Tuesday, March 4, 2008

Day la mot nguoi ban da chet cua toi.
Nhg cuon sach bao ong nhac voi anh NDT, ong da trao cho toi. Hien chung nam o nha me toi o Saigon.
Gio toi xa nha, biet trao (Niem Tin) lai cho ai bay gio???
Nhung sinh vien cua toi khg chiu doc, nhg ban be cua toi cung ban biu muu sinh.

http://www.talachu.org/truyen.php?bai=219

Diễm ChâuThư Lộ Trấn
Diễm Châu (1937-2006)
Nhà thơ, dịch giả Diễm Châu qua đời ngày 28 tháng 12 năm 2006 tại Strasbourg, Pháp. Bên sự tĩnh mịch an bình của dòng Yên Sa (l'Ill), anh đã bước từ giấc ngủ qua đêm sang giấc ngủ ngàn thu, một hạnh phúc rất hiếm hoi. Thế nhưng sự ra đi đột ngột và bất ngờ đó khiến tôi đến nay vẫn chưa ra khỏi cú sốc và cơn bàng hoàng, vẫn chưa viết được một chữ nào về người bạn thân đã kỳ ngộ trong quân trường qua sự giới thiệu của một bạn học cũ chung trường chung lớp là anh Hoàng Ngọc Biên. Ngày giỗ một năm đã trôi qua, và cũng vì không muốn để cho thời gian lặng lẽ trôi qua thêm nữa, nên tôi thiển nghĩ rằng, thay vì do tôi, sao lại không để cho nhà thơ Diễm Châu nói về chính mình? Bởi vậy mà tôi đã chọn ba lá thư đầu tiên anh gửi cho tôi khi vừa đặt chân lên đất khách, để độc giả từng đọc thơ Diễm Châu và đọc các bản dịch thơ ngoại quốc của anh, có dịp nghe chính tiếng nói của nhà thơ mô tả về đời sống tại Sài Gòn sau "giải phóng", và về chuyến đi tìm tự do ở miền đất hứa, của anh và gia đình. Sau hơn một phần tư thế kỷ ở nước ngoài, các con anh nay đã lập gia đình, sinh con đẻ cái, sống hạnh phúc và có địa vị trong xã hội. Anh đã mất một đất nước, nhưng các con anh nhờ thế cũng tìm được một quê hương mới. Thử hỏi chuyện gì đã có thể xảy đến cho anh, cho gia đình và con cái, nếu anh ở lại quê nhà? Ðây là một trang sử liệu khách quan đáng được lưu giữ để cho vào cuốn sổ đen về các tội ác của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với nhân dân, cách đối xử của Ðảng đối với "núm ruột hải ngoại" khi họ còn ở tại quê cha đất tổ. Ðây cũng là một dịp để tưởng nhớ các nhà trí thức yêu nước của miền Nam, nạn nhân vô tội vạ của một đảng chính trị ngụy trá, nhỏ nhen, nham nhở, độc ác tột cùng, có một không hai trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, trong cuộc mưu sinh tất bật nơi quê hương mới (xin lưu ý rằng tôi không dùng chữ "quê người"), may thay nhà thơ Diễm Châu vẫn tìm được thì giờ rảnh rỗi dành cho thơ ca, anh đã âm thầm dịch được hơn một trăm thi tập của các nhà thơ tên tuổi của thế giới, gồm cả mấy ngàn bài thơ, góp phần phong phú hoá thi ca, văn học Việt Nam.


