng nọ. À quên, đến đấy ông đã hết tàng, ông ta tìm lại cái trí nhớ đã giả bộ hay thật sự đánh mất gì đó. Ấy là cái đêm P’Luk đưa tôi xuống phố chợ để sáng hôm sau lên máy bay sớm, tình cờ cũng là đêm 24-12. Tôi quả là cô Mán xuống thành. Mọi thứ đều quá lạ đối với tôi nhưng không hiểu sao tôi không nghe thích thú. P’Luk thuê một phòng ở B.L... cái khách sạn thuộc khu chợ cũ nhưng gần chợ Mới hơn đó ông. Bà cũng không cho tôi đi lạng quạng mà buộc phải ngủ sớm để mai đi nhưng tôi không thể không hiếu kỳ và bực tức đứng ngoài balcon ngắm đỡ buồn những đoàn xe rước lễ xuất phát từ ngôi nhà thờ trên ngọn đồi gần đó băng ngang bến xe GMC rồi diễn qua phố chính. Những cô nhỏ trạc tuổi tôi mặc áo trắng toát phủ chân, thắt lưng xanh sợi mỏng, đeo cảnh giả bằng bông gòn, mỗi đứa cầm một cành huệ trắng đi nối đuôi nhau dưới sự coi sóc của mấy ông cha mặc áo đen ngòm. Tôi bắt gặp một vài con nhỏ nháy nhó tự hãnh với những người thân quen của chúng trong những người đi xem lễ. Lúc đó tôi chỉ muốn liệng một cục đá cho bỏ ghét.
Rồi tôi thấy ông ta giữa dòng người chen chúc. Tay dắt vợ, tay ôm đứa con trai có vẻ lớn hơn tôi. Tim tôi đập gấp, mừng rỡ. Tôi nhảy từng hai bậc tam cấp, vui thú trước cái vẻ sững sờ trở tay không kịp của P’Luk. Lúc đó tôi chỉ có ý định khoe với ông ta mai tôi về với má. Nói một câu như vậy thôi mà. Tôi khó nhọc chui lách qua những kẻ hở hiếm hoi của nhiều người, nhóng mắt nhìn theo cái áo màu vàng mơ của ông ta. Cho đến lúc tôi vươn tay chộp được túi quần ông ta. Cái cảm giác bấy giờ như có lửa ngoài da và tủy xương đong băng trong cuộc sống khi người bạn cũ hất tay tôi, la giận: “Cái con bé này, ăn cắp cái gì thế”. Tôi ngước mắt nhìn ông, kêu lên: “Em đây mà! Nhụy đây mà!”. Người vợ cất tiếng, cái âm chầm chậm, lười lĩnh như con mèo: “Phải giao nó cho cảnh sát, mình ạ. Tội lỗi quá, cái bọn này cứ lợi dụng những đêm thánh lễ đông đúc như vầy để làm ăn”. Mặc kệ bà ta, tôi lặp lại: “Em đây mà! Nhụy đây mà!”. Nhưng ta vẫn trơ trơ, trố mắt kinh ngạc, giọng điệu êm ái hơn: “Chắc em lầm, em nhỏ!”.
Làm sao tôi có thể lầm. Cái tiếng Bắc thầm thầm. Cái miệng mỏng dẹt môi trên một cách kỳ cục. Ðôi mắt nhỏ thanh dài sắc. Cái mũi hếch cao ngạo mạn. Dầu mớ râu lam nham đã dọn sạch. Tôi hức lên trong lồng ngực một nỗi ấm ức ngộp thở. Rồi, có lẽ để thở được, một cách không ngờ, tôi chộp lấy cánh tay ông ta ngoạm cứng, cắn sâu rồi chui lút vào mớ người trôi một cách khó nhọc như đã khó nhọc tìm ra. Thoát khỏi đám đông tôi lẩn thẩn lang thang không chủ đích theo tôi những bước chân lạ huơ hoắc của bao người lạ để rồi lạc đến một nhà thờ tin lành. Một vị - có lẽ là mục sư - người ngoại quốc bận bộ đồ đỏ viền lông trắng đeo gùi tre đầy nhóc bánh mì giả vờ làm ông già Noel đứng phát bánh và chuối cho những người nghèo khổ đứng xếp dài hàng một ở cái xóm tôn sau lưng chùa Bồ Ðề, gần suối Bo Bo. Tôi đứng lẫn vào trong những đứa trẻ Thượng lẫn Kinh dơ dáy hôi hám trong những hình thù bụng phình, lưng cong, cẳng khoành buồn bã, phơi nửa hoặc toàn thân trong gió khuya. Có cả những người lớn chậm rãi từ từ nhích lên, nhích lên rồi chìa tay ra, dửng dưng, lạnh lùng như những cái bóng lao đao của một thế giới khác. Ðến lượt tôi xòe tay ra, nhận phần của mình, tôi hỏi người ngoại quốc: “Ông già! Ông có thật không?”. Hắn trỏ trên cao, nói trọ trẹ:”Kia kìa, ở xa, xa lắm lắm!”.
