Sunday, March 2, 2008

Bai nay viet cho Nha Dep so ky niem 100 nam

Ngôi Nhà Mơ Ước

@ Một trong những truyện ngắn của tôi viết thời tuổi teen mà tôi rất thích mang tên “Dọn Nhà”. Một gia đình đông con phải lén lút rời nơi ở cũ, ngụy trang như một cuộc đi chơi biển. Và như thế họ bỏ lại tất, từ những vật lớn như bàn ghế tủ giường đến những vật bé mọn như cuốn vở ghi sẳn Thứ… ngày .. tháng … năm của đứa bé út học giỏi nhất nhà. Như khá nhiều truyện khác, truyện nầy cũng nhặt chất liệu từ cuộc sống thật của tôi. Tuổi thơ tôi lớn lên với những cuộc dọn nhà liên tục. Tôi sanh ở Bà Rịa, ngay sau đó nhà chuyển về Long Xuyên, trước đó gia đình tôi đã trôi qua Bà Rá, Sài Gòn, Biên Hoà, Tân Uyên; sau đó là Phan Thiết, Pleiku, rồi lại trở về Phan Thiết.
Lần dọn về Phan Thiết trước là vì cha tôi đổi về Rạch Giá, Hà Tiên, mẹ tôi quyết định không mang cả gánh theo chồng về thành phố biển cuối cùng của miền Nam nữa mà tấp về sống với ông ngoại tôi ở thành phố biển cuối cùng của miền Trung.
Hạnh phúc nhất của cả nhà tôi trong giai đoạn đó là những lần cha tôi vượt mấy trăm cây số về phép thăm nhà. Cả xóm thường nghe vang lên tiếng hét um trời của đám trẻ nhà tôi khi thấp thoáng bóng cha tôi xuất hiện nơi đầu ngỏ.
Ngay lúc ấy chúng tôi đã cảm nhận được rằng, hạnh phúc không phải là độ lớn, độ sang của căn nhà mình ở, mà đơn giản chỉ là những bữa cơm gia đình đủ mẹ, đủ cha và đủ các anh chị em ruột thịt với mình.

@ Ký ức tôi chưa thâu nhận kịp căn nhà chúng tôi trú ngụ ở thị xã Bà Rịa, chỉ kịp nhớ căn nhà sàn ở Long Xuyên mà khi mới tới cả nhà phải tấp vào ở tạm, tôi lóp ngóp bò thế nào mà rơi tỏm xuống sông. Má tôi phải nhảy ùm xuống mớ nước đen ngỏm của con kênh thị xã mà vớt tôi lên. Chẳng biết lúc ấy cái đầu của tôi có va vào cây cột sàn nào không, chỉ biết là cả mấy anh chị em của tôi đều là những cá nhân khác người, có lẽ vì đều được sinh trong một gia đình luôn phải du mục một cách khác thường.
Ngôi nhà kế đó chúng tôi về ở là một căn nhà nằm bìa của cả một dãy nhà, kề một cái ao lớn đầy lục bình mà lượt đó về Long Xuyên với chương trình Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao, tôi không sao tìm ra được, chỉ biết sau lưng nhà tôi là khu sân vận động lớn của tỉnh. Chúng tôi sống ở đó không có gì phải phàn nàn, khi điều kiện ắt có và đủ về hạnh phúc của chúng tôi được thoả. Sau nầy mói biết, đó là một căn nhà có người chết treo trong toa lét sau nhà. Cũng sau nầy má tôi mới kể, khi mới về, đang ngồi tấn mùng cho muỗi khỏi vô chích chúng tôi thì một người đàn bà rách rưới đến cười với bà, rồi thì thầm: “Cô à, tôi đói quá, cô cho chúng tôi ăn nha!”. Sáng hôm sau, nghe hàng xóm kể về cái chết oan kia, má tôi mua gà và cây trái cúng ngay. Từ đó đến lúc dọn đi không còn thấy gì nữa.
Sau nầy chúng tôi cũng mới biết, ở ngôi nhà dành riêng cho những công chức đó, má tôi đuợc bầu làm Hội Phó Hội Phụ Nữ của Thị Xã và bà vẫn không quên được những người bạn tù xưa của mình thời Việt Minh nên thường tổ chức vào tù thăm tù nhân cùng nhiều hoạt động khác. Viên tỉnh trưởng kêu cha tôi lên để thông báo là vợ anh có máu Việt Minh trong người, chẳng thay máu được đâu, cách vẹn toàn nhất là ông thuyên chuyển cha tôi đi về tỉnh cuối miền Tây. Mẹ tôi làm Au Cơ ôm trọn bẩy đứa con về hướng miền Trung. Hai đứa em kế tôi là Sĩ Tín và Minh Phượng được sinh ở Long Xuyên. Còn hai đứa kế nữa là Sĩ Hiếu và Sĩ Hải thì được sinh ở Phan Thiết.