Một số tác phẩm do Diễm Châu dịch và xuất bản
Thấy anh dịch hay và in đẹp, tôi đề nghị anh nên tìm cách thương mại hoá các thi tập đó. Nhưng anh nhất định không chịu, vì đối với anh thơ "không để bán". Anh rất thận trọng vì sợ gây ngộ nhận, và e bị lợi dụng cho một ý đồ, mục tiêu chính trị bất chính nào đó. Do vậy, việc đăng thơ trên internet tôi cũng phải thuyết phục anh mãi, nhưng anh vẫn lừng khừng. Cuối cùng, tôi lấy đại một điện thư của anh ra biên tập lại như một bài thơ, hay một truyện cực ngắn, và xin phép anh cho tôi gởi nó đến tờ báo điện tử Tiền Vệ do hai anh Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc chủ trương. Tôi phải sửa đi sửa lại hai, ba lần anh Diễm Châu mới gật đầu. Từ đấy thơ, văn, và bản dịch của Diễm Châu xuất hiện đều đều trên Tiền Vệ cho tới hôm anh đột ngột ra đi. Từ khoảng gần cuối năm 1983 đến đầu năm 2004, nghĩa là hơn 20 năm, tôi đã nhận được hơn 80 lá thư cùng với sách báo, bản thảo, các tập thơ và thơ dịch của Diễm Châu trong tủ sách Thơ Trình Bày do chính anh in ấn tuyệt đẹp. Sau năm 2004, với sự xuất hiện của máy vi tính, các tờ thư viết tay, thường là rất dài, đã được/bị thay thế bằng các điện tin ngắn gọn và nhanh chóng hơn. Theo nhận xét của riêng tôi thì Diễm Châu dường như có tính bướng bỉnh, nghĩa là bất khuất, và kiêu hãnh ngầm, như thể anh mang trong người một dòng máu quý phái dù ở trong tình cảnh nào cũng ngẩng mặt nhìn lên trời cao; tuy thế, anh chẳng bao giờ tự cao tự đại, mà luôn luôn phục thiện, khiêm tốn. Ngoài ra, anh cũng luôn luôn sẵn sàng "cứu độ chúng sinh", và nếu tôi gởi S.O.S thì anh không ném một, mà ba, bốn, năm cái phao cho kẻ choáng váng đã rơi tòm xuống biển từ con tàu say của Rimbaud. Bài thơ dài nhất của Diễm Châu, "Việt Nam, tổ quốc và em", vừa làm xong, anh đã gởi ngay bản thảo qua cho tôi để xin góp ý kiến. Nói tóm lại, tình bạn của chúng tôi - đôi khi có to tiếng và giận hờn - đã phong phú lẫn nhau. Tuy nhiên, to tiếng chỉ là một cách nói, có thể thích hợp với cái tính nóng nảy như lửa rơm chóng tàn của tôi, hơn với cái mát ("cool") lâu bền hơn của Diễm Châu, luôn luôn giữ nụ cười trên môi và sẵn sàng xưng tội "mea culpa". Khi biên tập các lá thư sau đây, tôi chỉ thay đổi các chữ viết tắt, bỏ bớt vài cái dấu không cần thiết, và phân chia thành nhiều đoạn ngắn cho dễ đọc. Nguyễn Đăng Thuờng
Diễm Châu
Thư Lộ Trấn
Nguyễn Ðăng Thường biên tập

Lá thư đầu tiên của nhà thơ Diễm Châu viết cho tôi là một bưu thiếp có hình vẽ một nông trại vùng Alsace-Lorraine sát biên giới Ðức, với ghi chú: "Ferme Alsacienne à Reitweiller dans le Kochersberg (Bas-Rhin), d' après une illustration de Joel Roche" (Tạm dịch: Nông trại Alsacienne tại Reitweiller trong vùng Kochersberg (Hạ Rhin), theo một hình minh hoạ của Joel Roche). Bưu thiếp không đề ngày tháng ở phía trên mà chỉ ghi trong ngoặc ở cuối thư (1.9). Ông Thường thân mến, Tôi và gia đình (tất cả 5 người) đã tới Pháp hiện đang ở Strasbourg. Rời Việt Nam vào thứ Năm 28/7 [1] . Bị ở lại Bangkok một ngày, rồi qua Paris trước khi tới đây. Hành trình, mặc dù duyên do khá ly kỳ, không có gì đáng gọi là gian khổ, hành lý cũng nhẹ, trừ những gánh nặng không thấy được. Khi còn ở nhà tôi có nhận được 1 tấm thiệp và quà (vải xanh), nay mới có dịp viết mấy hàng cảm ơn người gửi. Tôi cũng có được một tấm card của ký giả Mạc Fong