Monday, July 13, 2009

tỷ lệ thất nghiệp ở California

Entry for March 13, 2009
Có một thời California nổi tiếng là nơi đất lành chim đậu. Nhà cửa tuy có đắt đỏ hơn ở những nơi khác, nhưng người ta khi di dân vẫn cứ muốn đổ về đó, một nơi thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Khí hậu mát mẻ, việc làm dễ kiếm, thiên nhiên có biển, có núi, có sông, con người đến từ tứ xứ sống với nhau dễ dãi, dễ dàng… Bởi thế, dân số tiểu bang này đã lên đến gần 37 triệu, chiếm tỷ lệ đến 12% dân số nước Mỹ. Chỉ trong 7 năm mà dân số tăng đến gần 8%. Thế nhưng ngày nay nhiều người đang lặng lẽ đi tìm đất sống ở những nơi khác. Ngay cả sinh viên cũng đang tìm cách lánh nạn qua các tiểu bang ở phía nam. Dĩ nhiên, số người ra đi này còn nhỏ, và chẳng làm thay đổi tình trang dân số và lao động ở tiểu bang này bao nhiêu. Theo thống kê được đưa ra tuần qua tỷ lệ thất nghiệp ở California lên đến 10.1% trong tháng Giêng.

Con số thất nghiệp là con số có thể nói lên tất cả, từ tình hình kinh tế, sản xuất, mua bán, dịch vụ, cho đến sự an toàn, an ninh trong xã hội, và gánh nặng chính phủ phải ôm lấy đối với những thành phấn bất hạnh mặt này hay mặt khác trong xã hội.

Khi người ta không còn làm ăn gì mấy, đương nhiên số người thất nghiệp phải gia tăng, số người mất việc gia tăng thì người ta lại càng không mua xe, mua nhà, mua áo quần, không mua sắm, và do đó kinh tế càng đi xuống. Con số tỷ lệ thất nghiệp 10.1% chỉ mới là ghi nhận hiện nay, so với con số 8.7% tháng 12, hay so với con số 7.6% tính trung bình trên cả nước. Trong tháng giêng mà thôi, cái tiểu bang vàng này đã mất 79.300 công việc, tổng số người thất nghiệp lên đến 1.863.000, tỷ lệ thất nghiệp 10.1% là mức cao nhất kể từ tháng sáu năm 1983, tỷ lệ thất nghiệp vào thời điểm đó là 10.4%, khi nền kinh tế của nước Mỹ bắt đầu phục hồi từ thời suy thoái của Jimmy Carter kéo dài. Nạn thất nghiệp nay đang đụng đến ngành điện ảnh và thu âm, mất 22.300 công việc, bán lẻ 15.100, dịch vụ giáo dục và y tế 7.000, và ngành khách sạn, ăn uống và giải trí 4.100.

Tình hình Cali xấu hơn so với cả nước, tình hình Los Angeles và nam Cali xấu hơn so với cả Cali. Tỷ lệ thất nghiệp ở L.A. đã tăng từ 9.2% trong tháng 12 lên 10.5% trong tháng giêng. Trong năm ngoái, L.A. County mất thuần 41.900 công việc, phần lớn trong ngành bán lẻ, xây cất, và kỹ nghệ chế biến. Trong tháng Giêng vừa qua, bán lẻ mất 15.100, kỹ nghệ mất 6.800 và xây cất 4.800. Người ta tính rằng trong năm nay L.A. sẽ mất thêm 89.000 công việc, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ đến mức 11.1%. Orange County năm ngoái mất 41.400 việc làm, và ở đây thất nghiệp có thể lên đến 7.3% là mức cao nhất trong 16 năm nay. Nên lưu ý rằng ở O.C., con số người làm việc và không làm việc ngoài sự kiểm soát là khá lớn.

Nay chúng ta cần nhìn xa hơn một tí. Chính quyền Obama của liên bang cũng như chính quyền Schwarzenegger đã áp dụng một loạt biện pháp cứu chữa, nhưng phá thì dễ, xây thì khó, sống hoang đàng để mang vào người bao nhiêu thứ bệnh thì nhanh, nhưng khi đã vào cấp cứu để cho được ổn thỏa thì không thể nhanh chóng về nhà được, trừ phi không có bảo hiểm. Thị trường nhà cửa, kỹ nghệ ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm ngành xe hơi… tất cả đều rối rắm. Cho nên người ta cho rằng nạn thất nghiệp sẽ kéo dài, và tiếp tục gia tăng từ nay cho đến cuối năm – cho đến khi người ta thấy kinh tế có thể phục hồi một cách vững chắc mới có thể mướn người trở lại.