@ Ngôi nhà xưa của ông ngoại tôi toàn bằng gỗ khá đẹp nhưng không chứa nổi mớ cháu ngoại nhóc nheo. Nghe kể hồi ông theo ghe bầu từ làng Thi Lai, Duy Xuyên ngoài Quảng Nam vào đây lập nghiệp. Ðất của ông tôi khá nhiều, chính ông lập ra Quảng Nam Ðồng Châu Hội ở đây. Rồi đồng hương tràn vào mỗi lúc một đông, ông nhượng hết đất cho họ, riết rồi chỉ giữ cho mình mảnh đất nghe nói trước đây đã từng là một nhà bảo sanh có khá nhiều hồn ma trẻ nhỏ.
Mẹ tôi xin được phụ tiền với ông cất lại trên đất ấy một ngôi nhà khang trang có thể chứa nổi đám cháu cùng mớ sách báo cha mẹ tôi lưu giữ từ lúc mới về ở với nhau. Ngôi nhà đó thuộc loại bề thế trong vùng, nhưng giây phút hạnh phúc nhất vẫn là khi chúng tôi được nhảy lên reo mừng cha về phép.

@ Rồi cha tôi phải đổi đi Pleiku, lần nầy thì má tôi rời cha già để mang đám con quyết chí theo chồng. Từ Phan Thiết, cả nhà vào Sài Gòn, rồi từ đó theo một quốc lộ hoang vắng chỉ thấy những trúc cùng tre đi ngược lên mạn núi. Cảm giác ấy được tôi mang vào khá đầy đủ trong truyện “Dọn Nhà”. Pleiku lúc đó khá vắng người, chúng tôi ở khu chợ mới, dựa lưng vào núi rừng. Cạnh và sau nhà có đất đỏ để trồng cây, rau và hoa.
Những bửa cơm giờ đã đầy đủ mẹ cha, chỉ thiếu anh đầu về quê nội ở Huế học Y Khoa. Con đường đến trường có một lối hoang vắng đầy Dã Quỳ mà sau nầy một bạn văn của tôi là anh H.N.T. đã nghe tôi kể mà vẽ thành cuốn “Thư Về Ðường Sơn Cúc”.
Mấy mươi năm sau, theo chương trình của I.O.G.T. có dịp trở lại đây, xin được vào thăm lại căn nhà ngày xưa của mình, một bà cụ cương quyết không cho, có vẻ như bànghi tôi là một việt kiều nào đó muốn về đòi lại căn nhà mà con bà được cấp.

@ Ở Pleiku được vài năm, cả nhà chúng tôi lại được đáo về Phan Thiết. Lại bán hay cho sạch mọi thứ, chỉ tải về những sách cùng sách đã theo chúng tôi từ bấy nhiêu năm. Ðây là giai đoạn chúng tôi tương đối an cư. Nhiều kỷ niệm vui buồn xảy ra với gia đình tôi nơi đây. Ông ngoại mất trong nhà nầy. Các anh chị tôi lần lượt vào Sài Gòn học hay đi xa. Có những đêm tôi thức dậy thấy sân nhà mình tràn ngập những hoa mà mãi đến mấy mươi năm sau ở xứ người tôi mới biết chính xác ai là tác giả. Mẹ tôi cũng lén lút dấu chồng, dấu con tiếp nối các hoạt động của bà nơi đây.
Thị xã nhỏ không có Cao Ðẳng lẫn Ðại Học, học xong lớp 12 tôi định vào Sài Gòn học Kiến Trúc, không ngờ chuyến về thăm quê nội tôi thi thử vào dư bị Y, bất ngờ lại đậu, tôi phải phiêu dạt xa ngoài nớ ở trong ngôi nhà dài thậm thượt trên phố Trần Hưng Ðạo của O tôi.
Trong nhà không ai ép tôi phải ra đó học cả. Ai cũng thấy chuyện khó không phải là chuyện học mà còn là thay đổi cả một phong cách sống. Với cả gia tộc, cha tôi là một người lãng tử, ông bỏ nhà ra Vinh rồi sang Lào tự sống ở tuổi hai mươi. Chúng tôi cũng sống theo phong cách ngẫu hứng và tự lực đó. Còn bên họ nội thì hoặc giữ thế giá nhà quan, hoặc chuyển đổi phồn thịnh bán buôn như cách sống của ngôi nhà ngưòi em gái ruột của cha tôi mà tôi tạm thời sống chung trong gần hai năm ở Huế.

