Monday, July 13, 2009

Người đàn bà thất lạc" vừa trở về từ Mỹ

Entry for May 11, 2008
Day la NSUT Ngoc Dang.Chiec ao chi ban cho vai Trung Trac la cai ao cuoi cua tui.

Gan nhu toan bo fuc trang cho fu nu trong vo nay la ao dai may kieu xua cua tui het.

Bua nao ranh se ke CHUYEN HAU TRUONG cua vo nay, nhieu chuyen Cuoi ra Nuoc mat

http://www.baomoi.com/Home/VanHoa/2008/5/1608879.epi?refer=www.nhandan.com.vn...

"Người đàn bà thất lạc" tìm thấy gì tại Mỹ?


--------------------------------------------------------------------------------


NS Minh Ngọc và NSƯT Thành Lộc
bên áp - phích của vở ở Mỹ.


NDĐT - Ê-kíp vở "Người đàn bà thất lạc" vừa trở về từ Mỹ sau gần một tháng biểu diễn tại Nhà hát West End, New York theo lời mời của Pan Asia Repertory - tổ chức Sân khấu Liên Á nhằm giới thiệu văn hóa châu Á đến khán giả, đặc biệt là học sinh và sinh viên. Chương trình được sự tài trợ của Công ty Bạn yêu nhạc (MFC) cùng sự hỗ trợ của một số tổ chức và Việt kiều tại Mỹ.


Kịch bản "Người đàn bà thất lạc" của tác giả và đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã được phát hành thành sách, từng được dựng, diễn trên Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh và tham dự liên hoan sân khấu quốc tế tại Phillippines vào năm 2003. Vở kết hợp nhiều hình thức sân khấu: kịch nói, tuồng, cải lương, ngâm thơ... Nội dung vở kịch đề cập đến chuyện một người chồng họa sĩ có vợ là một nghệ sĩ sân khấu tài năng bỗng dưng bỏ đi mất. Người chồng đối thoại với những người phụ nữ trong lịch sử, văn học mà anh đã vẽ như: Trưng Trắc, Hồ Xuân Hương, Hồ Nguyệt Cô... NSƯT Thành Lộc đóng 3 vai: người chồng, Tổng cốc và Hồ Nguyệt Cô; nghệ sỹ đàn tranh Hải Phượng vai người vợ và phụ trách đệm nhạc cho vở; nghệ sĩ Mỹ Hằng vai Kiều Nguyệt Nga và đứa con; nghệ sĩ Ngọc Đáng vai Trưng Trắc và Tiết Giao… Ngoài vai trò tác giả kịch bản kiêm đạo diễn, nghệ sỹ Minh Ngọc cũng tham gia diễn xuất trong vở diễn này. Vở diễn ra đời là kết quả sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai nhóm nghệ sĩ từ VN và nhóm nghệ sĩ chuyên nghiệp của Broadway và Off Broadway (Mỹ). Người vẽ những bức tranh cho vở là Leon Lê, chàng trai gốc Việt, đã từng diễn các vở nhạc kịch của sân khấu Broadway như “Miss Saigon”, “CAT”, “Người đẹp và quái vật” rất nổi tiếng tại Mỹ. Leon Lê diễn vai Thi Sách và người chinh phu trở về trong tích “Thiếu phụ Nam Xương”. Thục Hạnh đóng vai Hồ Xuân Hương và Trưng Nhị cùng nhóm sinh viên của sân khấu của trường Đại học New York đã tích cực tham gia vở diễn này.




NS Mỹ Hằng vai Kiều Nguyệt Nga trong vở.




Đây là lần đầu tiên một vở diễn của Việt Nam được biểu diễn tại New York, cũng là lần đầu tiên một vở diễn với ngôn ngữ gốc (không phải tiếng Anh) được trình diễn tại đây. Pan Asia Repertory thành lập từ năm 1977, tại New York. Đây là tổ chức chuyên giới thiệu những chương trình nghệ thuật sân khấu đương đại của các quốc gia trên thế giới. Pan Repertory chọn kịch bản Người đàn bà thất lạc vì vở hội đủ tính chất văn học, cách thể nghiệm độc đáo, mới lạ về đề tài và dàn dựng có tính đương đại, gần gũi với kịch nghệ của thế giới. Bà Tisa Chang - Giám đốc Nghệ thuật Tổ chức Liên Á đã phát biểu trong buổi gặp gỡ giữa nhà hát, đoàn nghệ sĩ Việt Nam và đại sứ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc: “Đây là một tác phẩm hay của VN, nhưng tôi thật sự bất ngờ trước sự xử lý thông minh và cách làm việc chuyên nghiệp của đoàn nghệ sĩ Việt Nam trong bản dựng kỳ này: sử dụng cả hai ngôn ngữ Việt - Anh”.


