Chuyện lạ về Benjamin Button
Entry for February 03, 2009
Thứ bảy này mới đi xem cùng chồng.
Chuyện lạ về Benjamin Button
The Curious Case of Benjamin Button
Cao Thanh Tùng
Tác giả văn học của chuỵện lạ nầy là Scott Fitzgerald. Nhân vật chính là Benjamin Button sinh ra là một đứa bé nhưng hình thù, da dẻ, tóc tai như của một lão già tám mươi. Lớn lên, cùng với thời gian trôi về phía trước, nhân vật nầy đi ngược lại, từ già đến trẻ bên ngoài thân xác. Song song với ngoại hình ấy, tâm lý, kiến thức, ý chí, phê phán..bên trong lại phát triển bình thường – từ trẻ đến già – như từ một đứa bé tiến lên trưởng thành, rồi quên trước quên sau, rồi không nhớ gì hết. Rồi..hết chuyện. Francis Scott Key Fitzgerald (1896-1940) là nhà văn Mỹ thế kỷ qua mà học sinh trung học lẫn đại học đều biết The Great Getsby (Getsby hào phóng) hoặc đã được học qua hay phân tích qua trong những giờ văn chương tại lớp.
Brad Pitt trong phim THE CURIOUS CASE OF BENJAMIN BUTTON.
Cần mở một dấu ngoặc, The Great Getsby được văn hào Ernest Hemingway rất ngưỡng mộ. Cả hai nhà văn đều thuộc thời kỳ sau đệ nhất thế chiến, nước Mỹ những năm hai mươi thịnh vượng, giàu có. Cả hai đều thuộc “Thời kỳ nhạc Jazz” và cùng thuộc “Thế hệ thất lạc” (The lost generation) – từ ngữ mà đời sau dùng để hình dung tư tưởng của hai ông. Đó là thế hệ bỗng trở thành hoặc chứng kiến cái giàu khủng khiếp của một xã hội hoặc một số người coi tiền bạc, vật chất là trên hết. Những con người trong xã hội đó cư xử với nhau không bằng đạo đức hay tinh thần. Kẻ bàng quan được dạy: Nên tránh phê phán con người (đừng nói phê phán bằng bề ngoài). Cái đó đưa tới những phiền toái không tránh. The Great Getsby thật giàu có và hào phóng như thế (mỗi tuần tổ chức pạc-ty mời hàng trăm mạng), mà sau khi bị bắn chết, đi đưa đám chỉ có ngoài gia nhân còn một người khách tên “Mắt cú vọ”, và ông bố mang theo trong mình quyển sổ ghi những dự tính cũng như tham vọng của con người hào phóng.
Nay đạo diễn David Fincher dựa trên truyện phim của Eric Roth viết lại câu chuyện ngắn của Scott Fizgerald (xuất bản năm 1921), quay The Curious Case of Benjamin Button thành phim dài 2 giờ 47 phút. Eric Roth đã từng viết truyện phim Forrest Gump (1994) mang một Oscar đến cho Tom Hanks.
Chiều ngược. Hài nhi Benjamin Button chào đời thì mẹ chết vài phút sau đó. Cha ôm đứa con quái dị (da thịt, mặt mũi, tóc tai như của ông già 80) đem vất dưới cùng thang gác khu nhà dưỡng lão ở New Orleans. Thiếu nữ da đen tên Queenie (Taraji P. Henson) đang từ giã bạn trai cùng đi thăm một bệnh nhân, trông thấy đứa bé, bản năng làm mẹ khiến cô ôm về nuôi. Lớn lên, Benjamin trẻ dần! Từ ngồi xe lăn, anh ta đứng dậy được, chống gậy bước đi, rồi bỏ đôi gậy gỗ, rồi quen một chủ tàu (Jared Harris), rồi theo cha nầy đi nhậu, chơi gái lần đầu tiên. Lúc ấy trong người anh ta là một cậu trai 17. Anh ta (ngoại hình là ông già 60) ôm bị lên đường đến với thế giới, tới tận nước Nga. Một người con gái nhỏ xinh đẹp bịn rịn chào anh. Đó là Daisy. Thanh niên 17 trong thân xác 60 ấy chứng kiến mặt trận trên biển tàn khốc giết chết người bạn thuyền trưởng của anh ta. Anh ta trở về, gặp lại người xưa nay đã trở thành người con gái tuyệt đẹp, vũ công ba-lê, sống đời nghệ sĩ buông thả (Cate Blanchett) rồi gặp nạn đụng xe đến không thể múa được nữa. Nhưng lòng nhân hậu và thủy chung của anh khiến người đẹp cảm động. Mối tình dai dẳng với năm tháng. Nàng ngày một đậm nét thời gian, chàng ngày một trẻ ra. Họ khác nhau và xa nhau dần. Cho tới một ngày nàng té dưới thang gác, trụy thai, đứa nhỏ sinh ra là một bé gái tên Caroline. May mà mẹ con không hề hấn.
