Monday, July 13, 2009

Trần Viết Minh Thanh

Entry for January 07, 2009
Trần Viết Minh Thanh sinh ngày 29 tháng 4 năm 1955 tại Nha Trang, Việt Nam. Tốt nghiệp Đại học Southern Illinois University – Hoa Kỳ.
Mất ngày 4 tháng 1 năm 2009 tại quận Cam, California, Hoa Kỳ - Hưởng dương 54 tuổi, để lại một trời thương tiếc cho gia đình (phu quân Nguyễn Thức và 3 con).


Chưa viết được điều gì cho chị Thanh và Thúy.

Xin mượn từ www.damau.org


Ai Điếu Trần Viết Minh Thanh
Trần Mộng Tú 5.01.2009 |

Gửi Thức

Tối hôm qua
từ nơi cửa sổ phòng tôi
tuyết xuống
tuyết rơi trên những cành tùng
có tiếng đập cánh
rất khẽ
của con chim trốn tuyết

tuyết không ở lâu
những bông hoa trắng nhỏ
nhỏ dần
nhỏ dần
tan thành nước

không còn tiếng động nào
một không gian
trắng toát

tối hôm qua
trong gian phòng ở bệnh viện

nàng thở
thở nhỏ dần
nhỏ dần
nhỏ dần
hơi thở tan vào không gian

không còn tiếng động nào
tồn tại

máy đo tim kéo đường ngang im lặng
những giọt máu thôi không ứa ra
những mũi kim thôi ấn xuống
những chiếc ống
những sợi dây
câm nín nhìn nhau

chiếc khăn phủ giường kéo lên
kéo lên
kéo lên
phủ kín nàng

một không gian trắng toát

cả căn buồng lặng im

duy nhất tiếng tim chàng
ngơ ngác đập!

tmt ( Jan.5th, 2009)

http://damau.org/2008/12/a-h%e1%bb%93i-dp-v%e1%bb%81-d%e1%bb%8bch-thu%e1%ba%adt-c%e1%bb%a7a-d%e1%bb%8bch-gi%e1%ba%a3-ph%c6%b0%c6%a1ng-qu%e1%bb%b3nh-v-tr%e1%ba%a7n-vi%e1%ba%bft-minh-thanh/

Phỏng Vấn với Dịch Giả Phương Quỳnh và Trần Viết Minh Thanh
Ban Biên Tập 22.12.2008 | 0 bình luận

LTS: Phương Quỳnh là dịch giả chương đầu quyển ký sự Out of Mao’s Shadow (Thoát Khỏi Hình Bóng Mao) của Philip Pan, đã đăng Trên Kệ Sách. Trần Viết Minh Thanh đã dịch nhiều tác phẩm, Đức Bà Trên Đỉnh Cao- Ha-jun Jung; Cậu Bé Kỳ Diệu - Pinckney Benedict; Con cháu Mỹ quốc - Liesl Schillinger; Diễn dịch bệnh trạng - Jhumpa Lahiri và Hành khách cuối cùng - Marisa Silver.

BBT Da Màu (BBT): Kinh nghiệm dịch văn chương/thơ của bạn. Bạn đã dịch được bao lâu hoặc tại sao lại dịch văn chương/thơ?

Phương Quỳnh (PQ): Tôi chỉ là một “dịch giả” tài tử. và thường là dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Tất cả bắt đầu từ một hôm cô con gái của tôi hỏi tôi về ý nghĩa của những bài hát ru mà tôi ru cháu từ hồi còn bé, tôi ấp a ấp úng cố gắng dịch và giải thích cho cháu hiểu những bài hát ru đó và thấy mình…bí. Cháu bồi thêm cho một câu là “mẹ muốn con biết về văn thơ, ca nhạc của Việt Nam mà mẹ không giới thiệu cho con thì làm sao con hiểu và thích được. Vậy là tôi bắt đầu cắm cúi dịch, tìm những chữ dễ hiểu làm căn bản để rồi từ đó giải thích và truyền đạt một số “cảm xúc” của mình với một số văn thơ Việt Nam để giới thiệu cho cô con gái. Thêm một yếu tố khác nữa là nơi tôi làm việc không có người Việt Nam, những hôm trời lạnh nhớ nhà không biết bày tỏ cùng ai những kỷ niệm, những giòng thơ hay những câu chuyện xưa, tôi đành dịch một số thơ văn mình thích, hợp tình hợp cảnh để chia xẻ với bạn đồng nghiệp cho đỡ nhớ nhà. Những khi kể lể như thế mới thấy mình không biết “nói” làm sao, diễn tả làm sao, vậy là về nhà lôi sách ra đọc, lôi tự điển ra tìm, viết xuống, học thuộc, đem vào sở chia xẻ với bạn đồng nghiệp, đồng thời hỏi họ về những trường hợp tương tự họ sẽ “nói” sao. Về nhà sửa lại bản dịch của mình, loay hoay như vậy cho đến khi thấy vừa ý, mê mẩn, như đang chơi một trò chơi thích thú … rồi dần dà đột nhiên thấy mình trở thành dịch “giả” ca một số tác phẩm thơ văn…

