Entry for December 28, 2007 (mot truyen viet tu 1993 de tang DiemChau) Tôi gặp cô trong một hội chợ kinh tế. Cô đem nước mắm vào cho gian hàng tỉnh H. Còn tôi đến đó kiếm An. Tôi đang gặp một số chuyện phiền toái ở xứ núi nên An rũ tôi đi một chuyến về biển cho khuây. - Luôn tiện để coi những công trình “vĩ đại” của anh có giúp được gì cho tỉnh của tôi không? An đề nghị... Tôi ngồi nói chuyện với An mà cứ ngó cô. Dường như tôi đã gặp cô ở đâu rồi. Sau khi giới thiệu chúng tôi với nhau, An xin phép có việc phải đi. Cô chợt hỏi: - Xin lỗi, ở chỗ ông bên ấy có bao giờ nghe nói tới gia đình Hải Hương?. - A, thôi, tôi nhớ rồi. Có lẽ cô có bà con với Hải Ðường? Vừa rồi Hải Ðường có khai mạc một phòng tranh. - Khá không, thưa ông?. - Khá nhưng không độc đáo. Tôi nghĩ nếu cô vẽ chắc sẽ có nhiều tranh lạ hơn Hải Ðường. - Ðiều gì khiến ông nghĩ như vậy?. - Vì khi vừa gặp cô, tôi tin nhiều thứ. Ví dụ, tôi đang tin là cô sẽ nhận lời đi ăn tối nay với tôi ở quán Thu Phai. Buổi tối, Hải Nguyệt bận bộ đầm bằng thun đen ôm sát người, tóc xõa thắt lưng, khác hẳn Hải Nguyệt buổi sáng áo bà ba màu khói thùng thình như áo ni cô với mái tóc búi gọn phía sau. Trong ánh sáng mờ mờ của chỗ uống càphê cạnh quán Thu Phai, đôi mắt cô như to và sáng hơn. Tôi thấy cô như một cô gái nhỏ, thích được chìu chuộng và hơi nhỏng nhẻo một chút với một tỷ câu hỏi đặt ra làm ú ớ những người lớn tuổi hơn mình. Cô hỏi tôi nhiều về những nước tôi đã đi qua, về nét riêng của từng thành phố, về những con người độc đáo tôi đã gặp và dần dà tôi khám phá ra đây là một con người sống khá đơn độc, không người thân và không có bạn bè. - Vậy lâu nay cô sống bằng gì? - Tôi hỏi. Hải Nguyệt thì thào như sợ có ai nghe: - Công việc... Có lẽ là công việc!. - Nhưng cô có yêu cái công việc đó không?. Hải Nguyệt nhắm mắt lại, hai hàng nước mắt ứa. Môi dưới hơi bĩu ra như giểu cợt một cái gì đó. Lúc đó tôi chỉ muốn hôn cô để chia xẻ nỗi cô đơn của cô, nhưng trăng đã như một bức tường vô hình bảo bọc lấy cô. Lúc chia tay, tôi vẫn không biết gì hơn về Hải Nguyệt trong lúc cô đã biết toàn bộ cuộc đời tôi. Có học vị ở nước ngoài, bỏ về Việt Nam với nhiều hoài bão lớn. Toàn bộ gia đình tôi sau khi bị đánh tư sản xong lại đi ngược đường sang cái nước tôi vừa lìa. Về Trung Tâm ở Ðà Lạt, tôi làm việc có hơi khó khăn, bị nghi ngờ nhiều thứ nhưng tương đối sống được, chỉ phiền một nỗi những việc tôi làm dường như không thiết thực lắm với đất nước này. Trước khi ra tỉnh H., tôi nhận được giấy mời đi dự một hội nghị quốc tế ở thành phố có gia đình Hải Hương sống. Hải Ðường dặn, gặp ba em anh đừng nhắc tới tên chị Nguyệt, ba có thể bị lên máu mà chết. Cùng mẹ tôi tới thăm bà Hải Hương, tôi lạnh xương sống khi thấy ở một góc phòng có đặt hình và bài vị ghi tên Hải Nguyệt. Bà Hải Hương đánh chuông nghiêm chỉnh khi má tôi thắp nhang nên tôi tin rằng có ai đó đã gạt bà rằng Hải Nguyệt không còn sống nữa. Về Việt Nam, khi ra tỉnh H., với An, tôi mang theo một số công trình nghiên cứu của mình với hy vọng biết đâu dùng được. Sau ngày làm việc đầu tiên, tôi thấy có nhu cầu phải gặp Hải Nguyệt hơn là đi tắm biển. Hóa ra cô không ở thị xã mà ở một huyện xa. Nghe nói tôi định ra Thạch Long ai cũng can. Trẻ con nơi đó nổi tiếng dữ và hổn. Công An thì rất đa nghi và ưa bắt sảng vì có một thời các nơi đổ dồn về đó vượt biên rất đông. Ðường xá thì nát bấy vì cát lầy trào lấp. Thạch Long còn là một nơi chưa có điện về. Càng nghe kể khổ về Thạch Long, tôi càng náo nức muốn đi. Cái cô gái ấy, với tham vọng gì mà đã về một chốn như vậy mà sống. Biết đâu cô dự định vượt biên. Hoặc cô có một khát vọng lớn lao sẽ đem ánh sáng văn minh tới những vùng mông