Chiều xuôi. Ở đầu phim, người con gái Caroline (Julia Ormond) ấy đọc một quyển nhật ký chính tay Benjamin Button viết, cho mẹ nghe trên giường bệnh. Bà bây giờ là một người già, chờ chết. Bên ngoài là cơn bão Katrina đang hoành hành. Thỉnh thoảng bà lầu bầu: “Đó là chàng. Chàng yêu ta. Đó là cha của con.” Người cha ấy trên màn ảnh, đầu tiên là một cậu bé quay lưng: “Tôi không nhớ gì hết.” Sau cùng là một bê bi (lần nầy không cổ quái như lúc sinh ra) trong tay bà Daisy già, đôi mắt thơ dại như nhìn ra nàng rồi vĩnh viễn nhắm mắt.
Tất cả chúng ta đều quên nhiều, rồi quên hết ở tuổi già? Rồi vĩnh viễn ra đi như một đứa bé mới sinh? Có lẽ đó là chi tiết thú vị nhất khiến cho Scott Fitzgerald tưởng tượng một con người đi ngược thời gian so với chiều bình thường của mọi người. Ngược hay xuôi gì, ở đoạn cuối chúng ta “lên đường”, quên hết mọi sự! Như một đứa con nít! Chỉ còn đoạn giữa – đoạn của tình yêu và sự nghiệp – là còn để lại vài điều đáng nhớ cho con cháu. Đáng nhớ? Chúng nó cũng không thèm nhớ, không cần nhớ nốt! Nhưng giữa chúng ta, có một “bê bi nhìn tôi như nhận ra một cái gì”, rồi vĩnh viễn ra đi. Bên ngoài Katrina đang lên cơn thịnh nộ. Bệnh viện báo động, nhân viên và bệnh nhân nháo nhào. Những cơn bão táp mới của đời sống nổi dậy. Nước tràn lên xóa sạch mọi dấu vết! Bạn đọc nhớ, khi viết truyện ngắn nầy Francis Scott Fitzgerald mới 25 tuổi.
Đạo diễn David Fincher (Panic Room, Zodiac..) đã làm một phim hay. Camêra của ông thật già dặn với cảnh vật của trái đất và ánh sáng của kiếp người mà sự sống và sự chết như luôn đặt ra câu hỏi, trong đó có một người đi ngược thời gian, đứng ra bên lề thế sự cho đến khi chính mình đem hoa tặng cho một thiếu nữ. Nghĩa là không còn là kẻ ngoại cuộc của đời sống. Brad Pitt được CGI chồng hình của anh với khuôn mặt đậm hóa trang ghép lên thân thể một người nhỏ thó. Đương nhiên khi anh và người đẹp diễn viên Cate Blanchett trẻ trung gặp nhau, thì trái tim anh, tâm hồn anh đập cùng nhịp với thân xác anh. Rồi mỗi người về mỗi ngã – nàng xuôi theo tuổi già, chàng ngược về ngoại hình của tuổi thơ cho đến khi không nhớ gì nữa hết. Thì nàng còn nhớ! (Đứa bé ấy nhìn tôi như nhận ra cái gì). Phim cảm động khi chúng ta nhớ tới tâm tình đàn bà. Và chật lưỡi với nghệ thuật diễn xuất của cả hai. Kế đó, chúng ta tấm tắc: không có cái gì mà điện ảnh không làm được.
The Curious Case of Benjamin Button chứng tỏ đều ấy về kỹ thuật. Ngân sách sản xuất của phim lên tới 150 triệu cũng vì những đoạn ghép hình với kỹ thuật CGI (Computer Generated Images) ấy.
Cũng cần ghi một hai chi tiết về nguyên tác văn học với câu chuyện của Scott Fitzgerald trong đó người cha của Benjamin Button vẫn ôm con mà nuôi cho tới khi lớn khôn mặc dầu khi sinh ra “nó đã biết nói”, rồi sau đó nó bị con trai ghẻ lạnh, cùng với cháu nội … chơi chung! Trên phim, ông bố nầy có lúc tìm gặp lại con, nói cho nó biết: “Cha đã vất mầy dưới thang gác một chung cư, vì nghĩ mầy là quái vật.” Cũng trên phim, người thiếu nữ da đen đã ôm Benjamin Button về nuôi vì bản năng làm mẹ, không nỡ.. Bà mẹ da đen ấy cùng với câu chuyện, đã có lúc bạc phơ, ôm đứa con da trắng vào lòng, để cho đứa con ấy cũng bạc phơ như mình, gọi “mẹ”. Kể ra, trường hợp của Benjamin cũng.. lạ. (CTT)
Tags: | Edit Tags
Tuesday February 3, 2009 - 05:22am (ICT) Edit | Delete
Next Post: Entry for February 05, 2009
Labels: film
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home