Wednesday, February 13, 2008

CẢNH III

Cấm Tử thành. Ðiện Càn thành. Vua Tự Ðức đang nằm như chết. Một người xỏa tóc, đung đưa cái đầu trước mặt nhà vua. Hai giải lụa dù không được ai kéo vẫn thắt chặt dần cổ hắn. Mắt trợn, miệng há, lưỡi thè... Nhà vua chợt ôm cổ như cổ mình bị thắt.

TỰ ÐỨC: Không, ta không giết anh ta. Ta có muốn làm vua đâu. Âm mưu phế trưởng lập thứ là của mẹ ta và các đại thần (Vùng tỉnh dậy)
(Bà Quý nhân NGUYỄN NHƯỢC THỊ BÍCH vội đến đỡ vua nằm xuống và ra dấu cho một phi tần mang chén rượu bổ đến cho vua. 2 cung nữ khác đến tẩm quất mình rồng).
Mấy ngày nay khi chợp mắt ta chỉ thấy toàn ác mộng. Ta luôn thấy chính ta và mẹ cầm giải lụa để thắt... Nhưng mà, lỗi tại anh ta. Ngày sứ tàu sanh bang giao, cha ta ra vế đối “Bắc Sứ lai triều”, ta chưa nghĩ ra thì anh Hồng Bảo đã đối “Tây Sơn phục quốc”. Ôi chao là gan! Vì Tây Sơn phục quốc thì còn chi nhà Nguyễn chúng ta.
BÍCH: Muôn tâu, long thể bất an có lẽ vì gần đây tin xấu về triều nhiều quá. Miền Bắc loạn lạc khắp nơi. Miền Nam các quân nghĩa cũng lập chiến khu chống Pháp. Lại còn các sĩ tử...
TỰ ÐỨC: Ta muốn nghe lại tờ biểu tấu về những yêu cầu của bọn tử sĩ ở 3 trường thi lớn: Hà Nội, Nam Ðịnh, Thừa Thiên... đã không chịu vào thi.
BÍCH: Muôn tâu, thần thiếp e sợ...
TỰ ÐỨC: Nàng, ngoài việc là một thiếp yêu của ta, còn là người hay chữ, nên đã được giao cho việc dạy những đứa cháu trai tương lai sẽ kế vị ngai ta. Nàng còn là một nữ quan nội giám chuyên đọc các sớ tâu cùng thơ văn cho ta nghe. Ðọc đi, đừng e ngại, để ta còn phán bút chuẩn phê.
BÍCH: Muôn tâu, họ đề nghị hãy dấy binh lấy lại 3 tỉnh miền Ðông, hãy trừng trị những kẻ ký hòa ước Nhâm Tuất, hãy triệt chức Phan Thanh Giản, Trần Tiển Thành, không được hòa nghị với giặc.
TỰ ÐỨC: Còn trẩm, họ muốn gì nơi trẩm?.
BÍCH: Muôn tâu, họ mong đức vua hãy vì dân, vì nước
TỰ ÐỨC: Chỉ vậy thôi sao?.
BÍCH: Dạ, chỉ vậy!.
TỰ ÐỨC : (Cười to như nối liền với cảm giác thoát nạn sau cơn mê sảng) Án đâu, đưa đây, ta phê chuẩn ngay (Ghi xong đưa cho bà Quý nhân).
BÍCH: Ôi chao, muôn tâu, thánh thượng quả lòng lành vô biên, hầu như không một sĩ tử nào bị khép tội, chỉ phạt trượng và lưu hoặc cách chức một số đốc học, quan viên.
TỰ ÐỨC: Họ chẳng chống ta. Ta còn lấy làm mừng vì có yêu nước họ mới tỏ lòng phẩn nộ như vậy. Các quan đầu triều tự ý cắt đất trái ý ta, ta căm tức lắm nhưng chưa dám tỏ bày ý đó.
