Monday, July 13, 2009

Lâu ghê mới gặp!”

Entry for June 12, 2008
@ tren la hinh hai chau.

Lau lam roi hai dua khg duoc gap lai cha

@ Treo truyen nay len trong luc cho nghe Lenh duoc KHOC.

Ngay ca cai chuyen KHOC cung danh.

Tai sao cam kich absurd o Viet Nam,

trong luc xa hoi nay day nhg chuyen absurd nhu vay???????????

“Lâu ghê mới gặp!”


Vay là đã hơn 20 năm, chúng ta lại có dịp ngồi đối mặt nhau trong cái quán cà-phê vắng vẻ. Nhưng đã khác lắm, Sàigòn! Mà cũng đã khác lắm, chúng ta! Anh bây giờ đã sắp làm ông nội. Còn em thì, nói như thế nào cho đúng đây? - Một cô giáo già: dưới mắt học trò em; một mụ nhân tình gá nghĩa để che mắt thế gian: dưới mắt người mà em đang chung sống; một đứa con gái vĩnh viễn khờ khạo: dưới mắt cha em...

Em cảm động lắm khi biết anh vẫn còn yêu em, thậm chí yêu hơn cả ngày xưa. Bởi vì với anh, em tượng trưng cho cả một Sàigòn xưa thất lạc. Khi được ngồi riêng với nhau, anh đã đọc một hơi những bài thơ xưa kia em viết. Viết cho ai, em không nhớ. Có thể là cho Mi, đã chết trận, có thể là cho Thức, vừa mới cưới cô vợ thứ ba. Những câu thơ mà người viết ra là em chỉ còn loáng thoáng nhớ...

Em yêu anh, hết thảy, tính hay, nết xấu.

Hết thảy, lòng bao dung, sư bạo tàn,

Môi dịu dàng, lời đau đớn...

Ô hay, có ai như là em

Mộng chưa chín tới đã tàn phai.

Ngồi trước mặt em là anh, người đàn ông đã hai lần ngỏ lời cầu hôn khi em vừa 20 tuổi. Em nhớ lúc ấy em yêu anh ghê gớm lắm nhưng em đã lắc đầu từ chối đến hai lần. Có lẽ em tiếc em. Em còn ham chơi. Em nghĩ vài năm nữa cũng chưa muộn để em được đóng vai người vợ. Ai dè sau đó lạc nhau, thoắt đã thêm nữa hơn 20 năm. Anh đã tóc hoa râm hai bên màng tang gợi nhớ muối tiêu, rau răm, hột vịt lộn. Em thì tóc biếc đen nhờ thuốc nhuộm Colorsilk vài tháng một lần. Có lẽ em cũng để tóc tai mặt mũi u sầu nếu trong hợp đồng sống chung Vỹ không đề nghị em nên cố gắng tối đa “cưa sừng làm nghé” cho ra vẻ một cặp “đôi lứa xứng đôi” dưới mắt bà con chòm xóm khán giả vì dù gì anh ấy cũng là một người mẫu thời trang.

Em không muốn đính chính chút nào những lời anh đang mắng mỏ anh ta. Anh bực dọc vì vừa đặt chân về xứ đã nghe nhiều điều tiếng không hay là Vỹ đã đối xử không tốt với em. Em cứ sợ lời đính chính thật thà của mình sẽ nặng nề hơn những lời tối cáo mà anh đã bị nghe một cách xuyên tạc,

- Thôi, dẹp hết đi, nói chuyện hiện tại, anh làm ăn sao? Vợ con sao? Hạnh phúc không?.

Anh lại than vợ, khen con như 99% đàn ông có vợ sau anh, em thường bị gặp. Em muốn nghe chuyện của anh kìa. Anh lại cười buồn. Anh thất nghiệp thường trực, anh sống không giống như những người đồng hương khác, vợ anh đôi lúc nói anh khùng nhưng hai con của anh có vẻ càng lớn càng hiểu cha hơn. Em gục gặc ra vẻ hiểu. Em đã có dịp ra nước ngoài. Và trong số người Việt sông ở hải ngoại em gặp, thường khoảng vài chục ông, bao giờ cũng lạc loài nổi lên một, hai ông khá bất bình thường như vậy. Chẳng biết hồi đó nếu em gật đầu làm vợ anh, anh có bình thường được không, hay là...

Hôm vừa rồi, những bạn học liên lớp 12 xưa có nhắn về họp mặt ở P. Em không về được, gọi điện thoại ra. Có một đứa con trai nhắc hồi đó tôi mê Ngâm lắm. Vì cái gì Ngâm biết không? Vì cái vẻ khùng khùng không giống ai của Ngâm. Rồi nó hét to trong điện thoại liên tỉnh. Ngâm khùng!.. Nghe nói bây giờ nó đang là một bác sĩ hái ra tiền ở một thị trấn miền Trung.