Lan [2] gửi từ M. [3] về nhưng không có ghi địa chỉ. Ông cho tôi gởi lời thăm và cám ơn. Strasbourg mùa này nóng như Saigon nhưng ban đêm hơi lạnh. Con sông L'Ill [4] chia hai nhánh ôm lấy trung tâm thành phố chỉ khiến tôi thêm nhớ Paris mặc dù tôi cũng chỉ vừa mới kịp quen với Métro. Ông và những người thân ra sao? Luân Ðôn? Biên [5] có đưa chân tôi, cả nhà đang chờ xuất cảnh. Thế Nguyên ốm lắm. Thái [6] gửi lời thăm ông. Sẽ viết dài cho ông sau. Nhớ lắm. Vẫn muốn khóc (1.9) Diễm Châu kèm theo địa chỉ tại Strasbourg; ở phía trên bưu thiếp có ghi thêm: Nhận được tin, ông làm ơn biên cho tôi mấy chữ, càng sớm càng tốt (cần lắm) Mong. * Lá thư thứ hai cũng là một bưu ảnh màu chụp một con đường ở Strasbourg, phía sau là ngôi nhà thờ danh tiếng xây cất từ thời Trung cổ, với ghi chú: "AU PAYS DES CIGOGNES... STRASBOURG (Bas-Rhin). La rue Mercière et la cathédrale (XIIe - XIIIe - XIVe et XVe siècles)." (Tạm dịch: Strasbourg (Hạ Rhin)... Xứ cò trắng. Ðường Mercière [phố Chạp Phô] với ngôi thánh đường (thế kỷ XII - XIII - XIV và XV). Thường thân mến, Ðã nhận được Trại súc vật. Rất cám ơn. Sách báo Ănglê ở đây hiếm lắm. Khi nào đọc xong… sẽ có bình luận thêm! Vẫn mong thư ông. Bưu điện ở đây chậm như rùa bò... Mình đã viết cho vợ chồng Ng. Ðồng [7] . Rất mong nhận được tin của bạn bè xa gần. Nếu có viết cho Quỳnh [8] ông cho mình gửi lời thăm nó và phu nhân! ở cái fossé [9] này rầu quá ông ơi. Nhớ bạn bè, nhớ những buổi chiều trôi luôn vào những buổi tối không đèn…! Mong tin ông lắm lắm. Nhớ viết cho nhau (thỉnh thoảng... luôn!). Mai đã là 2 tháng xa quê rồi! Diễm Châu 27.09.83 * Lá thư thứ ba rất dài, ba trang thủ bút tuyệt đẹp, chi chít, khít khao nhưng đọc dễ, viết trên hai tờ giấy trắng để đánh máy chữ: STRASBOURG 11.9.83 Ðã nhận được thư và quà của ông. Mình đang cần cả hai thứ. Cám ơn Thường rất nhiều. Khi viết mấy chữ cho Thường mình không ngờ lại được tin sớm thế. Cám ơn Thường đã nghĩ đến mình và vẫn nghĩ đến mình khi mình còn ở bên nhà cũng như bây giờ. Mình cảm thấy được an ủi rất nhiều. Cám ơn Thường 3 lần! Chuyến đi của mình quả thật là chuyện bất ngờ. Chính mình cũng không hề nghĩ đến ngày hôm nay: bừng con mắt dậy bỗng thấy mình thành kẻ "tị nạn"! Mấy dòng đầu thư của Thường khiến mình rất nghĩ ngợi. Mình nghĩ mình "thiếu nợ" mọi người đã nhiều. Và lúc này hơn bao giờ hết, giữa cái lu bu của cuộc sống đổi thay, món nợ tinh thần kia lại xuất hiện hết sức rõ rệt. Mình thiếu nợ những người "anh em thù nghịch", nhưng nhất là thiếu nợ bàn bè, một lời trần tình: Vì sao, sau 8 năm ở lại "chịu đòn" rốt cuộc mình lại bỏ đi? Có lẽ phải viết một quyển sách! Có lẽ chỉ vài dòng cũng đủ (cho mình và bạn bè). Mình phân vân. Dẫu sao, về chuyện này cũng cần phải có ngày giờ, và ngày giờ không chỉ để viết ra mà còn là để gạn lọc xem những gì thiên kiến, ảo tưởng, những gì là bản chất thật sự, những gì là sự thật, dù chỉ là những sự thật tầm thường... Mình đáp máy báy Air France qua Bangkok, ở lại đây một đêm, một ngày rồi tiếp tục đi via Bombay. (Ðáng lẽ ra không phải ở lại đất Thái, nhưng bọn bên nhà đánh télex sao đó nên số người từ HCM-ville tới đông hơn dự trù. Bởi thế khách Việt Nam bị để lại, nhường chỗ cho bọn Karachi lên tàu). Tới Roissy-Charles de Gaulle được đưa về "trung tâm những người tị nạn" ở Créteil, ngoại ô Paris; ở đó