Trần Viết Minh Thanh (TVMT): Tôi thật sự chỉ là một người dịch tài tử, đọc truyện ngắn, dòng thơ hay lòng tôi như có một thôi thúc phải chuyển dịch câu chuyện, cách dàn dựng câu chuyện và lối hành văn của tác giả, có thể nói tôi muốn kể lại câu chuyện lại bằng ngôn ngữ Việt (hay chuyển câu chuyện từ tiếng Việt ra ngôn ngữ ngoại quốc).

Khi dịch một tác phẩm ngoại ngữ ra tiếng Việt, ý định tiên quyết của tôi là làm sao cho bản dịch của mình trở nên Việt hóa, lôi cuốn tác giả ngay từ lúc đầu câu chuyện, tôi muốn độc giả có cảm giác gần gũi với các nhân vật trong truyện hay ít nhất không thấy xa lạ với văn hóa của vùng mà câu chuyện lấy làm bối cảnh.

Tôi làm công việc Dịch đều đặn các tác phẩm văn chương thì có lẽ khoảng được trên sáu năm, bắt đầu với các với các truyện ngắn Pháp của Alphonse Daudet, Guy de Maupassant mà tôi được học từ bé. Quyển sách tôi dịch bằng Anh ngữ đầu tiên là quyển sách triết lý sống, Tuesdays with Morrie của Mitch Albom do G.S Đỗ Đình Tuân giới thiệu, quyển sách giúp tâm trí tôi bình an trong khi đang điều trị bệnh.

BBT:Tác phẩm dịch/dịch giả đã thay đổi cuộc đời của bạn?

PQ: Rải rác đâu đó trong những tác phẩm được chuyển dịch, tôi bắt gặp những câu, những chữ, hay những nhân vật đắc ý rồi cảm phục dịch giả chuyển dịch quá hay, nhưng nói đến một tác phẩm hay một dịch giả đã làm thay đổi cuộc đời của tôi thì chắc là không có. Tuy nhiên tác phẩm “Câu Chuyện của Dòng Sông” do Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch từ cuốn “Siddhartha” của Hermann Hesse đã làm tôi xúc động và đã đem làm phần nào bình yên cho tôi. Tác phẩm này cũng lôi kéo tôi tìm đọc những tác phẩm khác của Hermann Hesse qua bản dịch tiếng Việt và tiếng Anh.

TVMT: Tác phẩm hay mà khó, khó ở đây đối với tôi là có tính cách vận dụng hết tài năng của mình (challenging), bao gồm kiên nhẫn, thì tôi chưa thực hiện.

Với chuyện ngắn tôi đã dịch rồi thì chuyện “Interpreter of Maladies” của Jhumpa Lahiri, là tôi cảm thấy gần gũi nhất, từ ý tưởng đến cách hành văn, trong sáng và lôi cuốn, với những nhận xét rất tinh tế. Qua cái nhìn của thế hệ đương đại, thế kỷ 20, 21, Lahiri diễn tả thế hệ của người di dân tới đất mới, từ đời cha mẹ đến các con, sự chuyển tiếp của văn hóa từ cha mẹ đến các các con, và sự thích ứng trong môi trường mới của cả hai thế hệ, với những diễn xuất tình cảm, tâm lý uyển chuyển, rất gần, rất thực. Tôi thấy một phần của mình trong đó.

Trong tập truyện kế tiếp “Unaccustomed Earth”, Lahiri không đặt câu hỏi “ Đâu là quê hương của mình?”, mà cô trình bày ý niệm của một nhân vật nhìn cha và ngạc nhiên khi thấy cha mình về già sao giống người Mỹ, ông có thể là người của bất cứ quốc gia nào. Tôi thấy ý niệm đó tương đương với thời đại mạng lưới điện toàn cầu, khi con người vượt qua hàng rào quốc gia để thuộc về một thế giới lớn hơn.

BBT: Bạn có bao giờ gặp những khó khăn khi dịch?