Hết ngồi ngó mặt nhau, chúng ta lại kiếm một quán nước cùng ngó thẳng ra bờ sông để thỉnh thoảng ngó nghiêng nhau...

Bên nhau cách một ván thiên

Muốn nhìn nhau đi nữa cũng phải nằm nghiêng mà nhìn.

Anh nói anh còn thần thượng em lắm nên anh chỉ muốn đánh cái đứa sống chung với em khi anh nghe nói nó đã xử tệ với em. Em phản đối yếu ớt. Vỹ có xử tệ với em mô nà. Vỹ rất yêu em. Có chuyện chi đi nữa cũng là lỗi tại em thôi. Anh còn thắc mắc, đọc lại những chuyện em viết trước và sau 30 tháng tư 75 gì đi chăng nữa thì cũng chẳng thấy em kể chuyện sex như nhiều nữ văn sĩ khác. Em cười khỏa lấp, tại em sợ phạm pháp, em không muốn giống người ta...

Anh nói thật kỳ lạ, 20 năm sau mà em vẫn không thay đổi gì hết, thậm chí còn trẻ hơn. Em bày đặt viết lách ra bộ hị hợm nhưng làm sao dấu nổi anh, em còn thơ dại lắm. Ðó không phải là câu khen đâu mà là một câu chê bai. Em thừa biết vì nếu không ai chê thì em cũng đã tự chê rồi...

Ði chơi với nhau như vậy trong ròng rã một tuần anh vào Sàigòn với gia đình. Có lúc em ngồi lẫn trong những buổi ăn đông đúc của bà con anh đãi. Có những lúc hai đứa đi chơi riêng nhưng chỉ ngồi ngó ngang hoặc ngó nghiêng, vẫn tiếp tục là “bạn để ngồi” với nhau chứ không sao chuyển nổi sang “bạn để nằm” như anh và em đều mơ ước.

Cố gắng lắm chỉ là nắm tay nhau trên hoặc dưới bàn như trẻ mới lớn. Mặc dầu trẻ mới lớn bây giờ tụi nó biết và làm được nhiều chuyện hơn mình lắm. Nói đâu xa, hồi xưa, khi hai gia đình đã coi hai đứa mình như vợ chồng, cũng đã đi sâu vào nhau đâu. Chỉ là vài nụ hôn lén lút khi xe lửa chạy qua hầm trên chuyến tàu về quê. Nhớ không, và những nụ hôn nồng nàn sóng sánh men say của một thứ rượu dường như được cất lên từ mớ sao rãi lênh láng giữa gió biển đèo cao?...



Một tuần trôi nhanh hơn mây, hơn mộng, hơn gió, sấm và hơn cả ánh sáng hiu hắt đến từ trời... Ngày anh đi, em trốn, không tiễn dù gia đình anh tha thiết mong sự có mặt của em vì ngó bộ họ chắc chắn sẽ không bao giờ hai ta còn cơ hội gặp lại.

Anh hỏi sao em không cố đến với anh lần cuối, biết còn có bao giờ, mai sau... Em đùa, bao giờ vợ con anh sống vững vàng rồi, dù đã bảy, tám mươi tuổi, cũng ráng thu xếp về đây sống những ngày cuối đời với em. Anh lại hỏi, nói thật đi, tại sao?...

Em im lặng một phút rồi buông: - Em sợ em chết...

Anh chùi nước mắt ở khóe cho em: - Còn em không ra tiễn, không sợ anh chết ngay trên phi trường Tân Sơn Nhất hay sao?.



Ðể trốn được cái ngày “thương nhau đoài đoạn, ối a đoạn trường” đó, em nhận lời đến dự buổi lễ mãn tang cha ở nhà một đứa học trò cũ. Lê Ngọc bây giờ đang là một danh hài của sân khấu Việt Nam. Hồi đi học nó là đứa học trò phá phách nhất, đôi khi chỉ bằng tiếng cười vô tổ chức, âm thanh nổi của nó. Còn bây giờ chính nó lại là đứa sống hiếu nghĩa nhất. Lê Ngọc cố làm lễ mản tang cho cha thật trang trọng để chuẩn bị sau đó đứng ra gã chồng cho cô em gái kế.

Bạn đồng nghiệp tấu hài của Ngọc gặp nhau cứ chào: “Lâu ghê mới gặp!” rồi ré lên cười từng cơn trước khuôn mặt bẽn lẽn với một chút gì hạnh phúc của má nó. Thấy em ngơ ngác, tụi nó kể:

- Cô Ngâm biết không, đêm qua lúc nhắc tụi em nhớ đến đây dự, Ngọc có kể hai giai thoại trong ngày ba nó mất.