Ta chỉ sợ nếu họ noi gương anh ta nổi loạn để đòi trả lại ngai vàng cho dòng con trưởng. Ta không cần ngai vàng nhưng ta sợ phải nhúng tay vào máu, máu của những người thân luôn ám ảnh giấc ngủ ta.
Bởi vì ngoài việc làm thơ, ta còn là một thi sĩ. Ðôi lúc ta muốn bỏ hết mà đi như một ngưòi làm thơ chân chính. Ghê tởm biết bao khi có khối bọn nịnh thần mua danh tìm lợi bằng cách ca ngợi thơ ta. Lẽ ra càng nắm quyền cao ta càng nên tránh thi ca. Khổ nổi, dường như có hai con ngưòi trong ta: một cứng cỏi quyền uy, một dẽo mềm của nghệ thuật...
BÍCH: Muôn tâu, còn những chuyện rối ren trong hoàng tộc?.
TỰ ÐỨC: Những chuyện đó thì phải nghiêm trị. Không tề gia sao ta trị quốc được? Chuyện Như Trang, Hồng Tập đến đâu rồi?.
BÍCH: Muôn tâu, Như Trang đã cắt tóc đi tu. Nàng tưởng rằng cách đó sẽ xóa được mối tình bất chính. Lẽ ra kẻ trọng tội là nàng, đã dùng sắc đẹp để quyến rũ một người trong họ tộc.
TỰ ÐỨC: Thế thì để sống làm gì? Truyền cho Miên Thẩm giải quyết ngay. Nhưng phải kín đáo, không nên đưa ra nhận tội trước toàn phủ mà phải ngầm đưa tới một tỉnh xa rồi bỏ cho chết đói mà không lưu tang tích.
Nói với Công đây là lệnh miệng, ta không muốn ghi thành vãn bản ý tưởng giết người này.
BÍCH: Muôn tâu...
TỰ ÐỨC: Hôm nay giải quyết bấy nhiêu thôi. Ta mệt lắm, ta cần giải trí.
BÍCH: Muôn tâu, đêm nay sẽ có một đoàn vũ nữ người Chiêm diễn ở...
TỰ ÐỨC: Không, ta không đợi được. Bảo họ đến ngay,diễn cho một mình vua xem trước để duyệt y.
BÍCH: Muôn tâu, trong lúc các vũ nữ chuẩn bị xiêm y, có quan Ðại Thần Trần Tiển Thành xin vào yết kiến về một chuyện tối quan trọng.
TỰ ÐỨC: Hắn đó. Dân và các sĩ tử chống hắn và quan Kinh Lược Sứ chứ chẳng chống ta. Cứ cho hắn vào. Biết án ta chẩn phê bọn sĩ tử hắn sẽ hiểu ý ta chẳng ưa gì hòa nghị.
BÍCH: Xin vâng thánh ý, thiếp thần xin lui gót. Một khác nữa sẽ có một bọn múa người Chiêm tại đây cho thánh thượng giải khuây.
(Bà Quý Nhân lui ra. Vua cũng ra hiệu cho 2 cung nữ lui để ngồi dậy. TRẦN TIỂN THÀNH vào).
THÀNH: Muôn tâu, long thể bất an mà lòng kẻ hạ thần như lửa đốt. Phải bắt tay vào xây dựng Khiêm lăng ngay để cầu phúc, cầu an và cầu thọ cho mình rồng.
TỰ ÐỨC: Lại Khiêm Lăng! Gặp khanh lúc nào cũng lập đi lập lại Khiêm Lăng. Ta suýt nằm mộng thấy Khiêm Lăng nếu bóng ma kia không chui vào giấc mơ ta.
THÀNH: Hạ thần đoan chắc khi Khiêm Lăng xây xong sẽ không còn hồn ma nào quấy phá.
