Monday, July 13, 2009

LỜI THỈNH CẦU CỦA ĐẠO DIỄN LÊ HOÀNG

Entry for December 03, 2008
LỜI THỈNH CẦU CỦA ĐẠO DIỄN LÊ HOÀNG

Thưa Thầy,
Em là Lê Hoàng, một người yêu sân khấu, một học trò của Thầy. Có thể thầy không nhớ em vì trong cuộc đời giảng dạy của Thầy đã gặp quá nhiều học trò, nhưng em nhớ Thầy do Thầy truyền đạt rất hay (và phải nói thật rằng không phải ai đứng trên bục giảng đều được như thế cả.)
Một trong những điều hay của Thầy, là ngày trước luôn luôn nhắc nhở chúng em: “Người trẻ phải tự tin, người nghệ sĩ trẻ càng phải tự tin. Một nên văn hóa nói chung và một nền sân khấu nói riêng, nếu các nghệ sĩ trẻ của nó không tự tin thì chắc chắn không phát triển được!”. Những lời thầy nói đó em còn nhớ như in. Và em chắc thầy cũng đồng ý với em: Muốn tự tin cần nhiều điều kiện. Nhưng trước tiên cần phải Được Tin! Bởi sự tự tin đâu phải một khái niệm mơ hồ. Nó là cảm xúc, hay nói chính xác hơn, là một nhân cách được hình thành khi người nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm hoặc xử lý những vấn đề trong cuộc sống được xã hội chấp nhận, xã hội hưởng ứng và tạo điều kiện.
Nói cách khác nếu tự tin là thân cây, cái cây ấy chỉ lớn khi rễ của nói được tiếp dinh dưỡng từ tình cảm và lý trí của người xung quanh, đặc biệt là những người đi trước.
Hay nói một cách khác nữa, nôm na theo lối dân gian ( một lối mà sân khấu chúng ta rất cần.): Muốn trẻ con tự tin, người lớn phải cho chúng cơ hội. Liên hoan sân khấu, với các nghệ sĩ sân khấu trẻ, không nghi ngờ gì nữa, rõ ràng là một cơ hội. Liên hoan sân khấu Thể Nghiệm, vượt lên trên hết càng là Cơ Hội Lớn.


Thầy tôn kính.
Vậy mà em vô cùng thất vọng(ngoài thất vọng ra em còn có những cảm giác khác có lẽ không nên viết ra đây). Khi đọc danh sách ban giám khảo liên hoan sân khấu thể nghiệm này, có năm người thì đều là năm người tuổi đã quá cao. Đứng về mặt hành chính,họ toàn đã về hưu, trong đó có Thầy.
Thầy ơi,
Em không chút nào nghi ngờ thành tích cũng như đức độ của năm vị giám khảo đó.Nhưng phải thú thực là em đã hy vọng hoàn toàn không giống thế. Chẳng ai dám bảo rằng chỉ có tuổi Trẻ mới Thể Nghiệm và biết đánh giá đâu là Thể Nghiệm.Về lý thuyết thì không. Nhưng có một thực tế ít người phủ nhận và chính thầy, ngày xưa, khi đứng trên giảng đường cao quý nói với chúng em cũng chẳng bao giờ phủ nhận, là cái Trẻ, cái Mới, cái Thử Nghiệm thường đi kèm với nhau. Bởi tuổi trẻ, như toàn nhân loại đã công nhận, luôn là tuổi sung sức nhất, khát khao nhất, dám nghĩ dám làm nhất của con người. Do đó, chúng ta mới đặc các tên như: nhà hát Tuổi Trẻ, báo Tuổi Trẻ, đoàn kịch Trẻ…
Trong bất cứ ngành nào của đất nước, chứ chẳng riêng ngành văn hóa, càng không riêng gì ngành sân khấu, lớp trẻ chắc chắn phải là lớp quyết định, lớp tiên phong, do đó là lớp cần lắng nghe và cần có tiếng nói. Nhưng thực tế thì sao?