muội. Nhưng nếu vậy thì tại sao không đi dạy mà lại đi làm nước mắm. Con đường đi ra Thạch Long đẹp một cách không ngờ. Lác đác tháp Chàm cô tịch. Bờ biển có những khúc lổn nhổn đá đen, có những đoạn dừa xanh rợp bóng, Khi vào gần tới cửa ngõ Thạch Long thì chiếc xe ọp ẹp chở tôi và những người đàn bà với quang gánh sặc sụa mùi khô mắm phải cho người lót lá dừa thành hai hàng dọc trên cát để cho hai hàng bánh xe tựa lên mới chạy được... Người ta đưa tôi tới gặp Hải Nguyệt ở một dãy tối ám hun hút những chiếc thùng lều nước mắm. Trong ánh sáng vàng mờ của những ngọn đèn dầu, cộng thêm cái mùi nặc nồng của cá muối, Hải Nguyệt ngồi vắt vẻo trên cái thang dẫn lên miệng thùng, thòng sát đầu vào trong hiểm tra công việc, ngó cô như một mụ phù thủy ma quái đang say sưa bào chế bùa phép của mình. Buổi chiều, lúc chỉ có một mình với cô ở mõm đá nguyện, tôi nói với Hải Nguyệt ý nghĩ đó. Cô cười ngất, hất mái tóc dài ra phía sau, hỏi tôi, còn bây giờ anh thấy giống cái gì... Nơi chúng tôi chọn để ngồi trò chuyện là nơi có những tảng đá đen khổng lồ như đầu những người đàn bà. Xen kẻ quanh đó là nhiều ngôi mộ với những viên đá xếp thành hình khối chữ nhật. Hải Nguyệt cho biết nếu không có đá dằn, gió sẽ tốc những ngôi mộ bay đi. Còn những tảng đá đen thì tục truyền rằng đó là những người phụ nữ đợi chồng về nhưng biển đã cuốn thuyền đi luôn nên những người vợ dần dần hóa thạch... Tôi nói ngó Nguyệt giống hệt như một trong những đầu người đàn bà vọng phu đó. Cô rót cho tôi một chung nhỏ nước vàng sánh như mật ong trong chiếc lọ mang theo. Tôi ngậm trong họng cái thứ nước nhân nhẩn đó, trợn mắt ngó cô ta. Té ra không phải rượu mà là một thứ gì gần như là nước mắm. Nguyệt rót một chung cho mình, uống rất ngon lành rồi bắt đầu câu chuyện kể. * * * Khi tôi vừa tuổi lớn, ba má gởi tôi vào học ở trường nội trú của các bà sơ ở Sàigòn. Tết và hè tôi mới được đón về quê. Trong chín anh em, không phải ai cũng được như vậy, có người là kỹ sư, bác sĩ, cũng có người đi lính hay ở nhà phụ má tôi làm sổ sách bán buôn. Dường như ba má tôi chỉ cung cấp phương tiện, còn phát triển theo hướng nào tùy sở thích của mỗi người. Tôi chỉ biết gia đình tôi rất giàu nhưng không hoang phí. Thỉnh thoảng có bạn bè rũ lắm, ba tôi mới chơi vài ván tennis cho vui. Má tôi đẹp nhưng lo làm ăn ít chưng diện. Bà nội tôi thì càng đơn giản hơn. Quần lãnh đen, áo túi trắng tay ngắn luôn có hai túi bự kẹp kim băng phồng lên những thứ không biết tiền hay giấy. Tôi còn có một bà cố lúc nào cũng bận đồ nâu như những người tu tại gia, đi ra đi vào như một cái bóng, chẳng bao giờ nói động tới ai nhưng ai cũng sợ chạm tới bà, như sợ làm vỡ đi một đồ vật cổ kính... Gia đình tôi có hai cơ sở làm nước mắm mang nhãn hiệu Hải Hương: một ở thị xã, một ở Thạch Long... Thạch Long thuở đó khá mất an ninh. Chúng tôi chỉ dám ra đây tắm biển rồi về chớ không dám ngủ lại... Từ một lúc nào không rõ, tôi mê Thạch Long. Mê như mê một chỗ ghé chân thoáng chốc tựa những hình ảnh đẹp trong cuốn phim chỉ lướt qua đôi lần trong trí não. Chẳng bao giờ tôi tưởng nổi rằng mình sẽ trãi qua một phần cuộc đời của mình ở một chốn mông muội thế này... Mười bảy tuổi, tôi sống gần như là thụ động giữa thế giới gia đình và trường học. Cả nhà đều muốn tôi học Dược hay Nha trong lúc không biết tự khi nào, tôi mê vẽ. Có lẽ những cảnh đẹp ở Thạch Long đã truyền sang tôi một khát khao muốn ghi lại chúng. Nhưng gia đình tôi và Trần không cho vẽ là một cái nghề. Trần là người yêu của tôi, con trai của một gia đình giàu có tương đương ở thị xã. Anh ấy đẹp và học giỏi như tôi. Ở Sàigòn, nếu không nói ra chắc chẳng ai biết được phương tiện giúp chúng tôi hơn được