khoảng hơn hai tuần. Ðúng ngày 19-8 [83] lên đường đi Strasbourg, ở tại một trung tâm tạm cư (Centre Provisoire d'Hébergement). Tại đây, được báo trước là, được ăn ở miễn phí khoảng bốn tháng, rồi "tự túc". Hiện nay mình đang lo chỗ học cho ba đứa con và tìm công việc cho chính mình. Ngày ngày phải chạy cùng khắp lo giấy tờ và đi khám sức khỏe (sao mà "nó" khám nhiều thứ thế!) Mới lo được cho con út năm nay 17 vào học tiếng Pháp ở một trường tư (La Providence!). Còn hai đứa lớn có Bac [10] Việt Nam chưa biết có ghi tên học tiếng Pháp được không. Nỗi lo hiện thời phần lớn là nằm ở đó. Thằng nhỏ năm nay 20, học Bac xong thì vô y khoa rồi bị cho nghỉ vì vụ giấy tờ xuất ngoại. Khốn nạn nhất là khi đi chỉ có mỗi mảnh Bac bằng nửa bàn tay, còn giấy tờ chứng nhận đại học bọn chúng nhất định không chịu cấp. Con lớn năm nay 21, học năm thứ ba ban toán đại học bên nhà cũng vậy. Cuối năm thứ hai đang thi thì nó giấy kêu ra sở ngoại kiều. Thế là chúng không cho thi tiếp, không cấp giấy chứng nhận đại học. Năm học thứ ba nó phải đi học "chui" (Các thằng hầu hết là ngụy đã... bao che cho học.) Qua đây bằng cấp bên nhà trên nguyên tắc là sẽ không được công nhận. Bởi thế mới có nỗi lo... Còn công ăn việc làm của mình thì chưa thấy có gì sáng sủa cả. Cái xứ từng đàn chim biển "rong chơi" dọc theo dòng nước này coi bộ không dễ kiếm việc như nhiều người tưởng. Mình nghĩ đã đến "nước này" thì cái gì cũng làm hết, miễn sao... Thế nhưng vẫn có... khả năng là tiếp tục rong chơi thôi. Có lẽ phải lộn về Paris... Và vấn đề này chắc Thường cũng không tránh được một số kinh nghiệm? Mình bây giờ cũng không còn được như xưa, dù xưa đây cũng đã là quá tàn tệ. Bây giờ mình răng rụng gần hết, tóc bạc từ lâu, cái kính gãy hai, ba lần chưa thay (nhìn xa không rõ nhìn gần cũng không xong!) còn cái gọi là nụ cười thì đã quá nhuốm nhiều... bụi đời. Niềm "kiêu hãnh" vẫn còn đó, thế tuy nhiên tám năm, những gặp gỡ mới, những đổi thay... đã quét lên một lớp sơn kỳ quái bên ngoài có vẻ điềm tĩnh, nhưng bên trong, đằng sau, cái "đau" chỉ chực vùi sâu ngọn lửa chưa chịu tắt. Ở đây mình không có lấy một người quen. Trí thức bản xứ thì lạnh như... Ðức, còn trí thức Việt Nam thì quá hiu hắt. Mình từ một chỗ bị "cô lập với thế giới bên ngoài" đột nhiên nhẩy vào một "thế giới tự cô lập", mặc dù người bản xứ gọi chỗ này [11] là... thủ đô của Âu châu! Mình tới Pháp quả là một chuyện kỳ quặc, nói ra thật khó tin (chính mình cũng... không tin) Trái với mọi người, mình không làm đơn xin xuất ngoại trước. Chuyện xảy ra khoảng 79 hay 80 gì đó. Có một người bạn mới quen lúc sau này đến chơi, thấy tình cảnh trong nhà tội nghiệp, hỏi han sự tình rồi ghi lại vài chi tiết. Bẵng đi mấy năm, tưởng chuyện đùa... Ai dè một ngày tháng 5-82 "được" Bộ Nội vụ rồi Sở Ngoại kiều rồi Quận kêu lên, biểu làm giấy "xuất ngoại về việc riêng". Lý do chính thức họ biểu ghi là "để mưu sinh". Thế rồi các thủ tục lập hồ sơ, bổ túc hồ sơ... Ðến tháng 5.85 thì ký giấy xuất ngoại và phát cho mình vào tháng 6. Trong thời gian chờ đợi, lãnh sự Pháp có gửi ra cho một giấy chứng sẽ có nhập cảnh của Pháp. Lúc đó mới hay mình có tên trong danh sách "những trường hợp đặc biệt" được Pháp can thiệp. Danh sách này có lẽ đã do tên [12] … đưa qua cho Hà Nội... Thực hư, đầu đuôi ra sao mình hoàn toàn không quyết chắc được. Dầu