@ Nơi căn nhà số 24 đường Trần Hưng Ðạo đó, tôi có một phòng riêng. Ðó là một căn phố nhìn qua cà phê Lạc Sơn. Một góc nhà cho một quầy bán vàng thuê, sát đó là quầy bán thuốc Cẩm Lệ nhản hiệu Bà Cửu Ơi, cạnh đó và phía trong là những cây và xấp vải theo đúng bảng hiệu ghi ngoài là tiệm vải Thanh Hương. Khúc giữa là một dãy nhiều phòng kề một lối đi, phía sau phình rộng ra là một xưởng chế biến thuốc Cẩm Lệ từ lá đến sợi thuốc. Ðó là những gì mà O tôi là dâu cả thừa hưởng được từ bên chồng. Ở phòng ăn nhà nầy, trước mặt tôi, cạnh chén, đủa, muổng còn là một chùm khoảng năm trái ớt xanh cột túm đặt ngay trước mặt. Sát phòng tôi là phòng của cậu con trai cưng của O mà tôi có trọng trách dạy kèm. Cậu đẹp trai và độc thân, mới chết khá trẻ ở San Francisco năm ngoái.
Sang năm thứ hai ở Huế, tôi kiếm cách để ra ngoài mướn nhà rồi vô ký túc xá ở để biết mùi vị sinh viên trọ học phương xa trước khi gia đình kéo về Sài Gòn. Tôi đã trôi qua những căn biệt thự xưa tuyệt đẹp cùng những khu ký túc xá hoang vắng bên miệt Cầu Kho Rèn. Những lúc ấy mới có chút ngơi tay mà sáng tác thêm nầy nọ.
Tôi hiểu thêm những bửa cơm sum họp gia đình khiến tôi yên tâm học tập, nhưng chính sự chia cắt mới là vết cứa đớn đau kích thích sự tìm mới sáng tạo trong tôi, chỉ với mục đích giúp mình tự liếm láp vết thương mình.

@ Những năm về Sài Gòn sau đó, chúng tôi ở khá lâu trong một căn hộ tạm bợ trong một xóm lao động luôn sôi động 24/24 giờ. Tôi đã tả nhiều về nó trong bài ký “Người dữ , người hiền giữa mê hồn trận” và trong khá nhiều truyện ngắn như “Chờ Duyên”, “Cạn Duyên”, “Ðám Cưới”.. Phải dùng chữ tạm bợ vì mãi đến khi tôi học xong lớp Ðạo diễn rồi trở thành cô giáo chủ nhiệm lớp có Hồng Ðào, Hữu Châu, Quang Minh, Hữu Nghĩa, Lương Mỹ .. ở trường Sân khấu, bạn đến chơi nhà cũng vẫn thấy áo quần của từng người trong nhà đựng trong những thùng carton cứng mềm trước đây đựng mì tôm hay sữa. Có lẽ trận bị tịch thâu sách ở ngôi nhà cũ ngoài Phan Thiết ngay sau 1975 và những hệ lụy sau đó khiến chúng tôi coi mọi thứ là tạm bợ, phù du. Nhiều người đề quyết rằng cứ ở trong xóm nầy, ngôi nhà đầy rệp đó thì bốn chị em gái trong tổng số chín người con của gia đình tôi không thể lấy chồng được.
Chỉ biết chắc là sống nơi đó chúng tôi vừa có hạnh phúc sum vầy, vừa có đủ cay đắng để song hành sáng tác. Cha tôi mất tại ngôi nhà nầy.
Khoảng 1991, chuyển về khu nhà giàu, chúng tôi mất ngay chiếc xe dream của Minh Phượng chỉ sau 5’ về nhà quơ áo quần đi diễn.