mọi người là những đồng tiền có được từ cái nghề cá mắm tanh nồng lộn mửa... Tôi kể có hơi dài dòng nhưng mà ông phải hiểu là 16 năm qua, tôi đã quá khó khăn khi hồi tưởng lại mình. Dường như đó là một con nhỏ Hải Nguyệt nào xa lạ vô cùng ở một kiếp khác... Tôi và Trần chuẩn bị sang Belgique du học, thì giữa tháng 4/1975, thị xã được giải phóng trước. Gia đình tôi di chuyển vào Sàigòn toàn bộ với đầy đủ vàng bạc hột xoàn nắm được trong tay. Chỉ còn sót lại bà cố vì bà không chịu đi. Má tôi khóc hoài vì điều đó. Gia đình Trần thì bị cướp đi một mớ khi trà trộn trong đoàn người di tản đi bộ từ Ðà Lạt trào xuống Quốc Lộ Một để kiếm đường vào Sàigòn. 30 tháng Tư, bảy mươi lăm... Sàigòn được giải phóng xong, gia tộc tôi chia làm hai phe tranh cãi dữ dội. Một nhóm do ba tôi cầm đầu, chủ trương kiếm đường đi nước ngoài. Nhóm còn lại do má tôi, tin tưởng vào một số người bà con đi tập kết về hứa sẽ không có gì trầm trọng lắm đâu, nên muốn về thị xã để sống với bà cố và cái nghề nước mắm. Rốt, gia tộc tôi phân hai. Tôi ở lại Sàigòn với ba tôi trong lúc chờ đợi kiếm ra đường dây chắc chắn. Trần rũ tôi tới trường Ðại Học ghi danh bình thường. Ở đó người ta hướng dẫn chúng tôi làm lao động và học chính trị nhiều hơn học chuyên môn. Ở đó, tôi được dạy rằng các kiểu làm giàu như gia đình tôi là một kiểu bóc lột từ mồ hôi và máu xương kẻ khác. Tôi nhận ra ít nhiều sự thật trong những lời giảng đó và điều này càng thôi thúc tôi theo ba tôi hơn... Có một cái gì đó khác nhau lớn giữa những người đàn ông đang đứng trên bục giảng và gia đình tôi. Mọi sự bất đồng ngôn ngữ cho tới nhiều đời sau, tôi tin như vậy. Vào lúc đó có nhiều người hơi mất bình tỉnh, phản ứng có phần vội vả. Tôi có những đứa bạn kết hôn vội vàng để rồi không biết sống cách nào, hai vợ chồng đặt lò chuối chiên ngồi bán hoặc bày ra những hàng cà-phê thuốc lá đầy nghẹt vĩa hè như trò chơi nhà chòi của trẻ lên năm. Má tôi đi đi về về giữa thị xã và thành phố để cung cấp những tin tức không vui. Toàn bộ cơ sở nước mắm của nhà tôi đã được quốc hữu hóa. Riêng má tôi vẫn được mời cộng tác với tư cách một chuyên viên thạo nghề nhờ lý lịch tương đối sạch sẽ với những ông em họ xa ở ngoài Bắc tập kết về. Những người làm công cho gia đình tôi trước đây cũng chia làm hai nhóm: một vẫn triệt để trung thành, lễ độ trước sao sau vậy, một thì chỉ nhăm nhăm tìm cách hất má tôi văng ra khỏi luôn những cái nhà lều. Họ cho đã đổi đời thì chủ phải xuống làm công, còn trước đây làm công cho họ phải úm ba la biến ngay làm chủ. Thái độ này của họ khiến má tôi và những người muốn ở lại quyết định đi luôn... Trần gặp tôi, tinh thần sụt dưới số không. Gia đình anh ít may mắn hơn gia đình tôi. Sau mấy đợt mất của, toan tính vượt biên bị lừa gần trắng tay, lại không có người thân ở “ngoải” về nên bị những người làm công cũ lật lọng, khinh khi, má Trần chế xăng vào người tự đốt, cháy tan hoang luôn hai dãy thùng lều. Cha tôi kéo anh về ở luôn nhà, coi như đã nhận là con, chờ ngày có chuyến cùng đi. Mùa trăng năm đó, dường như mọi chuyện đâu đó đã sẳn sàng thì má tôi vào báo mùa cá mắm năm nay trúng lắm nên chính quyền địa phương đồng ý cho ba vào đây rước một gánh hát bội về diễn cho anh em bạn chài và làm nước mắm coi : một đêm ở thị xã và một đêm ở người người Thạch Long. Với riêng gia đình tôi, đây cũng là lễ chúc thọ bà cố vừa tròn tám mươi tuổi. Lệnh của cha tôi là toàn bộ dòng họ phải về dự lễ. Tôi và Trần chuẩn bị thi học kỳ cũng được lệnh phải bỏ đó mà về. Có đến hơn cả năm tôi mới về lại quê nhà. Gia quyến chúng tôi thuê hẳn một chiếc xe đò và một chiếc xe chạy bằng than cho gánh hát. Một năm trời, tôi rất muốn về quê hương nhưng lòng