Monday, July 13, 2009

Bất Tận Niềm Đau, Bất Tận Sẻ Chia.

Entry for February 22, 2009
(Tranh Nguyễn Trung vẽ nhà văn Trang Thế Hy)


Bất Tận Niềm Đau, Bất Tận Sẻ Chia.


Những cánh đồng tiếp nối cánh đồng. Những nông dân lầm lủi trên đó bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Những bầy vịt quang quác kêu chiều. Những con thuyền đơn lẻ phiêu dạt theo dòng. Những sông nước mênh mang lục bình trôi liu ríu. Những đứa trẻ níu bẹ cau khô tập bơi, nhảy ùm vào dòng sông, nhảy tiếp vào định mệnh mờ mịt tương lai của cha mẹ chúng. Cũng có những đứa bé may mắn được cắp sách đến trường, ánh sáng tri thức sẽ giúp chúng vượt thoát bóng tối đêm trường mông muội của cái ác, cái nghèo cùng sự dốt nát. Có những đứa trẻ trở lại cánh đồng, cày xới nó bằng tri thức mới. Cũng khá nhiều đứa trẻ đi luôn, nhập vào dòng cuốn khác của đô thị, trở nên những con người dững dưng hơn với nổi vui, niềm đau của chung quanh như nhiều người lớn khác. Và những cánh đồng vẫn còn đó, cùng với bình minh, lên, hoàng hôn xuống, dĩ nhiên sẽ phôi pha ít nhiều mông muội, nhưng cái ác đôi khi chỉ biến thể sang dạng khác, dày đặc,vây bủa cuộc sống những người nông dân lẽ ra phải được hạnh phúc hơn. Thi thoảng được ghé mặt vào những cuốn phim, vở tuồng nào đó họ thấy cuộc sống xa lạ của những ông hoàng, bà chúa, những cô cậu tuổi “teen” tung tăng hưởng thụ vui chơi dường như đến từ một hành tinh nào khác, hình ảnh của họ nếu có được nhái lại thì hoặc bị đem ra giễu cợt, hoặc là một hiện thực né tránh đi cái gọi là phê phán, và thường là không nói hết những niềm đau, nổi cô đơn của họ, những con người ít chữ để tự diễn tả mình.

Khi “Cánh Đồng Bất Tận” và nhiều truyện ngắn khác của Nguyễn Ngọc Tư ra đời, ít nhiều cô đã nói lên được phần nào những phần hồn chìm khuất của các nông dân quanh cô như vẽ lại hình ảnh của những thân nhân mình bằng tiếng nói của người trong cuộc. Dĩ nhiên, cô không phải là người đầu tiên làm điều đó nhưng có vẻ như cô là người bển bỉ, chung thủy nhất với công việc như một trách nhiệm tự phong này. Những câu chuyện của Tư lan tỏa đánh động đến nhiều người. Đạo diễn Minh Nguyệt không phải là người độc nhất muốn chuyển câu chuyện đau nhức lương tâm người đọc này sang tác phẩm sân khấu hay điện ảnh. Nhưng đi đầu và đi đến cùng khát vọng muốn sẻ chia của mình, hiện nay chỉ có chị. Đó là điểm son đầu tiên không những cho chị mà còn cho những người góp tay vào cho việc hình thành tác phẩm sân khấu “Cánh Đồng Bất Tận”. Những khuyết điểm nào đó tất nhiên sẽ có, theo tôi, chỉ là những chấm phá vô cùng nhỏ so với việc những con người nhiệt tình với sân khấu lẫn cuộc đời này đang lao vào vị thế tiên phong.

Có bốn người phụ nữ được khắc họa ở đây. Một người mẹ bất nhơn khi bỏ hai con thơ chạy theo cái phù ảo của sắc màu phố chợ, và bất nghĩa với người chồng là người giúp mình một lần nữa tái sanh. Một cô điếm sống chưa hết tuổi thơ của mình, chưa đủ trang bị các tri thức như Thúy Kiều đã phải bị sang tay vọc vầy bởi những người đàn ông đôi khi đáng tuổi cha, ông.Một thiếu phụ hết bị chồng lừa đến trai gạt, đứng chơ vơ bên bến sống chỉ có dòng sông thê thiết chảy là chung thủy với mình. Và đứa con gái tội tình bị mẹ bỏ, cha lạnh bạc, dần dà lớn lên, cuối truyện Tư, nó bị hảm hiếp bởi một tập thể vô danh trước đôi mắt ứa máu lệ của cha mình, cuối vở của Nguyệt, bằng những miếng vỏ học mót từ cha nó đã tự giải vây rồi đau đớn ôm người cha lìa đời với vết chém xả trên lưng và nổi hối hận muộn mằn của ông. Thanh Thủy, Cát Phượng (trong hai vai người mẹ và con gái) và cả Kim Ngọc đã làm tròn vai trò mà đạo diễn đã phân cho mình.