@ Sống độc thân khá lâu, tôi chỉ mơ khi về già mình mở một viện dưỡng lão, rồi mình chui vào đó ở luôn cho tiện. Có người xui tôi phải có chỗ ở riêng mới dễ làm việc lẫn lấy chồng. Tôi chuyển cũng có đến chục chỗ ở nữa. Chỗ nào cũng kéo theo những giai thoại vui buồn, chẳng thấy “chồng” đâu, chỉ thấy các bạn sinh viên của tôi phải hì hụi chuyển nhà phụ, dù đồ đạc của tôi không có gì ngoài sách và sách. Tôi yêu nhất là một chỗ trú ngụ vắng vẻ ở hẻm Lê Lai trên Gò Vấp, chỉ có tôi và tôi sau những giờ chết ngất vì tiếp xúc đám đông, không cho cả học trò đến đó. Ngôi nhà đó có được do cô bạn Trương Gia Diệu Trữ một chuyến về thăm nhà quyết tâm kiếm cho bạn mình một chỗ trú thân lui về lỡ mai hậu có sống kiếp không chồng. Hậu quả của cuộc sống tuyệt đối một mình đó là có bửa mãi đến tối sụp tôi mới bắt đầu thấy hơi đoi đói, và bèn nhớ ra từ sáng tới giờ mình mãi làm việc mà quên luôn ba bửa trong ngày.

@ Bây giờ thì tôi đã có một tổ ấm bình thường như ai. Sống ở xứ Mỹ nhưng chồng tôi có được hạnh phúc là trưa về nhà dùng cơm vì chỗ làm chỉ cách nhà có vài bước. Trước khi tôi lập gia đình lần đầu, (với chồng tôi là lần thứ ba) , cả hai chúng tôi đều mê kiểu sống “vô gia đình” của nhà toán học Paul Erdos. Không mái nhà, không chức vụ chính thức, không thú vui, ông di chuyển từ đại học này sang trung tâm nghiên cứu khác với nhịp độ con thoi, mỗi nơi lưu lại vài hôm để học hỏi, thảo luận, nghiên cứu, thuyết trình hay diễn giảng. Làm toán từ thưở lên ba, từ lúc mất mẹ vào năm 52 tuổi, ông làm việc mỗi ngày 19 tiếng, giữ mình tỉnh táo bằng các chất kích thích và cà phê đậm nên đã từng đùa “Nhà toán học là máy chế biến cà phê thành định lý”.

Nhưng đó chỉ là mơ ước tạm thời khi bạn không gặp một người đủ mạnh để cuốn bạn vào một cuộc sống chung thôi. Hiện không phải chín anh em tôi ai cũng có được tổ ấm bình thường. Ông anh đầu của tôi sau khi đổ thủ khoa của trường Y ngoài Huế, về trông coi Viện Bài Lao ở Sơn Chà, rồi trại phong Bến Sắn, nay căn nhà đang ở cũng có được do bà con bên vợ cho mượn tiền. Ông anh kế của tôi sau khi thoát được khu mã lạng, lập gia đình muộn, tấp về ở nhờ nhà má một thời gian, nay đã kiếm được miếng đất ở ngoại ô thì tóc đã bạc phơ. Niềm vui của ông là mang những cuốn Nhà Ðẹp về nghiên cứu để chế cho mình ngôi nhà mơ ước tổng hợp từ các kiểu. Em trai út của tôi năm ngoái mất khi còn sống chung với má, ngoài áo quần chôn theo, gia sản em để lại chỉ vừa một cái gói con con. Hiện tại người dộc nhất sống chung để chăm sóc má tôi là người chị còn độc thân ở tuổi gần lục tuần.

Nhiều người kêu tôi tả lại nơi đang cư ngụ hiện tại, tôi chẳng biết tả sao cho họ hình dung ra một nơi ở ghép chung với chục hộ nữa, toàn các người lớn tuổi, mọi chuyện làm cỏ, làm vườn đã thuê người chăm sóc chung. Chỉ biết rằng hiện tại coi như tôi đã chạm tới ước mơ, khi đã có những bửa cơm gia đình đúng nghĩa, và cùng với chồng, tôi có góp tay vào tạo nên những món ăn ấm áp trên một nơi tạm gọi là đất khách, quê người.

Nguyễn Thị Minh Ngọc
(Bismarck. 30.Nov.2007)




Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home