nhớ quê chưa át được nỗi hãi hùng khi nghe má tôi kể về cảnh tượng ở bến xe với hàng hàng người xếp hàng mua vé, đứng ép sát vào nhau bất kể tuổi tác, gái trai... Cảnh sắc lẫn con người dọc Quốc Lộ Một đã thay đổi nhiều. Rừng lá hoang vu nay đã ấm áp làng mạc chợ trường. Nhưng toàn bộ thị xã thì quá sức tiêu điều ảm đạm. Con phố chính nhiều màu sắc nay trưng hàng loạt bảng hiệu chỉ còn hai màu vàng đỏ với những con số lạnh lùng đánh số từ Cửa Hàng Quốc Doanh Tổng Hợp Số Một đến Số Ba Mươi, nói lên một sự xuống cấp của toàn thị xã. Tất cả những điều này tôi cũng đã được học rồi. Rằng nền kinh tế phồn vinh giả tạo đã qua, nay đã đến lúc một nền kinh tế quốc dân thay thế. Tôi tự nhủ tôi thôi đùng thương cảm. Bề nào thì trong một thời gian ngắn nữa, tôi cũng sẽ ra đi... Nhưng tôi không ngờ tôi phải ra đi sớm tới như vậy. Ðêm đầu tiên về lại thị xã, trong lúc gánh hát chuẩn bị dựng sàn diễn trên cái sân mênh mang của dinh cơ trước đây thuộc gia tộc tôi, chị Hải Ðường ngoắc tôi và Trần đứng khuất sau dãy thùng lều: - Khuya mai ở Thạch Long, chúc thọ bà cố xong, trên đường về, cả nhà sẽ xuống xe ở rặng Dừa rồi chuyển sang thuyền đi thẳng. Trần run rẩy: - Khúc đó nguy hiểm lắm, ba tôi đã bị gài bắt ở đó. - Yên chí, ba chị đã mua được khúc biển đó rồi... Ðêm đó chúng tôi được xếp ở trong cái nhà kho cũ của chính mình. Tôi kêu hơi tiếc những vật mọn bỏ lại trong Sàigòn. Hải Ðường la tôi: “Tiếc gì, cả quê hương, gia sản này còn bỏ!”. Người có vẻ thư thái và hạnh phúc nhất là bà cố của tôi. Bà chuẩn bị sẵn những cái quạt nhét phong bao đỏ để lì xì nhờ tôi liệng lên sàn diễn ở những lớp mà bà khoái. Tôi rời nơi ngủ, ra với bà để đỡ căng thẳng thôi nhưng những con người đỏ xanh ngộ nghĩnh ấy bỗng cuốn tôi vào tích hát. Bà cố dẫn giải cho tôi nghe đây là tích “Ngũ biến báo phu cừu”. Người đàn bà xinh đẹp đó phải năm lần giả trang mới báo được thù chồng trên đất địch : lúc là ăn mày, lúc giả say, lúc làm huề thượng... Ðoàn có nhiều đào nên bốn cô lần lượt đóng. Bà cố chỉ cô đào đóng lớp giả cùi đi ăn xin đố tôi biết cô ấy bao nhiêu tuổi. Tôi đoán chắc trên ba mươi tuổi. Cố cho hay đó là nghệ sĩ Năm Sương năm nay đã tròn trèm gần sáu mươi tuổi. Hồi xưa cô ấy lừng lẫy một thời, bao nhiêu vương tôn công tử đón đưa, giờ nghe nói không còn ai thân thích. Vãn hát. Các diễn viên chùi sạch son phấn rồi ngồi quanh nồi cháo cá đặt ở góc sân. Cố không chịu vào nhà mà nhờ người kéo chiếc ghế dựa của cố tới nhập nhóm với những người của gánh hát đang kể cho nhau nghe những mẫu đời buồn vui sân khấu. Khi tôi mang thêm áo khoác ra cho cố, cháo đã ăn được, lửa đã gần tàn và cố đã bắt đầu kể lại cho những người bạn hát nghe quãng đời truân chuyên của cố và cũng là lần đầu tiên, tôi, đứa chắt cưng của cố được nghe. Cố kể hồi cố tới đây, mảng đất chúng tôi ngồi còn là bãi lầy chưa bồi cứng đất. Bà cố cùng với ông cố cưới nhau ở xứ Quảng, nghèo quá, bỏ vô đây mưu sinh với hai bàn tay trắng. Ông cố còng lưng đi gánh cá thuê, lượm mót đồ ươn thừa về cho bà ăn trong những ngày ở cữ. Bà cố ăn cực, không có sữa cho con, mượn tiền chủ không được, ông cố đâm liều chận đường một cô đầm giựt sợi dây chuyền bạc đem đổi sữa cho con. Lính Tây truy tầm ra tung tích kẻ cướp, cô đầm giáp mặt ông cố bỗng thấy thương, dụ ông cố về giúp việc cho cha cô trong tòa bố. Ông cố không chịu, lại lân la chơi với những anh em trong nhóm ám sát Tây. Khi con trai vừa hai tuổi, bà cố mang bầu đứa con thứ hai, cũng là lúc thị xã xôn xao tin tên Tây, cha cô đầm bị ám sát ở đầu chợ. Bọn Tây trả thù ráo riết và kết thúc ở thượng nguồn sông Cà Ty là mười ba cái đầu của anh em trong nhóm ám sát bị cắm trên những chiếc cọc nằm dọc hạ nguồn sông. Ðêm nào bà cố cũng tới đó thắp hương cho ông nhưng không cướp được đầu. Bà nguyện trên vong linh ông là sẽ nuôi hai đứa con khôn lớn thành người, sẽ dựng được một ngôi nhà trên mảng đất sình lầy đang được cắm đầu ông trên đó... Bà Năm Sương nói: - Và đời cháu của bà, không chỉ dựng được một ngôi nhà mà còn là cả một dinh cơ. Bà cố trả lời: - Cái dinh cơ này thì có hơn gì cái rương đồ của mấy bà, lúc làm ngai vàng, lúc làm đồi núi... Có còn của chúng tôi nữa đâu... Ðiều tôi muốn nói là khi không có cơm, nhà, mình cứ mơ miếng ăn, chỗ ngủ. Bây giờ, sống suốt cuộc đời tôi mới biết áo cơm tìm được không khó đâu. Khó chăng là những thứ mà vàng bạc đầy tràn vẫn không mua được, mà thiếu những cái đó thì mình cũng chẳng nên sống làm gì... Bà Năm Sương nói: - Tôi biết cái bà đang thiếu là cái gì rồi... Hai bà già đột nhiên im lặng... Trăng biển về khuya trôi hút trên cao dội xuống nhà của tôi cùng bà cố và những người hát rong nằm ngồi lổn nhổn một lớp men trắng nhờ... Tất cả hệt như cảnh và người của chiếc hòn non bộ mà ông nội tôi vẫn đặt ở vườn riêng... Tôi thấy cuộc sống mới kỳ diệu làm sao. Nếu không tình cờ mang áo khoác ra cho bà cố, làm sao tôi biết được ngày xưa, mảng đất này đã cắm đầu ông cố tôi và mười hai đồng đội, làm sao tôi biết được bằng đôi bàn tay trắng, bà tôi đã dựng nên cả một cơ đồ... Tôi nhớ tới những tờ lý lịch mà tôi cứ phải viết tới viết lui. Sau những “Họ tên, Nam nữ, Quê quán” là dòng “Thành phần gia đình”. Vài centimetre giấy làm sao người ta hiểu hết gốc gác chúng tôi, những thùng lều ngập ngụa cá muối, cặp vợ chồng từ xứ Quảng trôi dạt ra đây, tâm trạng của ông cố như thế nào khi chận đường cô đầm mắt xanh, da trắng, rồi những cọng nhang lập lòe cắm quanh đầu... Trong đêm ấy đã manh nha trong lòng tôi ý tưởng rằng tôi phải ráng tập sống độc lập như ông cố, bà cố của tôi. Cuộc đời tôi phải do chính tay tôi tạo lấy. Ðêm sau ở Thạch Long, gánh hát diễn tích “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”. Cô dào diễn vai chồn là con gái nuôi của bà Năm Sương. Lúc một người của chính quyền địa phương bước ra cám ơn gia đình tôi đã tạo điều kiện để dân Thạch Long được coi hát bội, Hải Ðường nói nhỏ vào tai tôi: - Bác của thằng cha này bán cho cha bờ biển khuya nay mình đi... Tôi khóc ngon lành lúc cô gái bị gạt mất ngọc trở lại kiếp chồn. Trần chùi nước mắt cho tôi: - Nín đi, Hải Nguyệt! Anh hứa sau này cho đến mãn đời cũng sẽ không bao giờ phụ bạc em như vậy... Buổi lễ chúc thọ của bà cố được tổ chức liền sau xuất hát. Bà cố được mặc chiếc áo gấm mới, ngồi trên chiếc ghế cẩn xà cừ đặt trong phòng. Ngoài kia là tiệc đãi các “chức sắc” trong vùng ăn uống no say. Giữa những người trong họ với nhau, bà cố có vẻ buồn, ít nói. Bà chỉ ăn sơ một muổng yến, nhắm môi một chút rượu rồi kêu mệt đòi vào trong ngủ. Ngó bà khác hẳn bà cố của đêm qua. Khác, nhưng vẫn là bà... Như năm bộ mặt của người phụ nũ trong tích tuồng đêm rồi. Có lẽ đêm nay bà thắm thía hơn cái thiếu lớn trong cuộc sống của bà. Ðiều gì đó mà bà không thể truyền được cho cháu con. Ðiều gì đó mà bạc vàng không mua nổi. Ba giờ khuya, hai chiếc xe lại đưa gia đình tôi và gánh hát về lại thị xã. Mọi sự đều đúng như sự sắp đặt của cha tôi. Chỉ có một trục trặc là khi xe chạy tới bãi Rặng Dừa, tất cả chuẩn bị xuống xe thì mọi người phát giác ra bà cố đã chết. Chủ ghe lại cương quyết không cho mang xác bà cố lên thuyền. Hơn mười lăm phút tranh cãi giữa cha tôi và nhiều người khác về việc giải quyết xác chết. Cha tôi nóng ruột cho biết sắp tới giờ đổi ca của những người tuần tra đêm trên bờ biển. Và biển chỉ được bán bởi những người ở ca này. Nhiều cách giải quyết xác chết tàn