Giai thoại một, ai cũng biết ba má nó ly dị nhau đã lâu. Hình như ba nó bị một tình địch hành hung lén, nặng tới độ phải đưa vào bệnh viện cấp cứu trong trạng thái hôn mê. Chỗ ông nằm tấp nập các cô vô thăm. Khi má nó ngồi rơ miệng cho ba nó, ông cắn chặt ngón tay bà như muốn nói một điều gì rồi... ông đi luôn. Các cô khóc rộ lên, bị má nó trừng mắt: “Câm ngay mấy con đĩ chó kia, chồng tao, phải để tao khóc trước!”.

Khi các bà kia tạnh im phăng phắc xong, má nó mới bung người ra khóc như một người lĩnh xướng, các bà Hai, bà ba, bà Tư mới nỉ non làm dàn đệm đồng khóc bè theo.

Giai thoại hai, má nó lãnh phần tắm rửa thi thể cho ba nó. Xong phần tay chân mặt mũi, xong cổ, thân mình, bụng... tới chỗ “đàn ông” nhất, bà khựng lại vài giây rồi thở ra, có lẽ với một chút ngậm ngùi: - “Chà! Lâu ghê mới gặp!”



Khi kể mẫu chuyện này cho anh nghe, em không phải để cười hay khóc mà đơn giản là em muốn anh rõ em đang lọt vào tình thế không đủ tư cách nói được câu này với tất cả những người đàn ông đã bị mang tiếng là người yêu của em trong quá khứ - và em nghi là ngay cả với những người đàn ông trong hiện tại lẫn tương lai.

Em với anh “biết” nhau đến độ sâu nào thì anh đã rõ rồi. Em cũng chẳng cần thiết phải dối anh làm gì khi cho anh biết vài người đàn ông khác cũng chỉ vậy vậy mà thôi...

Còn trường hợp người đang chung sống với em, anh chàng người mẫu thời trang hạng B1 - Lã Quới Vỹ - thì giữa hai ta em kể thật luôn. Khi mẹ em hấp hối, để bà vui, em có hỏi trong vòng tình thân, ai muốn làm đám cưới giả với em thì sẽ được chung hai cây vàng chín tuổi sáu. Nói nôm na là hai đứa sống hợp đồng. Mà lại là loại hợp đồng “chay”.

Nhiều đêm không ngủ được, em ngồi dậy, ngó Lã Quới Vỹ - “giấc-mơ-của- nhiều-cô-gái-trẻ” như một bài báo đã viết - đang hồn nhiên nằm ngủ cạnh mình mà em chẳng biết nên cười hay mếu. Cái gì bên trong những bộ đồ ngủ sang trọng, những chiếc quần lót các màu các kiểu kia... chưa hề làm em xao động vì em biết phần số đã không dành cái đó cho em. Vỹ đang chọn yêu một số những người bạn trai đồng nghiệp của em... Thế nên anh đã có thể hiểu tại sao trong những tác phẩm của em, em né tối đa những chuyện nhuốm màu sắc sexuel, chuyện làm tình, chuyện thầm kín phòng the. Thiệt ra thì em cũng chẳng tử tế, đức hạnh gì đâu. Chẳng qua em đã nghe lời khuyên của nhiều người đi trước lẫn đi sau: Không nên viết về những gì mình chẳng rành rẽ, chuyên môn.



Tạm biệt anh, người đã hai lần suýt làm chồng em. Ðừng quên cái hẹn vào năm bẩy, tám chục tuổi với em. Anh thấy đó, có những niềm vui rất nhỏ nhưng có lẽ em không được dự phần vào. Mẹ của cậu Lê Ngọc, danh hài của sân khấu Việt Nam hiện đại, ít ra cũng hạnh phúc hơn em vì đã có chút vốn trước khi được ngó lại thể xác người xưa trong tích-tắc ngậm ngùi kia... Còn em, được sống cạnh khá nhiều thi thể sống nhưng chắc gì em được cơ may một thoáng kêu lên: “ Ôi trời! Lâu ghê mới gặp!”.


Tags: | Edit Tags



Thursday June 12, 2008 - 02:51pm (ICT) Edit | Delete

Next Post: Entry for June 13, 2008

Comments(1 total) Post a CommentDiem … Offline Chuyện thiệt hay và cảm động chị ạh. Em đã đọc truyện này của chị trước đây rồi nhưng giờ đọc lại vẫn thấy hay, thấy ngậm ngùi cho số phận những người phụ nữ đã phải thốt lên hay chắc gì đã có một cơ may thốt lên "Lâu ghê mới gặp!"

Thursday June 12, 2008 - 05:11pm (ICT) Remove Comment

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home