Nhà thơ Lê Thị Hàn (tác giả cuốn New York, NewYork) nhận xét: “Tác phẩn đương đại nầy có giá trị toàn cầu vì không chỉ nói lên được tâm tình của phụ nữ Việt mà phụ nữ của các nước khác vẫn có thể soi vào đó tâm tư tình cảm của mình. Rất sáng tạo đặc sắc khi để hai ngưòi dẫn chuyện thỉnh thoảng bước vào biểu diễn, đối thoại tiếng Anh với các nghệ sĩ diễn bằng tiếng Việt. Ðiều nầy hiệu quả hơn các vở cho chạy chữ tiếng Anh rất nhiều vì giúp cho khán giả không bị phân tâm khi thưởng lãm mà vẫn thấu hiểu hết nội dung cảm xúc cần chuyễn tãi. Riêng tôi chỉ mong nhân vật Hồ Xuân Hương bớt đi phần trừu tượng thì có lẽ sẽ dễ hiểu hơn đối với khán giả Mỹ, dù đã lồng được những câu thơ dịch khá sát với ý đồ chơi chữ của bà”. Cặp vợ chồng là mục sư, chủ quản ngôi nhà thờ có sân khấu West End ở đường 86 W, New York cho biết: “Sau khi tiếp cận với những tác phẩm của thiền sư Nhất Hạnh, đây là lần thứ hai triết lý sống của văn hóa và đất nước Việt Nam chinh phục chúng tôi vì sự phong phú cùng sức mạnh tiềm ẩn của sự mềm mại nhưng không kém phần quyết liệt. Chúng tôi sẽ vận động thêm bạn bè, đạo hữu của mình đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế của tâm hồn phụ nữ Việt Nam”. Thân Thanh Hà, designer, cựu người mẫu “thổ lộ”: “Vở diễn giúp cho những người Mỹ có cái nhìn sâu sắc hơn về phụ nữ Việt Nam, từ nhẫn nhục, chịu đựng, oan khiên đến sức mạnh bất ngờ từ những giá trị khó được đàn ông công nhận. Khâm phục tài năng và sự tự tin của tất cả nghệ sĩ khi họ đứng trước một công chúng có thể không hiểu hết ý nghĩa của lời ca tiếng hát Việt Nam nhưng họ vẫn diễn như trút ra toàn bộ tâm hồn của mình trên sàn diễn. Phải là người Việt sống tại nơi đây mới cảm nhận được cái lớn của công việc mang một sản phẩm văn hoá biểu diễn thành công tại New York. Riêng tôi, rất thán phục hai bạn Thục Hạnh và Leon Le, đã góp phần lớn vào sự thành công nầy vì sự thấu hiểu và giữ gìn hai văn hóa Mỹ Việt ngang nhau của họ. Chỉ mong nghệ sĩ của mình, khi muốn vươn ra thế giới, cũng học được tinh thần nầy, để tâm nghiên cứu hơn nghệ thuật thế giới, song song với việc trau dồi nghệ thuật truyền thống của mình”. Tiffany Rothman, biên đạo múa, nói: “Tôi ngồi xem đến bốn lần để có thể chứng kiến sự thú vị của khán giả Mỹ khi được giới thiệu được những nét riêng của văn hóa Việt Nam. Nhờ vở diễn, họ mới biết được trong lịch sử, văn học và đời thường, Việt Nam đã có những phụ nữ sống, sáng tạo và yêu, đau như vậy. Một điều tôi chưa đồng ý lắm là qua bao thời gian, người đàn ông của thời hiện đại vẫn đầy những khuyết tật như vậy nhưng người phụ nữ vẫn phản kháng có phần nào thụ động. Với tôi, bỏ đi chưa phải là một hành động tích cực để chỉnh sửa những người gây ra đau đớn cho mình”.

Trả lời câu hỏi của nhà báo Lê Thiếu Nhơn: “Sự xuất hiện của “Người đàn bà thất lạc” tại Mỹ, nếu nói sòng phẳng nhất, thì nhờ giá trị vở diễn hay nhờ chúng ta biết tiếp thị”, chị Minh Ngọc nói: “Trước tôi cũng có nhiều người có vị thế cao, nhiều lợi thế hơn tôi, đã muốn thực hiện việc đưa kịch Việt Nam sang bán vé cho công chúng Mỹ. Tôi có giới thiệu nhiều vở khác của mình cũng như của bạn bè nhưng bà Tisa Chang cho rằng, nếu chọn vở nầy như một vở đương đại đầu tiên của Việt Nam để giới thiệu cho công chúng New York, sẽ có nhiều lợi thế cho cả hai bên. Kết quả cho thấy bà đã không lầm. Cá nhân tôi luôn cần có một người tiếp thị giỏi bên cạnh. Ðó là một ngành học chưa được xem trọng ở Việt Nam”.





NSƯT Thành Lộc và Leon Le.
“Chúng ta không thiếu những tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ có tài năng để vươn ra tầm thế giới, mà chúng ta đang bị “khô hạn” vì quá thiếu những nhà quản lý văn hóa có tâm cùng có tầm để làm bà đỡ nghệ thuật cho những tác phẩm có chất lượng cao đuợc ra đời. Các đồng nghiệp và khán giả của chúng tôi ở nước ngoài luôn hỏi chúng tôi bao giờ sẽ mang đến một vở mới. Câu trả lời nầy tôi không thể đơn phương trả lời được. Riêng tôi bao giờ cũng trong tư thế chuẩn bị và làm việc. Và những dự án như thế này thường phải mất vài năm”, chị Minh Ngọc cho biết thêm.


“Người đàn bà thất lạc” sẽ biểu diễn tại sân khấu Idecaf (TP Hồ Chí Minh) trong tháng 6 nhân chuyến về nước của Leon, Thục Hạnh và nhóm sinh viên của sân khấu của trường Đại học New York. Nhiều dự án trong tương lai cho cải lương, kịch đương đại và múa rối nước, làm phim đang được phát ra giữa những nghệ sĩ Mỹ - Việt, ngẫu hứng từ cuộc hợp tác được trân trọng vì sự chuyên nghiệp và tấm lòng thành với nghề và cùng quê hương qua vở “Người đàn bà thất lạc”.


Hoàng Yên

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home