nhẩn được đưa ra. Thật dễ sợ khi tôi mới vừa được thấy những người đó tỏ lòng thương kính với cái thân xác của bà cố lúc nó còn lưu lại sự sống. Chiếc xe ọp ẹp của gánh hát vừa đi trờ tới. Cha tôi đề nghị đưa họ một số vàng để nhờ chôn giúp xác bà cố. Bà Năm Sương sốt sắng nhận lời nhưng không nhận vàng. Bà nói tôi sẽ thiêu xác bà ấy rồi đem gởi vào ngôi chùa của nghệ sĩ nghèo chúng tôi. Chi phí chắc không bao nhiêu. Hảy để chúng tôi được lo, như một cách cầu phúc cho những nghệ sĩ ở tuổi già xế bóng. Giải quyết được xác bà cố, gia tộc tôi thở phào nhẹ nhỏm, nhanh chóng xuống thuyền. Trong nỗi vui đó, mọi người không kiểm tra ai còn ai mất nên chẳng ai khám phá ra sự đào thoát của tôi, kể cả Trần. Phải, cả dòng họ nhà tôi đã thoát ra được nước ngoài trên chiếc thuyền đêm hôm đó. Trừ tôi! Tôi trốn ở phía sau xe của gánh hát, nằm cạnh những chiếc rương chứa áo quần mũ mão lông công và cái xác của bà cố tôi. Tôi nghe bà Năm Sương nói với con gái: - Ðêm qua bà ấy có nói với má là không muốn đi. Tám mươi tuổi rồi, ham chi sống thừa nơi đất khách. Bà ấy còn nói mất cả sản nghiệp, dinh cơ bà ấy không tiếc, chỉ đau một nỗi những người phá nghề sẽ làm nghề nước mắm mai một đi. Trăng soi xuống khuôn mặt thanh thản của bà cố và nỗi hãi hùng của tôi. Tôi đã quyết định một việc mà chính tôi cũng không hiểu nổi. Tôi chỉ cảm một điều: Tôi không thể ngồi chung thuyền với những người đã coi xác chết bà cố như một vật thừa. Những ngày kế đó quả là cơn ác mộng đối với tôi. Công An Thị Xã kêu tôi tới lui để tra vấn tại sao cố tôi lại chết? Tại sao tôi không đi? Cha tôi giao vàng mua bãi từ ai?.. Những câu hỏi mà tôi không tài nào trả lời được. Không ai đánh tôi nhưng tinh thần tôi sa sút trầm trọng. Tôi nghĩ tôi đâu có lỗi gì khi quyết định ở lại. Có lẽ nhờ tôi nghĩ tới cố tôi, nên tôi níu được mình bình tĩnh lại. Gánh hát bội nghe nói cũng gặp rắc rối. Bà Năm Sương không đem được cái xác cố tôi về chùa như đã hứa vì Quảng Nam Ðồng Châu Tương Tế Hội xin chánh quyền địa phương cho chôn xác bà cố tôi ở ngọn đồi Mã Lạng, ngó xuống bờ biển Hải Ngọc, với lý do ông tôi là người sáng lập ra hội này. Bên ngoài thì tung nhiều tin dữ về chuyến đi của gia tộc tôi. Họ đồn khám nghiệm tử thi bà cố tôi thấy có chất độc trong bao tử. Họ cho là đám con cháu đã cho bà uống thuốc độc để nhẹ nhàng bỏ nước ra đi. Họ tưởng tượng ra tôi mê một anh du kích nên không chịu xuống thuyền. Ra khỏi đồn Công An, tôi tới cám ơn những ông già bạn lều ở Hội Ðồng Châu Quảng Nam. Xong, lên đồi thắp nhang cho bà cố rồi đi đường tắt băng qua những bụi xương rồng đổ xuống Quốc Lộ Một đón xe. Công An Thị Xã gởi giấy vào trường cho biết tôi cùng gia đình mưu toan vượt biên nhưng bị lạc lại... Anh Bí Thư Ðoàn Trường bắt tôi viết kiểm điểm nhiều lần rồi mới đề nghị nhà trường cho vô học lại. Tới lần viết thứ năm, tôi bỏ trường đi luôn. Không phải vì giận hờn gì anh ấy mà vì tôi đã có một kế hoạch riêng. Tôi là chắt của bà cố tôi. Chắt của một ông cố bị chặt đầu bêu lên cọc cắm ở cửa sông. Tôi là con, cháu của một gia tộc nổi tiếng về nghề nước mắm mà bà cố tôi đã tay trắng gây nên. Tôi không muốn nghề này mai một. Những năm tháng kế đó với tôi thật là gay go. Thật ra nếu tôi chịu xòe tay đi mượn tiền thì sẽ có người cho mượn vì ai cũng tin thế nào gia đình tôi cũng sẽ gởi tiền về cho tôi trả, nhưng tôi đã không làm điều đó. Khi quyết định ở lại, tôi cũng đã quyết định không xử dụng đồng tiền của những người ra đi. Ðiều tôi thích nhất - và cho mãi đến bây giờ tôi vẫn không ân hận về quyết định không đi - đó là việc tôi đã được sống cái đời sống riêng của chính tôi. Trong lúc kiếm sống cho mình, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp những người bạn hoặc giúp việc cũ cho gia đình tôi. Họ than thở về những người quản lý mới không thạo nghề nên đã làm hư đi nghề nước mắm. Và họ đã hoàn toàn không dấu diếm một chút gì hết khi truyền cho tôi những bí quyết trong cách thức pha trộn cá muối sao cho ra nước mắm ngon. Ngay cả những người ngày xưa là đối thủ của cha tôi. Ðụng độ phải những người xộc vào nghề chỉ vì lợi riêng, họ buồn chán buông nghề. Họ không tin tưởng nổi sẽ có lúc ở tỉnh này, nghề nước mắm hồi sinh lại với tất cả sự kiêu hãnh về chất lượng của nó... Và đó là lý do khiến ông được gặp tôi ở đất này cũng như ở gian hàng hội chợ. Tôi đã chọn Thạch Long là nơi bắt đầu lại và chức vụ đầu tiên của tôi ở Hợp Tác Xã Nước Mắm này là một cô gái xúc chai. Phải, tôi chọn nơi đây, mặc dầu đã có những người nắm được súng trong tay ở vùng này đã sẳn sàng bán biển nhưng tôi tin đó chỉ là số người rất ít trong giai đoạn giao thời. Ở cái vùng hoang dã này, số người nghèo, ít học nhưng giàu lòng tự trọng sẽ nhiều hơn. Họ sống gần biển và trăng, họ biết chim trời cá nước thì mênh mang không là của riêng ai để mưu toan vơ vét làm của riêng. Hơn mười năm nay tôi sống với họ và tôi đã không thất vọng. Những năm sau này, cả Tỉnh UƯy cũng phải nhận ra, chỉ có nước mắm do Hợp Tác Xã của tôi làm ra là còn giữ được mùi vị độc đáo của ngày xưa... Cái ly nước hồi nãy ông uống là một loại nước mắm cốt đặc biệt gọi là nước nhĩ nhứt mà những ông già sinh tử với biển sáng nào cũng uống chút xíu mới có sức chống chỏi với bão tố ở khơi xa... Nào, uống với tôi một chút nữa, ông mới có thể ngủ yên nếu trời trở gió đêm nay... * * * Hải Nguyệt rót cho tôi thêm một chung. Tôi uống cạn. Và lần này tôi thấy ngon. Gió biển bắt đầu thổi mạnh... Hải Nguyệt chỉ cho tôi thấy những đồi cát ở phía Tây của khu dân cư như những người đàn bà khổng lồ nằm khỏa thân đang bắt đầu di chuyển. Tôi có được xem những bức ảnh về đồi cát Thạch Long này đoạt giải thưởng quốc tế ở những năm về trước... Rồi bỗng cảm thấy có điều gì giống nhau giữa cô gái ngồi cạnh tôi và những đồi cát nằm kia... Sau một câu chuyện dài đã kể, cô gái ngồi yên bất động nhưng rõ ràng đang có một cái gì đó chuyển động mạnh trong cô. Trước đây, chính quyền ở Thị xã cho tôi biết cô Phó Chủ Nhiệm Hợp Tác Xã Nước Mắm ở Thạch Long này hoàn toàn không muốn tiếp xúc với báo chí và những người nghe đồn, muốn viết về cô. Thế tại sao hôm nay cô chịu ngồi đây kể hết mọi sự với tôi... Dường như đọc được thắc mắc đó trong mắt tôi, Hải Nguyệt chậm rãi nói: - Hai mươi năm qua, tôi đã sống như vậy. Không gia đình. Không người yêu. Chỉ có công việc và công việc. Mà công việc thì đến hôm nay tương đối tôi đã hoàn thành. Tôi đã đào tạo được một số người có thể thay tôi làm được. Tôi để dành được một số tiền do công sức của chính tôi. Tôi cũng bị ít nhiều thương tổn do cuộc sống ma sát tạo nên nhưng tôi đã nhận được nhiều hơn là mất. và tự dưng bây giờ tôi bắt đầu thắm thía hơn nỗi buồn của bà cố tôi trong đêm chúc thọ, một nỗi buồn mà không quyền lực, bạc vàng nào xóa nổi... Cuộc sống tôi đến hôm nay có lẽ đã đủ rồi... - Ðủ? Nghĩa là sao? Cô nói như một người chuẩn bị bay về trời. Nhưng cái trời cô sắp đến là chốn nào? Về thị xã? Vào thành phố? Hay về hội nhập với cái gia đình cũ của mình? Xin lỗi cô vì quá tò mò... Nhưng vì cô đã lỡ chọn tôi làm nhân chứng. - Ông nghĩ gì mà xa xôi quá vậy? Sao không nghĩ rằng trời cũng có thể là gộp đá dưới kia. hay một cõi khác!. Cõi khác! Tôi bắt đầu nghe ớn lạnh vì gió chiều. Cái cô gái lạ thường này dám nhảy xuống biển chớ chẳng chơi. Lại đọc được nỗi sợ hãi trong mắt tôi, Hải Nguyệt buông rất khẽ: - Tôi muốn vẽ!. * Lần sau, có