TỰ ÐỨC: Ta lại nghĩ khác. Vừa rồi ta đọc được bài văn tế các nghĩa sĩ bỏ mình ở trận Cần Giuộc của Nguyễn Ðình Chiểu. Người đó tuy mù nhưng tấm lòng thật đáng khen. Lòng người nam kỳ vốn trung nghĩa nên đất thế nào thơ văn thế ấy. Chỉ tiếc cho bao quan lớn trong triều này toàn là người có văn học mà chẳng ai làm được một bài văn tế thiết tha nghĩa tình được như vậy, để những hồn ma như vậy về quấy phá giấc mộng ta.
THÀNH: Muôn tâu, sau hai trận Pháp đánh Ðà Nẳng và Gia Ðịnh, thánh thượng đã ra lịnh cho Hoàng Giáp Lê Khắc Cầu và Bảng Nhãn Phạm Thanh làm bài văn để vua tế các tướng sĩ đánh giặc Pháp tử trận.
TỰ ÐỨC: Nhưng hai bài ấy không hay vì họ viết theo lệnh vua chớ không phải theo tim họ. Lại không viết được chữ nôm như Ðồ Chiểu. Dùng rặt chữ Hán như thế, biết linh hồn của các quân sĩ có nghe và hiểu được chăng?.
THÀNH: Muôn tâu...
TỰ ÐỨC: Thôi, nói chuyện khác đi. Nhưng đừng quên, ngoài việc trị nước ta còn là một nhà thơ. Tuy thơ ta chưa đụng trời như các quan thường ca ngợi nhưng đôi khi tim ta vẫn dặn óc hãy bớt những quyết định cứng rắn kẻo hối về sau. Hãy xem đây là bản án khoan hồng của ta với bọn sĩ tử chống các khanh cắt đất và hòa nghị
(TRẦN TIỂN THÀNH nhận tờ án quyết của vua đưa, đọc sơ rồi đưa cho vua cuộn giấy lớn mang theo).
THÀNH: Muôn tâu, thần đến vấn an sức khỏe cụa hoàng thượng nhưng thật ra còn để trình tấu một công trình nghệ thuật đầy chất thơ như trái tim thi sĩ của hoàng thượng. Ðây là bản vẽ của Vạn Niên Cơ tức Khiêm Lăng khi đã hoàn thành.
TỰ ÐỨC: (Mở ra coi) Ðẹp, đẹp quá! Có lẽ từ khi lập quốc đến giờ, nước Nam chưa có công trình kiến trúc nào nguy nga như vậy. Cả những tiên đế của họ Nguyễn này...
THÀNH: Muôn tâu, phải công phu như vậy mới cân xứng với một nhà vua biết thưởng thức nghệ thuật như thánh thượng.
TỰ ÐỨC: Ðược! Ta chuẩn tấu công trình xây dựng Khiêm Lăng. Chỉ tiếc là sáu năm dài qúa. Sức khỏe ta lại... Mà ta thì không muốn lìa bỏ thế giới này mà chưa thấy được sinh phần đẹp đẽ này.
THÀNH: Rất dễ, tâu Thánh thượng! Kẻ bầy tôi này có thể rút thời gian lại chỉ còn phân nửa, chỉ còn ba năm.
TỰ ÐỨC: Bằng cách nào?.
THÀNH: Tăng tốc độ thi công. Mộ thêm nhân công. Khải tấu, một công đôi việc, như thế sẽ giải quyết công ăn việc làm cho một số người, càng tăng thêm hồng đức của bệ hạ.
TỰ ÐỨC: Vấn đề này ta sẽ bàn sau trong một buổi lâm triều chính thức. Ta sẽ chuẩn bị một bài thơ để phân trần cho thần dân rõ lý do ta cần có Khiêm Lăng.
THÀNH: Xin mình rồng giữ gìn sức khỏe. Thánh thượng phước như Ðông hải, thọ tỉ Nam sơn.
(TRẦN TIỂN THÀNH lui ra ngoài. Bà Quý nhân BÍCH vội chạy vào).
BÍCH: Muôn tâu, đội múa Chàm đã sẵn sàng.
TỰ ÐỨC: Bắt đầu ngay đi, những rối ren của việc nước đang khiến ta long óc.
(Vua nằm xuống, ánh sáng hạ, đoàn vũ nữ Chàm lướt vào. Ðặc biệt những đội hình múa tập trung vào người múa chính là MÂN LÝ... HỒNG TẬP bước vào trong những phút giây cuối của bài múa. Ðoàn vũ nữ rút đi, đèn lại sáng như vừa rồi chỉ là một giấc mơ).
TỰ ÐỨC: Thế nào, người anh em họ của ta... Thích cô gái ấy à? Ta sẽ tặng cho...
H. TẬP: Muôn tâu, hạ thần không có cái ham muốn ấy của những vì vương. Hạ thần chỉ hơi bàng hoàng, tuy là sắc tộc khác, môi trường khác, nhưng nàng rất giống Như Trang.
TỰ ÐỨC: Ðến gặp ta vì chuyện ấy à? Ta cũng cần gặp khanh vì ta không muốn khanh cứ xua quân đi sát hại những người đi truyền đạo nữa.
H. TẬP: Hạ thần không muốn nhắc đến Như Trang ở đây dù cô ta đi tu rồi mà vẫn không yên. Một nhóm người bịt mặt vừa đến chùa lôi cô ấy đi và hạ thần đủ thông minh để hiểu cấp nào hạ lệnh xuống.
Hạ thần chỉ đến đây để nhắc vua đừng quên tiếng kêu thét của những sĩ tử khi họ không chịu bước vào trường thi.
TỰ ÐỨC: Họ không chống ta, họ chỉ chống những người dâng đất.
H. TẬP: Nhưng nếu không cứng rắn với bọn dâng đất, nước Việt sẽ có nguy cơ mất thêm 3 tỉnh miền Tây.
TỰ ÐỨC: Khanh tưởng ta không đau xót sao? Ta đâu chỉ biết có ngai vàng. Ta còn là một nhà thơ. Dù thơ ta chưa đụng trời như bọn nịnh thần ca ngợi nhưng đất Gia Ðịnh cũng là quê của mẹ ta. Giặc Pháp bước lên đất ấy như dẫm đạp lên trái tim ta.
H. TẬP: Rất tiếc, vua chỉ ôm ngực kêu la mà không có hành động gì để ngăn chận. Và rồi bọn giặc sẽ dẫm đạp thêm bước nữa, lên phổi, lên gan...
TỰ ÐỨC: Cút khỏi đây ngay trước khi ta hạ một án lệnh nghiệt ngã cho ngươi. Từ khi Hồng Bảo mất, ta mang tiếng giết anh. Nhưng chính các người đã đẩy ta vào tình thế phải bảo vệ ngai vàng.
Ta có thích làm vua đâu! Các người phải hiểu nhiều khi ta chỉ muốn bỏ tất cả để đi lang thang làm thơ như một tên du tử.
H. TẬP: Hãy suy nghĩ kỹ những điều người dân đang nói về vua : lo việc nhỏ hơn việc lớn, mạnh tay với người trong họ hơn người ngoài, nhất là với quân cướp nước... (Ði ra).
BÍCH: Muôn tâu, thiếp thần trộạm nghĩ, có sự ngạo mạn vừa rồi vì thánh thương đã nới tay cho bọn sĩ tử... Và trong vụ Như Trang đã không răn đe Hồng Tập lấy một câu...
TỰ ÐỨC: Thôi thôi, dẹp những chuyện xử án, chính trường ấy qua một bên. Bước xuống ngai vàng, ta là một người bình thường. Hãy kiếm cho ta một nàng thơ để não ta dịu xuống những lệnh truyền, án quyết sắt máu... À, cô gái múa chính khi nãy được đó. Hãy đưa cô ta vào đội múa kinh thành...
BÍCH: Muôn tâu...


Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home