Nhưng đậm chất Nam Bộ “nói ít, làm nhiều” nhất trong vở này lại là vai người cha do Khánh Hoàng thủ diễn. Có lẽ vì không như với những nhân vật khác, Minh Nguyệt đã tước khá nhiều những lời nói và tiếng kêu thét của nhân vật này. Nổi cô đơn lẫn những chấn thương tinh thần dễ vơi đi khá nhiều khi bạn cho thoát ra bằng các lổ hổng trên cơ thể mình, nhất là bằng đường miệng. Còn nhớ khi truyện của Tư ra đời, nhiều nam nhơn bất bình cho là người nông dân vùng đất này đâu có “ác” tới như vậy, họa có là tới từ nơi khác. Trong vở này sự lấn cấn đó đã phần nào khắc phục được.

Cũng vì cá tính Miền Nam gắn bó với nổi cô đơn của các nhân vật Nam Bộ của Nguyễn Ngọc Tư nên điều mà Minh Nguyệt tâm đắc nhất, với tôi, lại là phần xa lạ với truyện gốc nhất. Đó là khi Nguyệt cho ba phần linh hồn của ba nhân vật chánh đối diện và đối thoại trong sâu thẳm tâm can. Kỷ thuật thể hiện cũng thấy rõ nét vụng nơi đây, cái phần xác đã la thét, tát tai, cấu xé nhau thì khi là phần hồn, choàng thêm mấy chiếc áo khoác ngoài, họ lại hừng hực lao vào nhau, tát, hét.

Còn ít nhiều điều đáng tiếc nữa, như những phông hậu đẹp chiếu hình các khúc sông bất động nhưng dường như khán giả vẫn thích ít nhiều lao xao gợn nước mà một vài cây đèn có thể làm được để tạo cảm giác sự chuyển động bất tận của dòng sông và cũng là dòng sống. Hình ảnh quá đẹp và tốt của cô điếm suốt vở kịch khiến hành động dùng “vốn tự có” của mình, đổi trao với bọn kiểm dịch “súc vật hơn súc vật” để cứu đàn vịt của cô điếm đã giảm đi kịch tính. Tiếng kêu của những bầy vịt có cất lên nhiều chỗ những thiếu những đặc tả về nổi cô đơn của hai đứa trẻ khi đành phải trò chuyện với vịt thay người như trong truyện. Những người soát vé bận bà ba đen và quàng khăn rằn với hảo ý tạo tâm thế vào vở cho khán giả nhưng ở đây lại không thuận với cá tính phóng khoáng, ghét đồng phục của cư dân miệt vườn.

Xem vở xong, khá là khó tiếp cận được đạo diễn vì điện thoại cô bận liên tục. Biết tôi định ghi lại vài nhận xét, Minh Nguyệt dặn mọi chuyện từ từ thôi. Hiểu được bạn mình đã khó khăn như thế nào để có thể tạm ngưng việc kinh doanh, vượt qua sức khỏe bất thường để mười năm ra một vở, tôi nhắc lại với Nguyệt một câu thoại trong vở “Chuông đồng hồ điện Kremlin” của ông thợ sửa đồng hồ: “ Con sư tử đẻ một con, nhưng khác với loài chó, đó là Một Con Sư Tử”. Có thể vở diễn này chưa phải là một con sư tử nhưng giữa những tác phẩm hào nhoáng về những đề tài khác, khi mang những người nông dân với những nổi đau và sự cô đơn bất tận của họ lên sân khấu, rất trân trọng sự sẻ chia của cả nhóm cùng đạo diễn Minh Nguyệt khi đã làm nên tác phẩm này.

Nguyễn Thị Minh Ngọc

Tags: | Edit Tags



Sunday February 22, 2009 - 04:09pm (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for March 02, 2009

Comments(4 total) Post a CommentNgày … Offline lạ thiệt, bài này của cô khi lên báo lại bị cắt bớt những đoạn hay nhất.

Monday March 2, 2009 - 12:23am (ICT) Remove Comment
Ngày … Offline àh cô, cô cho con xin bài viết này đem về blog nhé, chờ sự đồng ý của cô.

:)

Monday March 2, 2009 - 12:27am (ICT) Remove Comment
8Fieu Offline cu mang di thoai mai

Monday March 2, 2009 - 12:35am (ICT) Remove Comment
Ngày … Offline em cám ơn cô nhé!

Monday March 2, 2009 - 12:43am (ICT) Remove Comment

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home