dịp trở ra Thạch Long lần thứ hai, tôi không có cách nào dò tìm ra tông tích Hải Nguyệt. Người ta trả lời về cô rất mơ hồ. Xin nghỉ làm rồi. Có hỏi đi đâu, cô chỉ cười không nói, kêu đừng ép sẽ nói dối. Về thị xã, hỏi thăm của đường đi tới ngôi mộ bà cố nhà Hải Hương, tôi chưa kịp mừng rỡ vì thấy những cọng nhang cháy đỏ cạnh hoa tươi trên mộ, thì bọn trẻ chăn trâu gần đó đã cho hay chắt của bà Trần thị Ngãi này có cho tụi em một số tiền để một tuần thắp nhang cho cụ ấy một lần... Ngồi lại một mình trên ngọn đồi trộn lộn mồ mã xương rồng ngó mông ra biển, sao bỗợng dưng tôi lại buồn bã thế này? Tôi không thể tưởng tượng hình ảnh nào về Hải Nguyệt khác hơn là cô đang vẽ. Còn tôi, bây giờ đến lượt tôi là người thấy một nỗi thiếu lớn lao trong cuộc đời mình hay sao? Tôi đã làm gì cuộc đời của tôi? Tôi, một tiến sĩ chuyên nghiên cứu về những việc lớn lao trong vũ trụ nhưng tôi đã hiểu hết chưa, chính con người mình. Khi tham gia những cuộc biểu tình bên ấy và quyết định bỏ hết về đây “phụng sự đất nước”, tôi có vì một khát vọng thật sự của mình hay vì môi trường xung quanh đã tạo cho tôi một niềm ngụy tín. Và điều quan trọng nhất, tôi đã đóng góp gì cho quê hương thiết thực như những điều Hải Nguyệt đã làm, hay vì quá mệt mỏi bởi những điều phiền toái không lường trước được quanh tôi, tôi đã chạy trốn chúng bằng cách lao vào những công trình nghiên cứu khá viễn vông so với đất nước này. Ðóm nhang trên mộ rực đỏ hơn khi bóng chiều sắp tắt. Tôi tìm ra cái ngõ tắt băng ngang qua những bụi xương rồng, đổ xuống Quốc Lộ Một đón xe. Một ngày nào đó, Hải Nguyệt đã ngộ được khát vọng sống từ câu chuyện kể có đóm nhang bà cố cô thắp cạnh đầu người chồng cắm trên mảng bùn chưa cứng đất, từ những bụi xương rồng lởm chởm gai chông, từ những thùng lều sặc sụa cá tanh, từ biển cả muôn đời im lặng, từ trăng trên cao kia phả niềm cô quạnh của nó xuống đời thường. Còn tôi, tôi ngộ được mọi sự từ cô... Tôi ngoắc được một chiếc xe ọp ẹp đốt bằng lửa than. Tên lơ tống tôi ngồi giữa những quang gánh tanh nồng. Thôi mặc kệ chiếc cặp dầy cứng những công trình nghiên cứu của tôi còn nằm ở Ủy Ban Nhân Dân Thị Xã. Lập lòe hai bên Quốc Lộ những ngọn đèn đầm ấm nhà ai. Lập lòe trong trí não tôi những phác thảo của một công trình mới, hy vọng là sẽ thiết thực hơn những điều tôi vừa mới quyết định vứt đi. Hải Nguyệt, mong có một dịp nào đó tôi sẽ được coi phòng triễn lãm của cô. Nhưng điều tôi còn mong hơn nữa, là cô phải có người yêu. Dù thời gian qua, khi quyết định tự tạo ra cuộc sống của mình, cô đã chống chọi được với những bão tố cuộc đời bào mòn, vùi dập, dù cô lúc nào cũng như bước ra từ một giấc mơ lạ, cô vẫn là một người phụ nữ... Ðàn ông thì sống vì công việc. Còn cô, Hải Nguyệt, cô vẫn là người nữ với tất cả ý nghĩa đẹp đẽ nhất của nó, mà tôi đã được gặp, dù cô có biến đổi bao nhiêu bộ mặt để thực hiện khát vọng sống của mình... 1993 Tags: truyentanggiodc Edit Tags Friday December 28, 2007 - 09:43pm (ICT) Edit Delete Next Post: Entry for December 28, 2007 Previous Post: Entry for December 28, 2007 Comments(2 total) Post a Comment Trang Offline Em đọc truyện này trên Văn nghệ Quân đội hồi năm 1993 chị ạ, thấy cũng đáng nhớ, nên khi có phim em vội vã đi xem ngay. Nhưng có lẽ phim không so được với truyện :-D Friday December 28, 2007 - 09:55pm (ICT) Remove Comment Ngày … Offline hình như phim hơi khác nhiều so với truyện fải ko cô? dù sao thì đọc truyện con thấy vẫn có gì đó hay hơn là mình ngồi xem phim cô ạ! Friday December 28, 2007 - 11:15pm (ICT) Remove Comment Compose a comment for this postComment: |
Labels: Truyen Hai Nguyet
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home