sao, cũng phải ghi nhận là hoạt động của Bàn tay Ðịnh mệnh đôi khi cũng có những đường nét hơi... bất thường. Ở nhà, mình đã bị mấy người anh em ở Sở Ngoại kiều kêu là... thuộc "diện" bị 'trục xuất". Qua tới đây mới cảm thấy thấm thía đó không phải là một câu nói đùa. Ấy thế mà khi mình đi, không thiếu kẻ đánh nhau, giành nhau để đi. Số người xin đi Pháp bây giờ gặp khó khăn nhiều. Rất có thể bằng một cách nào đó xin được Việt Nam cấp xuất cảnh nhưng lại không có nhập cảnh của Pháp. Không thiếu người đã có xuất cảnh 1, 2 năm rồi mà vẫn không đi được (vì người bảo lãnh không phải bố mẹ vợ chồng con cái). Cả đến con lai cũng bị gạt lại. Rất nhiều. Người xin đi Mỹ thì hồ sơ qua nhiều thủ tục và thường bị xét khá lâu. Gia đình Biên [13] hiện có ông anh rể ở chung nhà với Biên đã được xuất cảnh đi Mỹ nhưng tới lúc mình đi vẫn còn phải chờ được lên danh sách "interview" của Mỹ. Biên đã có giấy kêu ra Nguyễn Du (Sở Ngoại kiều thành phố) bổ túc hồ sơ (đi Mỹ), còn phải chờ Nguyễn Trải (trực thuộc Bộ Nội vụ) xét cấp xuất cảnh. Sau đó lại phải chờ được kêu đi interview. Thời gian chờ được đi interview này có khi kéo dài 9, 10 tháng là thường. Ấy là chưa kể thời gian chờ được cấp xuất cảnh. Hiện nay Biên đã thôi làm Tin Sáng (đóng cửa), một dạo mở quán café rồi phải dẹp vì "công an khu vực" làm khó và vì một chuyện không đâu. Thí dụ: Biên cho phóng lớn một một bức tranh Léger (hoạ sĩ vẫn được phe xe hội có cảm tình đặc biệt) lên một bức tường trong quán, bị công an kêu bôi đi vì là... văn hoá đồi trụy! Biên hiện nhận làm bìa, minh hoạ và làm "mise en page" [14] cho tờ Phụ Nữ và một vài tờ báo khác. Làm cho đỡ buồn chứ không lấy gì làm hứng thú. Chị Hồng [15] chưa xin nghỉ dạy (trong nhà cần có một "công nhân viên") nhưng có vẻ quá mỏi mệt. Hai đứa nhỏ [16] vẫn đi học và tập võ, gần đây có xuất hiện trong một phim Việt Nam. Tình hình kinh tế bên nhà không nói thêm chắc Thường cũng biết là ngày càng sa sút, khiến cho việc tồn tại như một người lương thiện, đối với số đông, càng ngày càng trở thành một việc... không tưởng. Cách đây ít lâu hàng cũ và hàng nước ngoài gởi về nhiều, làm ăn sinh sống không đến nỗi chật vật. Nhưng rồi qua mấy kỳ đổi tiền, qua mấy kỳ đánh tư bản... mại bản rồi tư sản... "đỏ", qua các biện pháp an ninh hạn chế việc gởi quà và nhận quà nước ngoài, Saigon bắt đầu tiều tụy trông thấy. Thuốc tây lên giá vùng vụt. Aspirine cũng lên đến giá mà người thường khó lòng mua nổi nếu không muốn bị đói. (Nói gì tới các thứ trụ sinh...) Chợ trời thuốc tây bị dẹp, các tiệm thuốc được mở ra để thay thế. Phải có rất nhiều "cây" mới mở được. Và phải chia phần lời cho chính quyền địa phương, chưa kể phải chịu thuế rất, rất nặng, không dưới vài chục ngàn/tháng. Tuy nhiên vẫn lời. Vì đói còn hơn chết, phải không? (Better red...! [17] ) Ấy thế nhưng các chủ tiệm vẫn nơm nớp lo sợ vì không biết ngày nào sẽ bị đóng cửa. Hàng chỉ bày ra lấy lệ. Còn bao nhiêu tìm chỗ giấu, lâu lâu có người hỏi mới đem tới. Saigon có một thời đã trở thành một trung tâm kiếm đô la cho cả nước. Nay thì với những biện pháp tiêu diệt các thứ hãng xuất nhập cảng nhỏ, các nơi duy nhất còn kiếm ăn khá tuần tự "thanh lý" đã dẹp tiệm. Từ đầu năm đến khoảng cuối tháng 6/83 không thu được ngoại tệ. Nguyên do chính thức là vi phạm kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhưng không chính thức và có lẽ đúng hơn là vì sự đố kỵ, ghen tị của Hà Nội. Sau giải phóng, Nam bộ mở ra như một thị trường lý tưởng để đem giấy lộn đổi hàng. Cán bộ đua nhua mua sắm, bòn rút, xoay sở tìm mọi cách để khuân đồ về Bắc hoặc trang bị sắm sửa cho các biệt thự mới được chia. Ðồng tiền chả còn nghĩa lý gì (nhưng vẫn khó kiếm). Lần đổi tiền đầu tiên 1 đồng [18] ăn 500 đồng Saigon [19] . Nay thì một đồng là một đồng, nghĩa là không phải là (và không bằng) 1 đồng cũ. Tình trạng lạm phát và mất giá là "vô địch". Ấy là chưa kể những thứ giấy bạc tung ra bừa bãi qua các hình thức vé số. Saigon và hầu hết các tỉnh đều in vé số và có xổ số hàng ngày! Ít khi nhge nói tới các triệu phú nhờ xổ số! Từ con tôm con con tới con tôm lớn, con cá ngon, cà phê, thuốc lá, chè... đều là hàng độc quyền để xuất cảng. Rau muống (Bắc kỳ đã trở thành Nam kỳ đối với đại đa số dân nghèo) đang từ 1 đồng một bó lên tới 3 rồi 5 đồng mà số lượng lại có phần giảm đi. Lương thầy giáo (tốt nghiệp đại học) khoảng 70 đồng cộng trợ cấp (gấp đôi) cộng một vài món hàng bán giá nhà nước đem bán lại, được khoảng tất cả là 250 đồng/tháng. Trong khi đó thuốc lá hạng bét từ 8 đồng, phở một tô từ 15 đến 30 đồng, một cái áo sơ mi may sẵn 250 - 300, một đôi giày cũ 300, một đôi giày mới từ 700 - 2000 đồng. (Cũng may là từ ngày bộ đội vào thành phố, dân Saigon hầu hết đã vui vẻ... xuống dép râu, mới đây có nhích lên chút đỉnh, lên dép da, nhưng dép nào - dù bằng nhựa tái sinh - bây giờ cũng khiến các bà nội trợ phải hết sức đắn đo trước khi hạ quyết tâm xách về một đôi!) Ða số các hình thức dịch vụ đều được tiến hành theo lối... chui (C. Milosz đã phân tích hiện tượng này từ lâu, trong The Captive Mind.) Thuế má quá cao và lũy tiến hàng tháng! Phần lớn các tiệm phở ngon đã phải tự ý đóng cửa vì thuế hàng tháng lên tới 50.000 - 70.000 đồng/tháng hoặc cao hơn 100.000 đồng. (Ôi những con số tưởng là trừu tượng nhưng có thật!) Hàng ăn nào đông khách là nhà nước sẽ cùng nhân dân đồng cùng làm (hợp doanh). Thế là tan. Trộm cướp, giết người thường xuyên. Một vài vụ "điển hình" được đưa ra toà. Một vài vụ "chống đối, phá hoại" đã bị xử nặng. Tại Hà Nội tình trạng mất an ninh còn nghiêm trọng hơn Saigon. Phong trào "trấn lột" có một dạo thật sôi nổi. Trấn áp bằng súng rồi lột tiền. Hầu hết là bộ đội về phép. Quân đội 6 tháng có gạo ăn, sáu tháng phải tự túc. Trong sáu tháng tự túc, đơn vị cho về phép, lúc lên phải nạp một món tiền. Về thành phố chơi đã, lúc đi hết tiền phải xoay. Thế là quay ra "trấn lột". Ðại tướng Chu Huy Mẫn đã từng bị. Nhưng không tìm ra thủ phạm! Kinh tế xã hội chủ nghĩa, điển hình là ở Hà Nội, không có vẻ gì khá cả. Cái gì cũng giành lấy để làm, để chia nhưng không làm nổi, chia không xong. Có gì đâu mà chia. Mới rồi, Hà Nội có đưa ra một câu đối về thương nghiệp quốc doanh: "Cục cứt cũng phân, phân như cứt!". Cho đến nay sĩ phu cả Bắc Hà lẫn Nam Hà đều chưa ai đối được! Bởi không còn để cho ai kiếm việc làm và không còn trông vào quà nước ngoài gửi về, nhân dân nói chung là khổ. Dân nghèo thì khổ lắm. Chưa kể cái nạn "công an khu vực". Hà hiếp xách nhiễu thường xuyên. Hơi một tí là bỏ tù, làm tiền. Phường nào cũng có ít nhất một nhà giam. Quận thì có Hilton của nó. Thường là một cái hôtel lớn trước kia cho Mỹ thuê nay thành nhà tù. Ðêm đêm