PQ: Có lẽ tôi luôn luôn gặp khó khăn khi dịch vì lúc nào cũng cố gắng trung thực với tác phẩm, diễn tả điều tác giả/tác phẩm gởi gắm cả ý nghĩa lẫn xúc cảm ngoại trừ khi phỏng dịch, khi mà tôi để trí tưởng tâm hồn mình hòa vào với câu chuyện hay với giòng thơ rồi từ đó lang thang…

Gần đây nhất khi dịch một trích đoạn trong “Out of Mao’s Shadow” của Philip P. Pan, lúc đọc trích đoạn bằng tiếng Anh tôi vô cùng cảm xúc với lối hành văn,với câu chuyện và ngỡ như là “chuyện của mình”, nghĩ là sẽ dịch xong trong một thời gian rất nhanh. Nhưng thật sự khi bắt tay vào dịch tôi mới thấy mình gặp nhiều trở ngại trong diễn tả tình và cảnh của trích đoạn, tôi đã phải tìm đọc thêm về vụ Thiên-An Môn, về Triệu Tử Dương, về Vương Tuấn Tú để có thể dịch trích đoạn đó. Nguyên bản tiếng Anh, viết tên Trung-Hoa theo tiếng Anh, nên để gọi chính xác tên theo tiếng Việt hay dùng cũng là một vấn đề, tên tôi đã để nguyên giao cho Bích Thúy muốn “làm sao thì làm”. Cố gắng dịch đi dịch lại vậy mà cuối cùng vẫn không thấy mình diễn tả theo đúng theo kiểu diễn tả của người Việt Nam mình, đành phải nhờ Bích Thúy ra tay…

Tôi vẫn thường nghĩ là một dịch giả nên thông hiểu không những hai ngôn ngữ - ngôn ngữ của “nguyên bản” và ngôn ngữ mình muốn chuyển dịch sang – mà còn cả hai nền văn hóa nữa, vì như vậy mình mới có thể diễn tả hết tác phẩm, đem lại “cảm xúc” cho người đọc.

TVMT: Văn hóa xứ nào cũng có những đặc điểm của họ mà xứ khác khó có thể diễn tả được cho đúng ý tác giả, nhất là chất thơ, chất trữ tình trong cách diễn tả của tác giả. Vì thế có người cho bản dịch chỉ là một cái bóng, một bản nháp mà thôi, không thể nào y như là bản chính. Tôi đồng ý với điểm vừa nêu ra, đó là sự khó nhất khi dịch một tác phẩm văn chương, làm sao người dịch chuyển được ý tứ của câu văn, câu thơ trữ tình, lãng mạn mà văn hóa khác không có chữ tương đương.

Dịch thuật thật sự là một công việc phức tạp, bao gồm tìm hiểu, nghiên cứu tập quán, tục lệ của những gì được trình bày trong câu chuyện. Người dịch phải hiểu những gì được trình bày trong tác phẩm chính, đền đài Ấn Độ, các vùng Ấn Độ chia ra như vậy có giống các bang của Hoa Kỳ không? v.v..

BBT: Nếu có thể so sánh/định nghĩa dịch thuật, hoặc đặt ra một ẩn dụ (metaphor) cho dịch thuật, thì đó sẽ là gì?

PQ: Với tôi dịch thuật là một “trò chơi khám phá”, khám phá tác phẩm (và tác giả), khám phá chính mình, và trong trò chơi này mình có hơi “ăn gian” chút xíu. Nói là “ăn gian” vì người dịch không thể nào không đặt một chút xíu mình trong đó (cho nên cùng một tác phẩm, mỗi dịch giả lại có một lối dịch khác nhau). Dịch thuật không những là chuyển đạt mà còn sáng tạo, chuyển đạt những gì tác giả muốn nói, sáng tạo trong cấu trúc, trong lối dùng chữ của ngôn ngữ mình muốn chuyển sang để diễn tả hết cái “hồn” của tác phẩm.

TVMT: Dịch Thuật như một họa sĩ sao lại một bức tranh tuyệt vời, chăm chút ghi chép từng đường nét, nhưng vẫn thiếu một vài đương nét có thể từ cái phóng tay tự do của cây bút vẽ, hay một cảm xúc nào đó làm nên nét chấm phá của bức tranh nguyên thủy.

Da Màu xin cám ơn hai dịch giả Phương Quỳnh và Trần Viết Minh Thanh.

Tags: | Edit Tags



Wednesday January 7, 2009 - 05:33am (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for January 08, 2009

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home