Đã bao nhiêu liên hoan sân khấu rồi, những vị trong hội đồng giám khảo đều là những người già. Em xin nhắc lại lần nữa, em vô cùng kính trọng người già. “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, là những đạo lý mà thấm thía thực sự chứ không hề nói suông. Nhưng tuổi già phải có những hạn chế. Điều này khoa học đã chứng minh, và thực tế cuộc sống đã chứng minh.Sự về hưu của người già trong công tác không chỉ có nguồn gốc nhân đạo mà còn có nguồn gốc hiệu quả thực tiễn. Và dù cho người già có nhiều ưu thế, ở những mặt nào, chắc phần “Thử Nghiệm” người trẻ vẫn có ưu thế hơn, dù có giết em đi em vẫn tin điều này!

Vậy mà toàn bộ ban giám khảo là người già. Cả nền sân khấu từ Bắc tới Nam, cả bao nhiêu nghệ sĩ đã hơn bốn mươi hoặc gần bốn mươi như Chí Trung, Thành Lộc, Trung Hiếu, Thu Hà, Anh Tú, Lê Khanh….không ai có đủ trình độ đánh giá kịch thể nghiệm. Và vì thế không ai được mời vào ban giám khảo, thưa Thầy.Thầy ơi,
Thầy là thầy của em. Thầy dạy em bằng chữ trên bảng đen và bằng cả cách sống.Em dù có ít tin ai thì vẫn tin Thầy.Em biết Thầy tuy ở trong ban giám khảo đó nhưng không phải người lập ra nó. Em đoán rằng Thầy ngồi ở đó mà tự nhủ sẽ cố gắng thật vô tư và thật “Trẻ”. Em rất cám ơn. Nhưng em sẽ cám ơn biết bao nếu như Thầy trình bày với ban tổ chức, ban chỉ đạo, hãy mời những nghệ sĩ trẻ vào hội đồng chấm thi. Mời như thế cũng đã muộn lắm rồi. Nếu không mọi mơ ước đổi mới sân khấu của chúng ta chỉ là lời nói…hào nhoáng!

Thầy ơi,
Cả em và Thầy đều có những kỷ niệm chung. Cả em và Thầy đều có thời yêu sân khấu, yêu nền điện ảnh Xô Viết. Có một bộ phim Xô Viết mang tựa đề “ Chỉ có những ông già đi chiến đấu.” Ngày xưa, em và Thầy đều thấy rất hay, nhưng đó là phim hài, chắc thầy vẫn nhớ. Nhưng liên hoan sân khấu thể nghiệm toàn quốc, được khai mạc giữa thủ đô Hà Nội, được cấp ngân sách hàng tỷ đồng bằng tiền nhà nước, số tiền đó có phần đóng thuế tuy ít ỏi của nhiều nghệ sĩ trẻ, chắc chắn không phải là liên hoan hài. Đấy là một nơi nghiêm túc. Nghiêm túc vô cùng.Hãy để cho người Trẻ có tiếng nói trong việc thẩm định.

Đọc đến đây có thể Thầy sẽ hỏi: Tại sao hàng trăm học sinh mà chỉ có mình Lê Hoàng viết thư cho tôi về vấn đề này. Em không dám đại diện cho ai cả, nhưng em có cảm giác là những nghệ sĩ khác không nói vì họ đã quá buồn và đã quá quen với sự không được quyền lựa chọn. Họ thiếu niềm tin. Em cũng thiếu, nếu như không có Thầy.
Em không phải là một học sinh có khả năng trình bày ý nghĩ của mình một cách khéo léo, nếu như Thầy đọc thư này có điều gì phật ý thì em rất xin lỗi. Nhưng Thầy hãy tin em thành thực.
Chúc Thầy sức khỏe và hạnh phúc.
Học trò cũ
Tags: lờithỉnhcầucủađạodiễnlêhoàng | Edit Tags



Wednesday December 3, 2008 - 05:39pm (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for December 07, 2008

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home