đi qua thật hãi hùng. Những cục đá có bọc những mảnh thư kêu cứu tuyệt vọng có thể rớt ngay xuống chân nhưng ít có ai dám dừng lại để lượm. Thằng Nhậm (Trần Tuấn, ứng cử viên "chống Mỹ cứu nước" thời Thiệu bị nhốt...) chết rồi. Nó chết ở nhà tù Rạch Giá. Từ sau giải phóng nó bị bắt thêm hai lần. Một lần bị nhốt vào hộp sắt ở Lâm Ðồng Bảo Lộc. Chạy mãi mới thả. Lần sau bị lại ở Rạch Giá. Ðang bị lao nặng, chịu không nổi lao động cưỡng bách cơ cực. Hôm rồi giỗ lần hai của nó, bạn bè không có chỗ tới vì không được phép. Các ông cha, ông sư, dì phước bị làm khó và đi tù dài dài. Tu sư phải có chứng nhận mười năm liên tục tu hành mới được tiếp tục. Không thì phải ra khỏi chùa. Muốn làm cha [linh mục] mà có một người trong nhà đi nước ngoài thì coi như vô vọng. Giám mục cũng bị bỏ tù. Trường hợp Ðức cha Thuận bị đưa đi an trí ngoài Bắc, bị giam lỏng rồi mới đây lại bị nhốt Hỏa Lò. Ðức cha ở Nha Trang cũng bị cấm cửa không được đi đâu, dù là đi họp Hội đồng Giám mục Việt Nam ở Hà Nội. Mấy ông cha Jesuites vừa bị đưa ra toà lãnh từ 2 đến 12 năm tù ở vì những tội danh rất bâng quơ. Thực ra, trụ sở Ðắc Lộ thu hút được thanh thiếu niên hơn các tổ chức Ðoàn, Ðội của nhà nước. Báo chí tư bị đóng cửa, chỉ còn tờ Công giáo Dân tộc hầu như không ai mua và đã trở thành gần như báo nhà nước. Nhóm này phải đi nuôi heo (heo chết), nuôi gà (gà toi), mở hàng thuốc tây (đóng thuế), bơm mực bút bi (mực ngoại không về đều) để sống qua ngày. Báo nhà nước thì nhiều nhưng nội dung quá tệ, nói gì tới hình thức. Thiên hạ mua vì những trang thể thao nhảm nhí (chỉ ca đội "nhà", đổ lỗi cho đội khách và nếu cần, khán giả! "Khách" đây bao gồm cả Saigon nếu có đội Hà Nội.) Sách cũng vậy. Nghèo nàn và tồi tệ. Thỉnh thoảng có vài cuốn hồi ký của mấy ông tướng chửi lộn nhau (thí dụ ông Trần Văn Trà "đá" Ðại tướng Văn Tiến Dũng). Thế là đổ xô đi mua. Nhưng giá mắc quá lại tiu nghỉu đi về. ở Hà Nội công an gặp ôm sách ông Trà là lãnh đủ. Phần lớn báo và sách (có một hồi còn rẻ) đã được mua để gói đồ. Văn nghệ sĩ bây giờ hầu hết phải có marque [nhãn] Bắc Việt hoặc 30/4. Số nào còn ngay thẳng đôi chút là rách. Thế Nguyên [20] tiếng là làm biên tập cho Văn nghệ Thành phố chỉ ngồi chơi xơi nước lã. Tháng tháng tới toà soạn 1, 2 lần để lãnh khoảng hơn 200 đồng. Không viết gì nữa, rượu, thuốc, gầy ốm, bệnh tật. Thái [21] làm "Ðiểm phim" bị một thằng 30/4 chỉ điểm, suýt bị văng. Cao Tùng [22] thất nghiệp, lang thang, kéo đờn và chụp ảnh dạo kiếm ăn lần hồi. Tình trạng chán nản, tê liệt là phổ quát. Thiên hạ sợ... tự do, cách mạng; chính sách "Duy nhất đúng" của Ðảng Cộng sản Việt Nam có lẽ đã là một nguyên do gây ra trình trạng tồi tệ hiện nay. Ngu dốt, bị bao vây, bị gài thế phải chiến tranh liên miên, phe nhóm, quá khích, một chiều, hẹp hòi, nhỏ mọn, anti-intellectuel tự bản chất... mỗi thứ một tí đã dính phần vào đó. Mỗi người, mỗi phe đều có lý do của họ, nhưng tình trạng chung dù công nhận hay không, thật sự là chết trả góp (Céline trả về tiền) [23] . Gần đây, các "đài địch" tuyên truyền, nói "ta xuất cảng người sang Liên Xô làm lao công khốn khổ lắm". (Thực ra là chỉ có con cái cán bộ và những tay 30/4 mới có hy vọng được nhận làm lao công khốn khổ thôi. Dân thường không trông mong gì đâu. Phải chạy thuốc và thần thế mới xin được một chân đấy. Thí dụ: Hồ Ngọc Nhuận có