Xa lắm! Xa ghê lắm! Tôi nhủ thầm như thế trong những lối đi lẩn quẩn lầm lạc. Trong đêm ấy, một đôi lần tôi trở lại một chỗ mà tôi đã bước qua trước đó vài phút. Trời thì lạnh, sao thì đầy như những đêm mở mắt ra thấy Ông Bạn ngồi dễ thương chống cằm bê đống lửa. Nhưng thay vì cây cối rừng rậm vây quanh thì lại là những người, từng đàn, từng chùm. Mười một tuổi, tôi đã biết thế nào là trạng thái tâm thần ngao ngán.
Rồi tôi cũng tìm ra lối dắt về khách sạn B.L. P’Luk mở cửa, vuốt đôi má lạnh lẻo của tôi rồi dắt vào. Bà mở ra những gói bánh. Tôi vất từ túi áo ra những bánh mì và chuối. Chúng tôi cùng ngồi trên giường, chậm rãi ăn, ngó nhau, một cách vô thức. Hình như lúc bấy giờ bên ngoài là nửa đêm. Chuông kéo nhiều. Ồn ào. Ðường phố bên dưới còn lao xao. Những người mê muội.
Phải không ông Ka, họ mê muội quá sức. Còn tôi ấy à. Ðâu có ai ngủ vùi lấp khuất trong cơn mê lại nhận thức rằng mình đang. Hệt những người say rượu. Họ chỉ thấy những người khác. Ðôi khi lại chỉ trỏ người ta cười vì những vết lọ mà chẳng bao giờ họ ngờ chính mình đang mang trên mặt. Ô hay, có phải tôi muốn ám chỉ mình! Dầu sao thì tôi cũng đã đôi lần được soi cái nhân dạng tức cười của mình vào trong hai cái tròng đen nhỏ xíu của ông. Hai cái ao hồ bình thản lạnh bạc như tấm gương vô tình hắt trả lại một ảo ảnh tôi với đầy đủ các vết lấm nằm trên da mỏng, chơ vơ!
Lại một đêm ngủ nhờ nhà bạn học bài. Tôi ngửa mặt nhìn bầu trời lan man những bệt sao đục, buồn bã nhận ra nó giống như ao mắt đen dửng dưng của ông trong vị thế dốc ngược sau khi được khuếch tán cực đại, soi vào đấy, tôi và một nỗi ngao ngán mới. Nỗi ngao ngán của một con nhỏ 21 tuổi và một con nhỏ 11 tuổi vẫn không khác nhau mấy tí. Ông đã chẳng bảo tôi chỉ là một cô gái nhỏ, mười-sáu-tuổi-ở-một-phương-diện-nào-đó, hay sao? (Những phương diện còn lại, tôi 72 tuổi, tôi 4 tuổi, tôi 36 tuổi và tôi 8 tuổi, chẳng hạn, phải không?).
Ông Ka, sợi khói thuốc (Président) vướng vào mắt, người ta có thể khóc, một hạt cát lẫn vào mắt, người ta có thể mù, nhưng ai lại ném đá một cách sát nhân như thế vào mắt mũi miệng ruột gan của một niềm tin còn sót lại. Sung sướng thay con trai dưới lòng bể ngậm cát cứa thịt mềm nhả máu thành ngọc huyền. Thành phố này phải chăng như cái vỏ cứng vằng vôi giam khít viên ngọc trai ta trong bụng bể tối. Noel, Trung thu, Nguyên đán, Ðoan ngọ, Vu lan... những cái tên gọi đẹp đẽ chỉ có công dụng tô đậm thêm nỗi nhức nhối của những kẻ tử đày ải, tha phương.