Người ta cũng cần nhìn sâu hơn. Những con số thất nghiệp đó chỉ là những con số biểu kiến. Những người thất nghiệp có khai báo. Có những người thất nghiệp không khai báo và cũng chán nản không kiếm việc làm. Một phần người ta làm việc quen không khai báo cho nên khi nghỉ việc cũng chẳng báo ai. Và con số thất nghiệp trong hơn 2 triệu người di dân không hợp pháp, trong số người dân sống trong khu vực nông nghiệp là bao nhiêu. Ở California, nạn thất nghiệp trá hình được xem là cao hơn ở những tiểu bang khác.

Bao nhiêu Nadya?

Ở Cali, nạn thất nghiệp trá hình được xem là cao hơn ở những nơi khác là vì nạn trá hình để hưởng phúc lợi cũng đứng hàng đầu trên nước Mỹ. California dân số da đen chỉ vào khoảng 6.7% tổng dân số tiểu bang, nhưng người Mỹ gốc Latino chiếm đến 36.2%. Người Á Châu cũng có tỷ lệ 12.4%. Ba giống dân này cộng lại vào khoảng 55%. Số người trên 65 tuổi là 11%, số người dưới 18 tuổi 25.7% và số phụ nữ chiếm một nửa dân số. Theo thống kê, lợi tức gia đình trung vị là gần $60 ngàn, nhưng lợi tức bằng tiền theo đầu người chỉ có $22.711. Người Cali đang khốn đốn vì nạn nhà cửa bị kéo. Số người đang sống nhờ nhà của chính phủ trợ cấp cũng không nhỏ – trong đó không ít thành phần con cái cho cha mẹ già ly khai để có nhà. Những con số này khi suy luận có thể cho thấy số người không đi làm là bao nhiêu và số người nhận trợ cấp xã hội là bao nhiêu.

Theo một tài liệu nghiên cứu của Đại học Stanford, có đến một phần ba trong tổng số các gia đình ở Cali, hay vào khoảng 4.5 triệu gia đình, đang nhận sự giúp đỡ hoặc mặt này hay mặt khác của chính phủ. Trong số này không tính đến những người đã về hưu nhận an sinh xã hội. Đến ¼ các gia đình trong tiểu bang “tham gia” vào những chương trình phúc lợi chủ yếu của tiêu bang như Trợ giúp gia đình có con lệ thuộc (Aid to Families with Dependent Children), Tem phiếu thực phẩm, Lợi tức an sinh bổ túc (Supplemental Security Income) và Medi-Cal (Medicaid của Cali).

Theo báo cáo mới nhất thì ở L.A. County, với tổng dân số khoảng 2.2 triệu người, có năm người thì có một người ăn welfare, và con số này sẽ tăng nhanh trong năm nay khi suy thoái càng thêm trầm trọng. Thật ra tỷ lệ này đã từng có vào lúc cao điểm của cuộc suy thoái những năm 2001-2003, chỉ có điều nó có thể sớm đi đến mức 1:3.8 hay 1:3.5. Số tiền bỏ ra cho những thành phần này, từ ngân sách địa phương, tiểu bang và liên bang, lên đến 334 triệu trong tháng Chạp, và có thể đến cả 500 triệu trong tháng Giêng vừa qua.

Nguyên tắc cứu trợ là người được trợ giúp không còn khả năng gì, đã dùng hết tiền trợ cấp thất nghiệp, trong tài khoản vãng lai của ngân hàng cũng đã cạn, tài khoản tiết kiệm không có. Hay những người làm việc lương thấp quá, hay bị cắt giờ khiến cho phải xin Medicaid hay Food stamps để tiếp tục sống.

Người đi xin càng ngày càng đông. Ngân quỹ của nhà nước ngày càng cạn. Cho nên người ta chỉ có thể dành ưu tiên cho những người khốn cùng nhất. Bởi vậy mà người ta thấy phát khùng khi vào một buổi đẹp trời, bỗng nhiên họ thấy cô Nadya Suleman 33 tuổi xuất hiện với một đàn con dại 14 đứa, 6 đứa 5 tuổi, tám đứa có lẽ chưa đến hai tháng, 33 tuổi mà đã tay bế tay bồng 14 đứa, để xin trợ cấp nhà, trợ cấp thực phẩm, trợ cấp y tế, sau khi cô đã bác bỏ một lời đề nghị mời cô đóng phim với giá một triệu đồng đô-la, mặc dù cô luôn luôn cho rằng nhan sắc và vẻ yêu kiều của cô chẳng thua gì nữ tài tử Angelina Jolie trong phim Changelin. Người dân Cali đang la lên cũng phải!

Hoàng Ngọc Nguyên-Việt Tribune
Tags: | Edit Tags



Friday March 13, 2009 - 09:58pm (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for March 21, 2009

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home