hai cô con gái sang làm lao công ở một nước Ðông Âu). Nói chung ra thì, đối với dân chúng bây giờ, bất cứ ở đâu, dù là Sibérie hoặc Hungari, Tiệp Khắc... cũng vẫn là hơn ở trên chính quê hương của mình với những người "anh em nay đã trở thành loài sói". Những nhận định hời hợt trên có lẽ thiếu "nuances" và bức tranh quá đen tối đối với một "avocat du Diable" như tôi từ hồi nào đến giờ. Thế tuy nhiên tôi nghĩ, đối với Tả và Hữu, chỉ có một sự thật và sự can đảm nhìn nhận sự thật mới đem lại thuốc chữa. Tôi vẫn là tôi, không thay đổi. Hơi mềm yếu đôi khi nhưng không khi nào chịu "dễ tính" với mình. Tình hình Việt Nam chưa ai đặt thành một con toán thực sự, bởi đó mà vẫn chưa có đáp số! Thư đã quá dài mà tôi vẫn chưa nói gì được cho ông nghe về "tình hình ở bển". Tôi hy vọng sẽ viết thêm dài dài và mong được ông góp ý trao đổi. Nếu có gì đặc biệt ông muốn biết, xin ông cũng gợi ý... Nghe tin Quỳnh và vợ chồng Ðồng tôi mừng lắm. Rất mong được tin của các bạn. Mình hiện không có địa chỉ của ai hết, ngoài Thường ra. Nhận được thư này, Thường ráng viết cho tôi vài chữ. Cho tôi biết tiếp về ông và các bạn, xa nhau lâu quá... có gì... ông đừng giận. Mình vẫn muốn đọc Borges. Những tờ TLS và Observer Mag [24] Thường cho [25] , tôi đã "truyền" lại cho người thân ở nhà. Ðọc đỡ buồn lắm. Hồi gần đây mình rất thú chí vì kịch. Rất thích Grotowski và Théâtre en Pologne. Nói về London cho mình nghe đi. Nhớ ký giả M. Phong Lan [26] giùm mình. Cám ơn Thường lắm. Thân, Diễm Châu Tôi vừa nhận được carte của Nguyễn Ðồng.
© 2008 talawas
[1]28.7.1983 (các chú thích trong bài đều của Nguyễn Đăng Thường)[2]Mark Frankland[3]Moskow[4]Yên Sa[5]Hoàng Ngọc Biên, nhà văn kiêm nhà giáo[6]Nguyễn Quốc Thái[7]Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp, thuộc nhóm “Hội hoạ sĩ trẻ” trước 1975, hiện ở California[8]Nguyễn Quỳnh, hoạ sĩ kiêm nhà giáo, hiện ở Mỹ[9]Hố[10]Bằng tú tài[11]Strasbourg[12]Biên tập xoá tên[13]Hoàng Ngọc Biên[14]Thiết kế trang[15]Giáo sư Pháp văn, hiền thê của Hoàng Ngọc Biên[16]Con trai song sinh của Hoàng Ngọc Biên - Nguyễn Thu Hồng[17]Better red than dead![18]Tiền mới[19]Tiền cũ[20]Tác giả Hồi chuông tắt lửa và chủ bút Trình Bầy[21]Nguyễn Quốc Thái[22]Cao Thanh Tùng, nhạc sĩ hồ cầm kiêm nhà giáo điều khiển chương trình "Ðố vui để học" của Bộ Giáo dục trước 75[23]Ám chỉ cuốn truyện Mort à crédit của nhà văn Pháp Louis Ferdinand Céline[24]Times Literary Supplement và Observer Magazine[25]Trước khi sang Pháp năm 1974[26]Mark Frankland
Diễm Châu tên thật là Phạm Văn Rao; tên thánh là Alphonse, sinh năm 1937 tại thành phố Hải Phòng. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn – Giáo sư Anh văn. Tu nghiệp tại Đại học Indiana, Hoa Kỳ. Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Đại học Bách khoa Sài Gòn. Tổng thư ký tạp chí Trình bầy ở Sài Gòn trước 1975. Cùng gia đình rời Việt Nam năm 1983.
Tác phẩm: Hạnh hoa, Sáng muôn thu (trong nước, trước 1975); Thơ Diễm Châu và Mười bài ở Paris… (ngoài nước). Trên trang Tiền Vệ, Diễm Châu đã công bố hầu hết tác phẩm của ông (thơ, tiểu luận, tuỳ bút) trong số đó có hai tập thơ MƯỜI BÀI Ở PARIS & NHỮNG MẢNH RỜI, và VIỆT NAM, TỔ QUỐC VÀ EM; đồng thời, ông đã giới thiệu hàng trăm tác giả quốc tế qua hàng ngàn bản dịch Việt văn.

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home