Ông Ka, Giáng sinh năm nay ông sẽ có mặt nơi đâu? Một khiêu vũ trường xa lạ hay một cái “bum” thân mật của bạn bè. Hoặc một quán trọ xa, một tiệm ăn lạ. Hoặc trên cái xe lam nham lở nhở nước sơn một cách ngộ nghĩnh như con bọ rùa, ngược xuôi Q.T-Ð.N. qua những đụn cát buồn thiu hay đèo cao mấy vướng với áo giáp, súng dài, nón sắt bên cạnh sẵn sàng lăn quay xuống ruộng bùn lúp xúp ven lộ trình tẻ nhat đó. Hoặc ông ngồi trong căn phòng như cái hòm dựng đứng của ông. Màu vàng dễ ghét của cát và sáp lệt bệt khắp nơi: Hộp kẹo, kệ sách, cây viết, chụp đèn, nến xoắn... Nến sẽ được thắp lên cùng với nhạc trỗi và phòng bên cánh một lớp kính những chậu xương rồng nở hoa trắng xóa...
Và những quân cờ màu ngà xoa lách tách trên chiếc bàn vuông nhắc nhở rằng ván cờ đã hết. Gió đông và gió tây cuốn những văn, vạn, sách nằm ngoan trong ô kéo. Rồi những tháng, những năm lế tiếp, khi ông đã bỏ đi, mọi thứ sẽ được bàn giao cho người mới hay sẽ được xua đuổi, luân lạc, phân tán về một chỗ nào. Rõ ràng cái áo màu vàng đất của cô nàng đứng trong bức tranh Thu Vàng trước mặt ông chẳng còn là sắc vàng kiêu sa của tuổi trẻ thanh thản mà lại là một tuổi trẻ đậm sệt ngao ngán của những nỗi mong cầu bị dẫm vỡ.
Ông Ka, ở cái vị thế mang hố mắt dốc ngược thành bầu trời kia, có lẽ ông sẽ thấy được mọi sự, từ những những cánh đồng trùng điệp hoa vàng ở Tây Nguyên, những khe hốc mà chúng tôi đã lếch thếch đi vào trú trong những ngày hạnh phúc nhọc nhằn xưa kia mà ngày nay đã bị cày xới bởi những bánh sắt... đến những khu phố chợ đông đúc ồn ào, nơi có những cửa hàng mà vợ ông đang coi sóc. Có lẽ ông cũng thấy được hình ảnh của người vợ đẹp lạnh với chiếc cằm vuông của ông đứng tần ngần trước những màu áo sẽ chọn cho buổi dạ vũ đêm Giáng Sinh, cậu con trai đầu của ông đang tỉa bớt chút tóc dài trước khi theo nàng ra mắt bố mẹ nàng trong đêm nay và cô gái út của ông, cái cô nhỏ láu lỉnh thích túm tóc lại phía trên một cách ngộ nghĩnh đang đứng trên ghế vuông, xoay ngắm mình trước tấm gương, tay nâng chiếc váy màu vàng rực rỡ...
Nhưng làm sao ông có thể thấy được tôi, ở một chỗ không phải trời không phải đất, đang thắp lên trong tâm tưởng một dĩa đèn đã kiệt dầu (như tim kiệt máu, người kiệt niềm tin). Và làm sao ông thấy được trong cái ánh nến vàng đỏ chập chờn sau khung kính mù mờ kia cái khuôn mặt lách tách rời rã như một thứ đá vỡ của chính ông.
Vâng, ông Ka! Dù cái gang tấc ngắn ngủi chỉ có một con đường giữa hai ta nhưng rồi cũng như Ông Bạn nọ, dịp nào đâu, ta còn nhận ra nhau trong cuộc đời biến thiên không ngưng nghỉ này, khi những cái cớ đã không còn là cớ. Phải đó, ông Ka, những bức vẽ, tờ thư, xương lá, kẹo hồng, đèn lồng, nến xoắn và cái màu vàng quên lãng nhức ê mắt môi kia chẳng là cái quái quỷ gì nếu thật sự chúng ta không còn muốn nhận ra nhau nữa, trong thành-phố-vỏ-sò này.
Tags: | Edit Tags
Monday August 4, 2008 - 08:42pm (ICT) Edit | Delete
Next Post: Entry for August 05, 2008
Comments(1 total) Post a Comment8Fieu Offline Bai dua len thay danh may sai nhieu wa( luc do nho ba chi go) nhg khg xoa duoc. Long ray tat ca bai cu moi deu khg xoa duoc.
Danh fai tu dan nhu khi choi Co Tuong "Ha Thu Bat Won"
Monday August 4, 2008 - 09:07pm (ICT) Remove Comment
Labels: shortstory
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home